Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm

10:10, 19/10/2020

Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính... đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính... đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.

Một bệnh nhân bị biến chứng của bệnh tiểu đường điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Một bệnh nhân bị biến chứng của bệnh tiểu đường điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Điều chỉnh lối sống lành mạnh và ăn uống hợp lý là 2 trong số các biện pháp chính để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm.

* Những con số biết nói

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2016, cả nước có hơn 548,8 ngàn trường hợp tử vong do bệnh tật. Trong đó có 77% số người tử vong do bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ước tính, trung bình mỗi năm, nước ta có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126 ngàn người mắc mới ung thư, rối loạn tâm thần.

Tại Đồng Nai, số lượng người dân mắc các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng và trẻ hóa. Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2019, toàn ngành quản lý hơn 5,3 ngàn người mắc bệnh ung thư, tăng hơn 2 ngàn trường hợp so với năm 2018, trong đó có hơn 2,6 ngàn trường hợp mắc mới. Bệnh ung thư vú chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh ung thư với hơn 16%. Tiếp theo là ung thư đại trực tràng, ung thư gan. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có hơn 3,7 ngàn người mắc bệnh cao huyết áp được phát hiện mới, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh này trong toàn tỉnh lên hơn 14,9 ngàn người; hơn 4,2 ngàn người bị các bệnh tâm thần, động kinh và các loạn thần khác; hơn 35,9 ngàn người mắc bệnh đái tháo đường.

BS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Nội tiết Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, trung bình mỗi ngày, khoa điều trị nội trú cho hơn 30 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, còn khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho từ 300-400 bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường mỗi ngày. Đáng lưu ý, nhiều bệnh nhân do không hiểu rõ về bệnh, không đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, đúng cách nên gây ra những biến chứng nguy hiểm, có nguy cơ phải đoạn chi, chạy thận, tốn nhiều chi phí điều trị, thời gian, công sức.

* Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thừa cholesterol trong cơ thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch. Có nhiều nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cholesterol, trong đó chủ yếu do lối sống ít vận động và chế độ ăn uống chưa hợp lý.

Những thực phẩm chứa nhiều cholesterol là những thức ăn có nguồn gốc từ động vật và mỡ động vật như: thịt bò, mỡ bò, thịt heo, mỡ heo, thịt cừu, thịt gia cầm béo (vịt, ngỗng nuôi công nghiệp) và nội tạng động vật.

Để khống chế và đẩy lùi các bệnh không lây nhiễm, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020. Mục tiêu nhằm khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.

Ngoài ra, phải kể đến các nguyên nhân khác là uống nhiều bia, rượu, các thức uống có gas; lười tập thể dục, ít vận động; tăng cân nhanh, hút thuốc lá. Những người bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường cũng có mức cholesterol cao hơn mức bình thường; yếu tố gia đình, tuổi tác cũng có ảnh hưởng đến tình trạng cholesterol trong cơ thể.

Để hạn chế tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể và nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ăn, uống các thực phẩm, thức uống có chứa nhiều cholesterol; nên bổ sung các thực phẩm có lợi như cá hồi, cá trích, dầu thực vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây ít đường; thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, không hút thuốc lá, thuốc lào...

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho hay, Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đồng Nai hướng đến là khống chế tốc độ gia tăng của các bệnh không lây nhiễm phổ biến. Trong đó, hướng tới mục tiêu 50% người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng để được điều trị; 40% người bệnh hen phế quản được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng; 20% số người mắc ung thư khoang miệng, ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng được phát hiện ở giai đoạn sớm; 80% cán bộ y tế hoạt động trong dự án được đào tạo nâng cao nghiệp vụ về phòng, chống ung thư.

“Việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người dân nên kịp thời đến các cơ sở y tế có chuyên môn để được thăm khám, điều trị, tránh nghe theo những cách chữa mẹo, dân gian hay những người không có trình độ chuyên môn chữa trị bởi rất dễ khiến bệnh nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng” - BS Nguyễn Hữu Tài chia sẻ.

An Yên

Tin xem nhiều