Báo Đồng Nai điện tử
En

Siết chặt quản lý cấp phép hành nghề y, dược

09:10, 11/10/2020

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả (trong đó 2 trường hợp sử dụng bằng giả để đăng ký hành nghề và 1 trường hợp để đăng ký thực hành). Ngoài ra, có 1 trường hợp khác sử dụng chứng chỉ hành nghề giả.

BS CKII Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế)
BS CKII Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế)

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả (trong đó 2 trường hợp sử dụng bằng giả để đăng ký hành nghề và 1 trường hợp để đăng ký thực hành). Ngoài ra, có 1 trường hợp khác sử dụng chứng chỉ hành nghề giả.

BS CKII Lê Quang Ánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) cho hay, ngay sau khi phát hiện các trường hợp trên, Sở Y tế đã đình chỉ hoạt động các cá nhân, cơ sở y tế liên quan, xử phạt cơ sở sử dụng những người sử dụng bằng cấp giả và chuyển hồ sơ để cơ quan công an điều tra, xử lý.

* Chuyển cơ quan công an điều tra, xử lý

* Xin ông cho biết cụ thể các trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả, chứng chỉ hành nghề giả?

- Trường hợp thứ nhất là sử dụng bằng bác sĩ giả (đã được một địa phương khác cấp chứng chỉ hành nghề) đến Đồng Nai để đăng ký hành nghề tại một phòng khám đa khoa, phạm vi hành nghề khám chữa bệnh chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh (X-quang, siêu âm). Phòng khám này thực chất do một doanh nghiệp cũ hoạt động không hiệu quả, chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp chủ quản mới làm hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động và đăng ký tên bác sĩ này vào làm việc. Sau vài tháng phòng khám đi vào hoạt động, Sở Y tế Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế TP.HCM phát hiện bác sĩ này sử dụng bằng giả.

Trường hợp thứ 2 là sử dụng bằng bác sĩ giả để đăng ký hành nghề tại một phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt tư nhân. Phòng khám này do một  bác sĩ có bằng thật chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, đã được cấp giấy phép hoạt động. Còn người sử dụng bằng bác sĩ giả đã đăng ký làm chung tại phòng khám. Trong quá trình kiểm tra các cơ sở hành nghề chuyên khoa răng - hàm - mặt trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã phát hiện ra người này sử dụng bằng cấp giả.

Trường hợp thứ 3 là người sử dụng bằng bác sĩ giả đăng ký thực hành tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để xin cấp chứng chỉ hành nghề. Qua dư luận phản ánh, Sở Y tế đã kiểm tra, xác minh cho kết quả bằng bác sĩ mà người này sử dụng là giả.

Trường hợp thứ 4 là sử dụng chứng chỉ hành nghề giả. Trường hợp này làm việc tại một phòng khám đa khoa. Trong quá trình khai báo về hành nghề, phòng khám đa khoa nghi ngờ chứng chỉ hành nghề của người này nên đã báo cáo với Sở Y tế. Sở Y tế Đồng Nai phối hợp với Sở Y tế TP.HCM đã xác minh cho kết quả chứng chỉ hành nghề là giả.

* Quan điểm của Sở Y tế như thế nào về việc các cá nhân sử dụng bằng cấp, chứng chỉ hành nghề giả?

- Ngành Y là ngành liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Ngoài việc tuyển sinh đầu vào đại học với số điểm rất cao, sinh viên ngành Y còn phải trải qua thời gian đào tạo 6 năm tại trường đại học (những ngành nghề khác chỉ từ 4-5 năm) mới được cấp bằng tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, các bác sĩ trẻ còn phải trải qua quá trình thực hành 18 tháng tại cơ sở y tế mới được cấp chứng chỉ hành nghề, đủ điều kiện khám, chữa bệnh. Quy định chặt chẽ này nhằm đào tạo đội ngũ bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn, năng lực và y đức để hành nghề khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Do đó, việc sử dụng bằng bác sĩ giả, chứng chỉ hành nghề giả để hành nghề khám, chữa bệnh là điều không thể chấp nhận được, vừa vi phạm đạo đức, vừa vi phạm pháp luật. Bởi một người không được đào tạo bài bản về ngành Y, khi hành nghề sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.

Chính vì thế, ngay sau khi phát hiện các trường hợp này, Sở Y tế đều chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, nhằm mang tính răn đe đối với những người khác.

Bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao khám, chữa bệnh cho người dân tại một cơ sở y tế trong tỉnh. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao khám, chữa bệnh cho người dân tại một cơ sở y tế trong tỉnh. Ảnh: H.Dung

* Siết quản lý cấp phép hành nghề

* Vậy theo ông, đâu là khó khăn trong công tác quản lý bằng cấp, cấp chứng chỉ hành nghề?

- Hiện nay, đa số hồ sơ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề khi nộp lên Sở Y tế đều sử dụng bản photo công chứng. Nếu cơ quan công chứng không phát hiện ra bằng giả, thực hiện công chứng thì khi đưa lên Sở Y tế, cán bộ chuyên môn nhìn bằng mắt thường bản photo công chứng không thể phát hiện được đó là bằng thật hay bằng giả. Những cá nhân nào có đầy đủ hồ sơ theo quy định thì Sở sẽ tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề. Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra được bản chính bằng cấp của y, bác sĩ khi đi thẩm định để cấp phép hoạt động cho cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, do không được đào tạo bài bản nên chúng tôi cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm để biết bằng đó là bằng thật hay bằng giả, chứ không có căn cứ nào để đối chiếu.

Mặt khác, sau khi cơ sở được cấp phép hoạt động lần đầu, trong quá trình hoạt động nếu bổ sung nhân sự hành nghề, người được bổ sung không bắt buộc phải mang văn bằng chính tới cơ quan chức năng để thẩm định mà chỉ cần nộp bản hồ sơ công chứng. Nếu có đủ hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu, Sở Y tế sẽ cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định. Thủ tục đơn giản này cũng có thể là kẽ hở để một số cá nhân sử dụng bằng cấp giả.

* Giải pháp để siết chặt quản lý bằng cấp, chứng chỉ hành nghề y trong thời gian tới của Sở Y tế là gì, thưa ông?

- Toàn tỉnh hiện có hơn 1,5 ngàn cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 3,5 ngàn cơ sở kinh doanh dược. Để kiểm tra được tất cả các văn bằng, chứng chỉ của các y, bác sĩ, dược sĩ, đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực lớn và tốn nhiều thời gian.

Giải pháp mà chúng tôi đưa ra trong thời gian tới là tăng cường công tác thanh, kiểm tra, vừa thường xuyên vừa đột xuất, đặc biệt với các cơ sở và cá nhân có những dấu hiệu nghi ngờ.

Bên cạnh đó, thông qua công tác thẩm định, xét hồ sơ, nếu thấy nghi ngờ, chúng tôi sẽ có văn bản gửi các trường đại học y dược, các sở y tế liên quan để xác minh. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có thông báo đối với tất cả những người hành nghề y, đặc biệt là bác sĩ, dù đăng ký hành nghề lần đầu hay đăng ký bổ sung cũng phải mang văn bằng bản chính đến Sở Y tế để kiểm tra.

* Xin cảm ơn ông!

Hiện nay, việc làm giả giấy tờ, bằng cấp công khai tràn lan trên mạng. Nhiều người còn rao bán bằng bác sĩ với giá vài triệu đồng nên việc mua bằng giả rất dễ dàng. Những bằng cấp giả mà Sở Y tế phát hiện đều do bên ngoài làm chứ Sở Y tế chưa phát hiện văn bằng, chứng chỉ giả xuất phát từ Sở Y tế.

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều