Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho con cơ hội để lớn khôn

09:11, 13/11/2020

1. Năm học này, lớp của con tôi có một bạn học sinh khuyết tật. Cậu bé bị liệt hai chân. Để thuận tiện cho sinh hoạt của con ở trường, gia đình để hẳn một chiếc xe lăn trên trường cho bé. Những ngày đầu đi học, cha của bé gần như túc trực tại trường.

1. Năm học này, lớp của con tôi có một bạn học sinh khuyết tật. Cậu bé bị liệt hai chân. Để thuận tiện cho sinh hoạt của con ở trường, gia đình để hẳn một chiếc xe lăn trên trường cho bé. Những ngày đầu đi học, cha của bé gần như túc trực tại trường. Con học trong lớp, cha ngồi ngoài hành lang để trông chừng. Vì chưa quen với môi trường mới, cậu bé rất hay khóc nhè. Biết có cha ở ngoài nên cậu bé thường mong ngóng ra ngoài và thường hay khóc gọi cha.

Biết trong lớp có học sinh khuyết tật, nhiều giáo viên của lớp khác cũng quan tâm đến bé. Mỗi khi đi ngang qua lớp, thường dừng lại để hỏi thăm. Nhưng mọi người càng quá quan tâm bé, bé càng hay khóc nhè. Điều này khiến giáo viên chủ nhiệm lớp gặp không ít khó khăn, áp lực.

2. Buổi sáng, một bé học sinh lớp 1 do mải chạy nhảy, chơi đùa nên bị té. Bé bị trầy ở mặt nhưng không chảy máu. Cô bé khóc vì đau nhưng sau đó vẫn học bình thường. Buổi chiều, phụ huynh của bé nhắn tin cho cô giáo trên nhóm Zalo của lớp, trách cô tại sao không báo cho gia đình đón con về mà để cho bé khóc. Dù cô đã giải thích rõ, vị phụ huynh này vẫn yêu cầu cô rằng nếu lần sau bé bị té và khóc thì cô phải báo ngay cho gia đình để đón con về...

3. Khi chia sẻ về việc dạy học sinh khuyết tật học hòa nhập, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa từng nói rằng, không khó để học sinh khuyết tật có thể hòa nhập cùng các bạn. Muốn các bạn học cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ bạn học bị khuyết tật cũng rất đơn giản.

Cô kể, trong trường của cô từng có một học sinh khuyết tật phải đi vệ sinh qua một ống thông tiểu đeo bên mình. Ban đầu, các bạn chung lớp có phần xa lánh vì cho rằng như vậy là dơ bẩn. Cô đến tận lớp giải thích cho học trò hiểu rằng bạn của mình bị bệnh và rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Kể từ đó về sau, các bạn nam trong lớp thường xuyên đứng che cho cậu bạn học sinh khuyết tật đó đi vệ sinh, thậm chí, các em còn giúp đỡ bạn đem bịch nước tiểu đi đổ ở nhà vệ sinh. Cậu học trò khuyết tật này cũng chơi đùa với bạn bè rất vô tư, không mặc cảm, nhút nhát nữa. Nếu được người lớn giáo dục đúng cách và thường xuyên nhắc nhở, trẻ hoàn toàn có năng lực để thể hiện tình yêu thương và biết giúp đỡ lẫn nhau.

Rời khỏi vòng tay cha mẹ để đến trường nghĩa là trẻ phải hòa nhập vào một môi trường mới. Ở đó, trẻ có nhiều quy tắc phải tuân theo, nhiều việc phải tự làm. Chính môi trường này sẽ hỗ trợ để bé có khả năng tự lập, tự giải quyết vấn đề mà không có sự trợ giúp của cha mẹ. Nhiều phụ huynh vì quá yêu thương con nên luôn muốn bảo bọc, che chở cho con. Có khi chính điều này đã làm mất đi cơ hội để con được tự lập. Đôi khi, chính sự buông tay đúng lúc của cha mẹ lại là cơ hội để con được lớn khôn...         

Tường Vi

Tin xem nhiều