Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu thị trường lao động để chọn đúng nghề

09:12, 16/12/2020

Nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai có thể tóm gọn trong cụm từ "lao động tri thức". Người lao động không chỉ cần đào tạo qua trường lớp mà còn phải tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết.

Nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai có thể tóm gọn trong cụm từ “lao động tri thức”. Người lao động không chỉ cần đào tạo qua trường lớp mà còn phải tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết.

ThS Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM
ThS Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM

Đó là những chia sẻ của chuyên gia dự báo nhân lực, ThS Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM với Báo Đồng Nai.

* Thời kỳ của “lao động tri thức”

* Năm 2020 sẽ là một năm khó quên khi dịch bệnh Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Với riêng thị trường lao động thì ảnh hưởng đó như thế nào, thưa ông?

- Dù là một trong số ít các nước kiểm soát dịch Covid-19 thành công nhưng Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tất cả các ngành nghề đều không có ngoại lệ: y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ du lịch, giải trí, doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, nông nghiệp xuất khẩu, chế biến hàng tiêu dùng …

Tuy vậy, trong bối cảnh có rất nhiều thách thức này vẫn đặt ra không ít cơ hội để nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và mỗi người lao động nói riêng tích cực nắm bắt cơ hội và phấn đấu. Hiện nay và khi đại dịch đã được kiểm soát tốt, nền kinh tế vượt qua được giai đoạn suy thoái, doanh nghiệp sẽ cần một lực lượng lao động được đào tạo bài bản với chi phí cạnh tranh, có thể thực hiện hiệu quả các đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao và trung bình.

Một số cuộc khảo sát, nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho chung kết quả: hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát đều không hài lòng với chất lượng giáo dục và kỹ năng của nhân viên, nhất là kỹ sư và kỹ thuật viên. Không chỉ thiếu về kiến thức chuyên môn, lao động Việt Nam còn yếu về kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng lãnh đạo và kỹ năng giao tiếp. Nhân lực Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm như: ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp và trách nhiệm...

Các hiệp định thương mại tự do, cộng đồng kinh tế ASEAN khiến cho thị trường lao động trở nên sôi động hơn. Lao động được tự do di chuyển, tạo nhiều cơ hội việc làm, nhất là với lao động có kỹ năng, ngoại ngữ. Trước hết, có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển trong khối gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành Du lịch.

Bên cạnh đó, trong quá trình hội nhập, thị trường lao động phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực. Cơ cấu nguồn nhân lực đã và đang chuyển dịch phù hợp với quá trình hội nhập.

Sự đa dạng ngành nghề và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và nhỏ là môi trường thu hút lao động là sinh viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề.

* Theo ông, đâu là nguồn nhân lực mà thị trường lao động của nước ta đang thiếu hụt nhiều?

- Trước tiên, chúng ta cần nhìn thấy rằng, dòng dịch chuyển lao động có trình độ cao của các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao đối với thị trường lao động trong nước.

Bên cạnh đó, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tiến trình cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tác động của khoa học công nghệ ngày càng mạnh mẽ, sức lao động của con người sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi các quá trình tự động hóa và robot. Trong khi đó, chúng ta lại đang có sự thiếu hụt lớn về nhân lực ngành công nghệ kỹ thuật, nhóm ngành chủ lực. 

Nhu cầu về nhân lực trong nền công nghiệp tương lai đã thay đổi. Máy móc trong nhà máy đang cần người làm việc có những kỹ năng mới để vận hành. Đó là “lao động tri thức”, bao gồm cả lực lượng công nhân có thể vận hành máy móc tự động hóa, giải quyết các sự cố mà robot không thể làm thay.

Vì vậy, trong bối cảnh nhiều công việc bị thay thế bởi robot, con người cần thay đổi kỹ năng và tư duy làm việc để có thể sống và làm việc với robot.

* 5 tiêu chuẩn cơ bản cần có ở người lao động

* Xin ông cho biết một vài số liệu liên quan đến dự báo nguồn nhân lực trong những năm tới?

- Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực trình độ có xu hướng tăng qua các năm. Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề tăng từ 25,70% lên 32,02%; trình độ cao đẳng tăng từ 14,05% lên 15,66%; trình độ đại học trở lên tăng từ 14,87% lên 19,49%.

Nhóm ngành dịch vụ - phục vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020. Trong ảnh: Học viên nghề dịch vụ nhà hàng - khách sạn, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến
Nhóm ngành dịch vụ - phục vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020. Trong ảnh: Học viên nghề dịch vụ nhà hàng - khách sạn, Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: H.Yến

Những ngành nghề thuộc nhóm ngành kinh doanh - dịch vụ luôn có xu hướng tuyển dụng cao trong những năm vừa qua. Trong đó, nhóm ngành nhân viên kinh doanh - bán hàng là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất (chiếm 19,74% tổng nhu cầu tuyển dụng năm 2020); nhóm ngành dịch vụ - phục vụ là nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhất (ước tính nhu cầu tuyển dụng năm 2020 chiếm 15,9%). Kế đến là các nhóm ngành công nghệ thông tin, cơ khí - điện - điện tử, tài chính, du lịch - nhà hàng - khách sạn, kinh tế, kinh doanh…

Tổng số nhu cầu nhân lực cần tuyển dụng của vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2030 là 740 ngàn chỗ làm việc/năm. Trong đó, nhóm các ngành hiện đang phát triển là: công nghiệp cơ khí, dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu...

* Tại Đồng Nai, những năm gần đây, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học trung cấp nghề không ngừng tăng. Tuy nhiên, có khoảng 30% trong số này bỏ cuộc giữa chừng. Theo ông, đâu là thách thức mà các em cần biết để chuẩn bị tâm thế tốt nhất khi chọn lựa hướng đi này?

- Thay vì việc chỉ quan tâm tới bằng cấp như trước đây, các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động. Học trung cấp là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.

5 xu hướng việc làm trong giai đoạn tới:

1. Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế.

2. Khu vực kinh tế phi chính thức (lao động tự do các nhóm ngành dịch vụ,
phục vụ và tiểu thủ công nghiệp).

3. Xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài.

4. Di chuyển lao động theo nhu cầu thị trường lao động các tỉnh, thành, khu vực kinh tế, quốc gia và hội nhập.

5. Khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Tất nhiên, bước vào học nghề, những học viên, nhất là các em vừa hoàn thành THCS sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như: học vấn thấp phải nỗ lực cao; sức khỏe hạn chế nên gặp khó khăn khi học các nghề đòi hỏi tiếp cận kỹ thuật công nghệ, chuyên môn cao... Một thách thức đáng kể khác là cần trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp để học xong có đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ để tự tin bước vào thị trường lao động.

Mặt khác, thị trường lao động luôn cần nguồn nhân lực rất đa dạng có nghề thuộc các cấp bậc: đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Do đó, mỗi học sinh, thanh niên cần căn cứ vào năng lực, sở trường và điều kiện của bản thân để chọn trường học phù hợp. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy các bạn trẻ mới đứng vững được trong thị trường lao động.

Các bạn trẻ phải hiểu rằng, động lực và kế hoạch nghề nghiệp của mỗi người phải xuất phát từ trong chính bản thân các bạn. Người khác có thể khuyến khích, động viên nhưng chính bạn là người phải hành động để đạt được những điều mình mong muốn.

Có 5 tiêu chuẩn cơ bản mà nguồn nhân lực qua đào tạo cần phải đạt được để nhanh chóng có việc làm sau khi tốt nghiệp. Đó là: năng lực thực hành nghề chuyên môn; kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; tính kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt một ngoại ngữ; hiểu biết cụ thể về thị trường lao động, nhu cầu việc làm, điều kiện làm việc - tuyển dụng và pháp luật lao động.

* Xin cảm ơn ông!

Hải Yến (thực hiện)

Tin xem nhiều