Báo Đồng Nai điện tử
En

Trân trọng những hy sinh thầm lặng của điều dưỡng

07:05, 12/05/2022

Là những người "đi trước, về sau", điều dưỡng đã và đang đóng góp rất quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Là những người “đi trước, về sau”, điều dưỡng đã và đang đóng góp rất quan trọng cho công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân nặng. Ảnh: H.Dung
Điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc bệnh nhân nặng. Ảnh: H.Dung

Mặc dù chịu nhiều áp lực trong công việc nhưng thu nhập hiện tại của điều dưỡng chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Bởi vậy, nâng cao thu nhập cho điều dưỡng là vấn đề cần được quan tâm, tránh tình trạng điều dưỡng nghỉ việc hàng loạt, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Hàng tá việc không tên

BS CKII Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhận xét điều dưỡng có vai trò rất quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Bởi lẽ, bác sĩ khám bệnh cần phải có điều dưỡng phụ trợ. Khi bác sĩ khám cho bệnh nhân xong, chẩn đoán, ra y lệnh thì điều dưỡng chính là người thực hiện y lệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân như: phát thuốc, truyền dịch, thực hiện các thủ thuật… Sau đó, điều dưỡng lại là người trực tiếp theo dõi bệnh nhân xuyên suốt quá trình điều trị tại bệnh viện, chăm sóc cho bệnh nhân.

Với những bệnh nhân bị bệnh nặng, điều dưỡng phải làm hết mọi việc, từ cho bệnh nhân ăn, uống đến thay tã, đổ bô, gội đầu, vệ sinh cho bệnh nhân. Không chỉ làm công việc chuyên môn, điều dưỡng còn phải ghi bệnh án, làm những việc không tên khác.

“Một cơ sở y tế muốn phát triển tốt cần có đội ngũ bác sĩ giỏi. Tuy nhiên, chỉ riêng bác sĩ thôi thì chưa đủ, phải có cả điều dưỡng thì công tác khám, chữa bệnh mới diễn ra suôn sẻ” - BS Cao Minh nói.

Ngày 12-5 hằng năm là Ngày quốc tế Điều dưỡng nhằm ghi nhận những đóng góp của ngành điều dưỡng cho xã hội. Đây là ngày sinh của bà Florence Nightingale, nhà cải cách xã hội, nhà thống kê học người Anh và là nhà sáng lập của ngành điều dưỡng hiện đại.

Làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã được 7 năm, điều dưỡng Nguyễn Thị Nga, Khoa Gây mê hồi sức, chia sẻ khoa được sử dụng để mổ các ca bệnh của các khoa khác chuyển đến với các bệnh từ đơn giản đến phức tạp. Có những ngày bệnh nhân đông, khoa phải thực hiện tới hơn 100 ca mổ.

Chị Nga tâm sự, có những đêm trực, hầu như các bác sĩ, điều dưỡng phải làm việc suốt đêm, nhất là những đêm có báo động đỏ. Bệnh nhân được đẩy lên trong tình trạng sốc mất máu đa chấn thương hay những ca tai nạn giao thông gãy vỡ khung chậu, vỡ gan, vỡ lách, vỡ phình động mạch chủ bụng. Nếu không được mổ ngay thì bệnh nhân sẽ chết. Do vậy, cả ê-kíp mổ phải khẩn trương chuẩn bị đầy đủ tất cả các dụng cụ phẫu thuật, dịch truyền máu… cần thiết. Nếu chậm trễ sẽ mất đi thời gian vàng cấp cứu bệnh nhân.

“Sau ca mổ, phẫu thuật viên có thể tháo găng tay hoàn tất công việc, còn điều dưỡng dụng cụ như chúng tôi sẽ tiếp tục công việc kiểm tra đồ đạc, dụng cụ, dọn dẹp phòng mổ để chuẩn bị cho ca mổ khác. Sau ca mổ, bệnh nhân được chuyển qua phòng hồi sức. Tại đây, ê-kíp bác sĩ gây mê và điều dưỡng hậu phẫu lại tiếp tục công việc hồi sinh mạng sống cho người bệnh” - chị Nga bộc bạch.

Cũng như những điều dưỡng khác, niềm vui và hạnh phúc đối với điều dưỡng Nga là chứng kiến những cuộc phẫu thuật diễn ra và kết thúc an toàn, bệnh nhân được cải thiện sức khỏe từng ngày. Hay đơn giản là một câu nói cảm ơn, một nụ cười hạnh phúc của sản phụ khi nghe tiếng khóc của đứa con bé bỏng chào đời, nét mặt bớt lo lắng của bệnh nhân khi được giảm đau đúng liều.

* Tìm giải pháp tăng thu nhập cho điều dưỡng

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho biết, do thu nhập thấp, áp lực cao và nhiều lý do khác mà thời gian qua, không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng của bệnh viện xin nghỉ việc khá nhiều. BS Đa Hà rất trăn trở làm thế nào để nâng cao thu nhập cho điều dưỡng, để họ có thể an tâm gắn bó với công việc mà họ đã lựa chọn.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Bà Nguyễn Đỗ Thị Ngân Trang, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, toàn bệnh viện hiện có khoảng 440 điều dưỡng. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh viện ghi nhận khoảng 30 điều dưỡng nghỉ việc. Nguyên nhân là do thu nhập thấp, áp lực cao.

Bà Ngân Trang dẫn chứng, một điều dưỡng mới vào làm việc tại bệnh viện sau 2 tháng thử việc có mức lương từ 4,7-4,8 triệu đồng/tháng. Nếu trực thêm giờ thì được thêm khoảng 700 ngàn đồng/tháng. Mức thu nhập này hiện không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của một cá nhân, đó là chưa kể điều dưỡng đó phải thuê nhà trọ. Còn điều dưỡng có thâm niên 10 năm công tác hiện cũng chỉ có thu nhập khoảng 9,2 triệu đồng/tháng, không tương xứng với công sức và cống hiến của điều dưỡng.

Nếu như trước đây, khi nguồn đầu vào điều dưỡng còn dồi dào, điều dưỡng cũ nghỉ việc có thể tuyển điều dưỡng mới, nhưng hiện nay, theo bà Ngân Trang, sinh viên học ngành điều dưỡng ngày càng ít khiến các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng do không có nguồn. Do vậy, giải pháp tình thế để giữ chân những điều dưỡng cũ là bệnh viện tăng thêm tiền hỗ trợ cho họ, để bù lại công việc mà họ phải choàng gánh cho những điều dưỡng đã nghỉ việc.

“Chúng tôi kiến nghị tỉnh cần sớm có chế độ hỗ trợ, đãi ngộ, thu hút điều dưỡng. Bởi trong công tác khám, chữa bệnh, điều dưỡng có vai trò quan trọng không kém bác sĩ” - bà Ngân Trang đề xuất.

Để giữ chân điều dưỡng, BS CKII Đinh Cao Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, bệnh viện có dự định thực hiện một số gói dịch vụ y tế để điều dưỡng tham gia như: mở các CLB sinh hoạt người bệnh, mở một số phòng khám theo yêu cầu, các gói chăm sóc sản khoa, chăm sóc bà mẹ, trẻ em… Từ đó, bệnh viện có thêm nguồn thu và điều dưỡng có thêm một khoản thu nhập để trang trải cuộc sống, gắn bó lâu dài với bệnh viện.  

Hạnh Dung

Tin xem nhiều