Báo Đồng Nai điện tử
En

Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất

07:08, 04/08/2022

Với tinh thần sáng tạo, đổi mới, ham học hỏi, ông Cao Xuân Lâm (51 tuổi, ngụ ấp 3, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) đã ứng dụng thành công công nghệ vào sản xuất, vươn lên làm giàu.

Với tinh thần sáng tạo, đổi mới, ham học hỏi, ông Cao Xuân Lâm (51 tuổi, ngụ ấp 3, xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc) đã ứng dụng thành công công nghệ vào sản xuất, vươn lên làm giàu.

Ông Cao Xuân Lâm (H.Xuân Lộc) xuất sắc đoạt giải nhất hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ  khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2021
Ông Cao Xuân Lâm (H.Xuân Lộc) xuất sắc đoạt giải nhất hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2021. Ảnh: H.Dung

Ông Lâm được nhiều cấp ghi nhận, tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

* Thành công với chiếc máy đa năng

Cách đây 3 năm, ông Lâm đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản sang nuôi bò vỗ béo.

Ông Lâm cho biết, ông bắt đầu nuôi bò từ năm 2011. Trước đây, mỗi năm gia đình ông chỉ nuôi từ 2-4 con bò sinh sản. Mỗi con bò chỉ đẻ 1 lần/năm, sau đó nuôi thêm bê con khoảng 6 tháng nữa mới xuất bán, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm.

Cách đây 3 năm, sau khi đi tham quan học hỏi từ nhiều nông dân trong vùng, nhận thấy việc nuôi bò vỗ béo dễ đạt kết quả và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên ông Lâm quyết tâm đầu tư chuồng trại, mua 200 con bò, loại bò cỏ gầy ốm ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đem về địa phương để nuôi vỗ béo.

Từ khi quy mô chăn nuôi được mở rộng, nhu cầu về nhân công của gia đình ông Lâm tăng cao, nhưng việc thuê người làm ở địa phương rất khó, nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Với kinh nghiệm sẵn có về cơ khí, công nghệ, ông Lâm đã mày mò tìm hiểu các loại thiết bị cơ giới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó, ông đi tìm mua các loại thiết bị về để tự chế một chiếc máy đa năng.

Tháng 4-2022, ông CAO XUÂN LÂM vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng thưởng Điển hình tiên tiến tỉnh Đồng Nai năm 2022; UBND H.Xuân Lộc tặng giấy khen cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

Từ chiếc máy cày thông thường, ông Lâm gắn thêm dàn máy xúc, lật ở đằng trước máy để xúc, trộn thức ăn cho bò, dọn dẹp phân bò, vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, lắp một máy băm lớn ở phía sau máy cày để băm các loại phụ phẩm nông nghiệp như: cây mì, đọt mía, cây bắp để làm thức ăn cho bò.

Nói về hiệu quả của chiếc máy đa năng, ông Lâm cho hay, với cách làm trước kia, gia đình ông phải tốn nhiều nhân công để vận chuyển hàng tấn cây bắp, cây mì, mía từ ngoài ruộng về nhà. Sau đó, băm thủ công các phụ phẩm này, rất ít khi dùng máy băm vì khu vực gia đình ông sinh sống điện khá yếu, máy băm không hoạt động liên tục được. Khi băm hết số phụ phẩm nông nghiệp, lại phải có thêm nhân công để vận chuyển thức ăn đã băm đến chuồng bò cho bò ăn, tốn nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả không cao.

Từ khi có chiếc máy đa năng, sau khi thu hoạch nông sản, ông Lâm di chuyển máy ra ngoài đồng, thực hiện băm các loại phế phẩm ngay tại ruộng. Máy băm hoạt động giống chiếc máy tuốt lúa, chỉ cần một người đứng ở dưới đưa cây bắp, cây mì vào máy, máy sẽ băm nát và phun ra phế phẩm đã được băm nát lên thùng đựng trên máy cày.

Sau khi băm xong phụ phẩm nông nghiệp, chỉ cần 1 người điều khiển chiếc máy chở thức ăn về nhà, đưa đến tận chuồng bò cho bò ăn, tiết kiệm được nhiều nhân công, chi phí vận chuyển, công sức, hiệu quả lại cao.

Không những thế, chiếc máy đa năng này còn giúp gia đình ông Lâm tận dụng triệt để những phế phẩm trong nông nghiệp như: cây bắp, cây mì, đọt mía. Từ đó giảm chi phí thức ăn cho bò.

Điều khiến ông Lâm hài lòng nhất là phần máy xúc phía trước có tính năng dọn dẹp vệ sinh chuồng trại rất tốt, giúp gia đình ông “khỏe” hơn rất nhiều.

* Lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm

Ông Lâm bộc bạch, trước đây khi chưa có chiếc máy đa năng này, gia đình ông cần 10 nhân công để phục vụ chăn nuôi, chăm sóc đàn bò 200 con. Từ khi có chiếc máy này, chỉ cần 4 nhân công có thể làm được hết những việc cần làm. Tính ra mỗi tháng, gia đình ông tiết kiệm được khoảng 50 triệu đồng tiền thuê nhân công. Hằng năm, gia đình ông Lâm xuất bán 2 lứa bò với tổng số khoảng 400 con. Sau khi trừ chi phí, thu lợi khoảng 1,2-1,3 tỷ đồng.

Gần đây, gia đình ông Lâm đã rút ngắn thời gian nuôi vỗ béo bò từ 6 tháng/lứa xuống còn khoảng 4 tháng/lứa, chất lượng bò vẫn đảm bảo. Qua đó, đã giảm thêm được gần 200 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi mỗi năm.

Với những hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi bò vỗ béo, năm 2021, ông Lâm đã xuất sắc đoạt giải nhất tại hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2021.

Không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Lâm còn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, thi đua Dân vận khéo và các hoạt động chăm lo an sinh xã hội do địa phương phát động. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát vừa qua, ông Lâm đã tích cực vận động, ủng hộ hàng tấn rau củ quả và các nhu yếu phẩm để hỗ trợ người dân ở vùng bị phong tỏa trên địa bàn xã Xuân Hòa, H.Xuân Lộc với giá trị khoảng 100 triệu đồng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều