Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ rối cho quy hoạch trường - trạm

07:03, 20/03/2023

Quá tải trường lớp, hệ thống y tế cơ sở xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đặt ra nhiều thách thức cho Đồng Nai. Để gỡ rối cho vấn đề này cần có sự vào cuộc, hành động quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Trong đó rà soát cụ thể những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ.

>>> Bài 1: Gấp rút giải tỏa áp lực trường, lớp

Quá tải trường lớp, hệ thống y tế cơ sở xuống cấp không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đặt ra nhiều thách thức cho Đồng Nai. Để gỡ rối cho vấn đề này cần có sự vào cuộc, hành động quyết liệt của các sở, ngành, địa phương. Trong đó rà soát cụ thể những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ.

Học sinh Trường THCS Quyết Thắng (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) trong giờ học
Học sinh Trường THCS Quyết Thắng (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) trong giờ học. Ảnh: H.YẾN

Nhiều địa phương trong tỉnh có tốc độ gia tăng dân số nhanh kéo theo áp lực về trường, lớp. Tình trạng quá tải trường, lớp ở TP.Biên Hòa và những địa phương tập trung các khu công nghiệp diễn ra nhiều năm nay. Với mức tăng trung bình mỗi năm khoảng 20 ngàn học sinh, nếu không gấp rút giải quyết mạng lưới trường, lớp thì trong vài năm tới tình trạng quá tải trường, lớp của nhiều địa phương trong tỉnh sẽ càng nghiêm trọng.

Khó khăn chồng chất

Mỗi năm, TP.Biên Hòa tăng từ 7-8 ngàn học sinh gây nên tình trạng quá tải. Sĩ số học sinh/lớp của TP.Biên Hòa hiện đang cao hơn mức quy định của Bộ GD-ĐT (bậc tiểu học có 42 học sinh/lớp trong khi quy định là 35; bậc THCS có 46 học sinh/lớp trong khi quy định là 45). Trong năm học này, có 5 trường tiểu học thuộc các phường Trảng Dài, Tân Hiệp, Long Bình phải mượn 57 phòng học của các trường trên địa bàn để bố trí lớp học nhằm ngăn phát sinh lớp học ca ba.

Ngoài hệ thống trường học bậc phổ thông, trong giai đoạn từ nay đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 các địa phương trong tỉnh cũng kêu gọi đầu tư, mở thêm trường đại học. Trong đó, H.Long Thành sẽ kêu gọi đầu tư Trường đại học Y dược TP.HCM (cơ sở Long Thành) với tổng diện tích 72ha; TP.Long Khánh có dự án quy hoạch khu đô thị đại học với quy mô khoảng 42ha.

Đến năm 2025 TP.Biên Hòa cần có gần 5,2 ngàn phòng học từ mầm non đến THCS để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Trong đó, cần xây dựng thêm hơn 2,6 ngàn phòng học gồm: 226 phòng học mầm non, gần 1,7 ngàn phòng học khối tiểu học, 81 phòng học khối THCS và hơn 640 phòng học bộ môn.

Để đáp ứng nhu cầu này, thành phố đã quy hoạch các dự án mở rộng, xây mới, thành lập mới các trường học. Theo đó, giai đoạn từ 2021-2030, TP.Biên Hòa có 82 dự án xây dựng trường lớp. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 có 51 dự án, giai đoạn 2025-2030 có 31 dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án này gặp không ít khó khăn mà vướng mắc lớn nhất chính là vấn đề đất đai.

Mới đây, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức đoàn đi khảo sát thực tế tại một số trường học, đặc biệt là tại những nơi có nguy cơ phát sinh lớp học ca ba để tìm hướng giải quyết. Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết: “Chúng tôi đã đi khảo sát 6 trường có nguy cơ phải học ca ba. Trong đó, chỉ có 3 trường nằm trên khu vực đất sạch có thể xây dựng được. Nếu không giải quyết được vấn đề đất đai thì không thể xây trường, nguy cơ phát sinh lớp học ca ba là rất cao”.

Tương tự, mỗi năm H.Nhơn Trạch tăng từ 3 đến hơn 4 ngàn học sinh. Hiện tại, mạng lưới trường, lớp của huyện này cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đây cũng là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia cao (41/43 trường, chiếm hơn 95%). Tuy nhiên, với tốc độ tăng học sinh như hiện nay, nếu không sớm xây dựng thêm trường học thì trong những năm tới H.Nhơn Trạch sẽ không có đủ trường, lớp cho học sinh. Theo UBND H.Nhơn Trạch, từ nay đến năm 2030 huyện cần xây dựng thêm 18 trường học.

Trên địa bàn H.Trảng Bom hiện có 4 khu công nghiệp, thu hút đông lực lượng lao động trẻ đến làm việc, đồng thời kéo theo áp lực về trường, lớp. Theo dự tính của huyện, trong giai đoạn 2022-2025, toàn huyện sẽ tăng khoảng 7 ngàn học sinh; đến năm 2030, số học sinh tăng thêm là hơn 14 ngàn. Do đó, lãnh đạo H.Trảng Bom cho biết cần phải xây thêm trường học ở những xã có đông học sinh và khả năng có sĩ số học sinh tăng nhanh như: Hố Nai 3, Bắc Sơn, Sông Trầu, Tây Hòa, An Viễn…

Huyện Long Thành, nơi đang xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng là địa phương sẽ có sự gia tăng dân số nhanh trong những năm tới đây. Do đó, trong giai đoạn 2023-2025, địa phương này dự kiến xây dựng mới và mở rộng 13 trường học với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 955 tỷ đồng.

Trước mắt, huyện cần sớm thành lập Trường THCS Lộc An thuộc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn để phục vụ nhu cầu học tập của con em trên địa bàn dân cư mới này. Trong giai đoạn 2025-2030, dự kiến H.Long Thành sẽ xây mới và mở rộng 34 trường học trên tổng diện tích hơn 56ha.

Chung tay “gỡ rối”

Trong 3 ngày 9, 14 và 15-2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã làm việc với UBND các huyện, thành phố: Long Khánh, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa và các sở, ngành liên quan về vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở y tế và công tác xã hội hóa trên 2 lĩnh vực này. Các buổi làm việc đã tập trung bàn sâu về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị cho từng vấn đề.

Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) trong giờ học môn Âm nhạc
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học Cao Bá Quát (H.Trảng Bom) trong giờ học môn Âm nhạc. Ảnh: HẢI YẾN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp cùng các địa phương và các sở, ngành tham mưu xử lý, giải quyết vấn đề trường lớp, áp lực tăng học sinh hằng năm.

Trong đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “TP.Biên Hòa đã đưa ra giải pháp gấp rút xây dựng, mở rộng 5 trường tiểu học và 1 trường THCS để ngăn ngừa phát sinh lớp học ca ba. Các sở, ngành cần phối hợp, hỗ trợ TP.Biên Hòa để sớm thực hiện các công trình này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc khó khăn thì phải báo cáo UBND tỉnh để giải quyết”.

Một giải pháp được đại diện Sở GD-ĐT đưa ra đối với những trường phải tăng thêm lớp học nhưng không còn đất để xây dựng mở rộng là xây thêm tầng. Theo quy định, bậc tiểu học chỉ được xây 3 tầng nên nếu xây thêm tầng 4 thì tầng này sẽ bố trí làm các phòng chức năng, phòng học bộ môn chứ không bố trí lớp học.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG:

Sở GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ với Trường đại học Đồng Nai trong công tác đào tạo sinh viên các ngành sư phạm, đảm bảo khi các em ra trường có đủ kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu công việc, phục vụ cho tỉnh Đồng Nai.

Đối với các bộ môn thiếu giáo viên thì cần có chính sách đào tạo, thu hút, tuyển dụng. Các trường có thể tuyển dụng nhiều lần trong năm học để tạo điều kiện cho giáo viên nộp hồ sơ chứ không nhất thiết chỉ tuyển 1 lần/năm học.

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển dụng giáo viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng lưu ý, việc tuyển dụng giáo viên đã được đưa về cho các trường thực hiện. Do đó, các địa phương cần chú ý thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn ngừa phát sinh tiêu cực.

Hiện nay, nhiều trường học thiếu cán bộ quản lý (chẳng hạn, H.Long Thành thiếu đến 50% hiệu trưởng, hiệu phó) gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và ảnh hưởng đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đối với vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất Thường trực Tỉnh ủy, Trung ương giải quyết.

Trước đó, trong buổi làm việc với Ban giám đốc Sở VH-TTDL, Sở Y tế, Sở GD-ĐT về thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của các ngành trong năm 2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát số lượng và cơ cấu giáo viên ở tất cả các cấp học, môn học theo quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Trong quá trình thực hiện, cần dựa trên nguyên tắc công khai, công bằng; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên; phát huy năng lực, sở trường của giáo viên và tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên yên tâm công tác.

Hải Yến

Bài 2: Quy hoạch lại mạng lưới y tế cơ sở

Tin xem nhiều