Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện về những người “đếm gió, đo mưa”

03:02, 05/02/2013

Phải thật yêu nghề thì những người làm khí tượng - thủy văn mới trụ nổi lâu dài. Bởi đa số phải ở vùng sâu, vùng xa, lại luôn đối mặt với vất vả, nguy hiểm nhưng mức lương họ nhận được rất ít ỏi.

Phải thật yêu nghề thì những người làm khí tượng - thủy văn mới trụ nổi lâu dài. Bởi đa số phải ở vùng sâu, vùng xa, lại luôn đối mặt với vất vả, nguy hiểm nhưng mức lương họ nhận được rất ít ỏi.

Để có được những thông tin thời tiết truyền về Trung tâm Khí tượng - thủy văn Đồng Nai kịp thời, nhân viên tại các trạm khí tượng, thủy văn trong tỉnh phải thường xuyên có mặt ngoài trời bất kể, mưa, nắng, bão, lũ để đo đạc, tính toán. Không ít lần, tính mạng của họ rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.

* Nguy hiểm luôn cận kề

Trong cái nắng gay gắt của một ngày cuối năm 2012, chúng tôi tìm đến Trạm Khí tượng La Ngà ở xã La Ngà (huyện Định Quán). Tuy trời nắng, nhưng đường sá đi lại vẫn rất khó khăn. Tiếp chúng tôi là một phụ nữ ở tuổi ngoài 40 trông khá lam lũ, tên chị là Trần Thị Luyến. Theo lời chị kể, năm 1994, chị được điều về Trạm Khí tượng La Ngà. Nghề này, người ngoài nhìn vào cứ tưởng nhàn nhã, nhưng thực tế lại rất vất vả. Ngày nào thời tiết tốt, chị phải mất 4-6 lần trân mình ngoài trời giữa cái nắng để đo nhiệt độ không khí, độ ẩm, hướng gió, bốc hơi… Vào ngày thời tiết xấu có mưa, dông bão hoặc áp thấp thì chị cực hơn nhiều, vì phải đo các thông số về thời tiết liên tục 24/24 giờ. Hàng ngày, bất kể trời mưa to, gió lớn, sấm chớp, chị vẫn phải có mặt ngoài trời nơi đặt máy móc để đếm gió, đo mưa và xử lý các số liệu gửi về Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai theo đúng quy định.

Anh Võ Thanh Lưu ở Trạm Thủy văn Phú Hiệp (huyện Định Quán) đo tốc độ dòng chảy trên sông La Ngà.
Anh Võ Thanh Lưu ở Trạm Thủy văn Phú Hiệp (huyện Định Quán) đo tốc độ dòng chảy trên sông La Ngà.

Chị Luyến nói: “Nghề này vào những ngày mưa dông lớn càng cực. Có những lần tôi đang đo đếm lượng mưa và hướng gió thì sét đánh xoẹt qua cây cột đo gió làm tivi, điện thoại trong nhà cháy hết, rất may tôi thoát nạn”.

Chuyện những ngày mưa dông, sấm sét rầm rầm vẫn phải đội mưa đứng ngoài trạm, ra sông bất kể ngày, đêm để đo đạc các thông số về mưa, gió, lũ... với những người làm nghề khí tượng thủy văn không có gì xa lạ. Nguy hiểm là vậy, nhưng mức lương họ nhận được mỗi tháng rất khiêm tốn. Ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Đồng Nai, cho biết: “Phải những người thật sự yêu nghề mới gắn bó lâu dài. Bởi nghề này nhiều khi phải đối mặt với những khắc nghiệt của thời tiết, rất nguy hiểm, song đồng lương quá thấp”.

Cứ như chị Luyến, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề khí tượng - thủy văn, lương chị chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng. Để nuôi được hai đứa con đang học phổ thông, chị phải nhận thêm quần áo, hạt điều về nhà tranh thủ thời gian rảnh làm thêm mới đủ sống.

* Vào rừng sống

Trong tất cả các trạm thủy văn ở Đồng Nai, Trạm Thủy văn Phú Hiệp ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) là nơi xa xôi nhất. Đi đến cuối xã Gia Canh, chúng tôi còn phải băng qua gần 10km đường rẫy, rừng mới tới trạm. Vì ở ngay trong rừng nên mới 5 giờ 30 chiều trời đã nhá nhem tối. Trên rừng già âm u, dưới là sông, tiếng chim lạc bạn gọi nhau lảnh lót giữa râm ran tiếng côn trùng khiến người nghe buồn não ruột. Mới chập choạng tối, muỗi rừng đã bay ra từng đàn, chẳng thể ngồi yên được 2-3 phút. Trong thâm sơn, cùng cốc này có 5 người đàn ông sống và làm việc. Người lâu nhất trên 20 năm, người ít nhất cũng vài năm. 

Người để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng nhất là anh Võ Thanh Lưu, một nhân viên ở trạm. Anh Lưu đến với nghề thủy văn từ năm 1989, nhưng vì kinh tế khó khăn, đồng lương quá ít ỏi không lo nổi cho gia đình, sau 6 năm anh phải bỏ ra ngoài làm. Vốn tính cần cù lại khéo tay, gần 10 năm làm ngoài, anh đã xây dựng được cơ ngơi và tiệm điện khá lớn, lợi nhuận hàng tháng đủ cho vợ chồng, con cái anh có cuộc sống đầy đủ. Thế nhưng, trong lòng anh luôn khắc khoải nỗi nhớ nghề. Thấy chồng nhiều khi ngồi thần ra cả giờ liền, chị thương chồng động viên anh quay lại nghề. Vậy là năm 2005, anh khăn gói vào Trạm Thủy văn Phú Hiệp tiếp tục nghề thủy văn.

Chị Trần Thị Luyến ở Trạm Khí tượng La Ngà (huyện Định Quán) đo nhiệt độ không khí.
Chị Trần Thị Luyến ở Trạm Khí tượng La Ngà (huyện Định Quán) đo nhiệt độ không khí.

Anh Lưu tâm sự: “Được làm đúng nghề mình thích, dù điều kiện không tốt và thu nhập thấp vẫn thấy vui”. Đúng là phải thật gắn bó với nghề, anh Lưu và 4 người đồng nghiệp mới sống được ở đây. Theo lời anh Lưu, 3 năm nay điều kiện của trạm đã tốt hơn nhiều vì đã có tivi để xem, có điện năng lượng để thắp sáng, không còn cảnh tối tối đốt đèn dầu leo lét. Nhưng tivi phải dùng thật hạn chế nếu không sẽ không đủ nguồn điện thắp sáng buổi tối.

So với những người làm trạm khí tượng thì làm thủy văn còn cực hơn nhiều. Vì vào mùa mưa lũ mỗi ngày phải quan trắc từ 12-24 lần. Nhiều đêm, mưa to, lũ về, anh Lưu vẫn cùng anh em trong trạm lội sông để đo mực nước và đi xuồng ra giữa sông La Ngà để đo dòng chảy. “Có lần mưa lớn, trời tối, xuồng vừa ra đến giữa sông gặp cây gỗ từ thượng nguồn lao xuống. May mà tôi cùng anh em trên xuồng kịp thời đưa xuồng né qua một bên mới thoát được”- anh Lưu kể.

Anh Thái Doãn Dần, Trưởng trạm Thủy văn Phú Hiệp, cho hay: “Khi có mưa lũ mọi người tìm nơi an toàn để tránh, còn nghề này phải đội gió, mưa ra sông đo đạc mực nước, dòng chảy, lượng mưa… Anh em trong trạm người nào cũng nhiều lần trải qua nguy hiểm suýt mất mạng, do mưa lớn, lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh và  xiết”.

Chia tay với anh Lưu và những anh em trong trạm khi trời đã tối từ lâu. Đi giữa không gian lành lạnh, huyền bí của núi rừng bạt ngàn khiến chúng tôi không tránh khỏi cảm giác e ngại và thầm thán phục những người vì yêu nghề đã chấp nhận khăn gói vào đây gắn bó nhiều năm.

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều