Báo Đồng Nai điện tử
En

Cô gái xứ bưởi đam mê khoa học

03:02, 05/02/2013

Sinh trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cô gái xứ bưởi thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) lại đam mê khoa học từ nhỏ. Để biến ước mơ thành hiện thực, cô đã phải hy sinh rất nhiều, kể cả chuyện tình yêu.

Sinh trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cô gái xứ bưởi thuộc xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) lại đam mê khoa học từ nhỏ. Để biến ước mơ thành hiện thực, cô đã phải hy sinh rất nhiều, kể cả chuyện tình yêu.

Trần Thị Phương Chi, cái tên mang ẩn ý của một loài cỏ thơm. Tên và người với cô rất giống nhau, lặng lẽ góp sức cho đời mà không đòi hỏi gì cho riêng mình. Cô đã bỏ qua nhiều cơ hội thăng tiến, cần mẫn học hỏi nghiên cứu để mong có thể đưa những sáng kiến của mình giúp bà con nông dân biết làm ăn.

Giấc mơ - đời người

Học xong trung học phổ thông, cả gia đình đều muốn Phương Chi nối nghiệp cha tiếp tục làm nghề giáo. Nhưng từ nhỏ, sống gần những gia đình làm nông chân chất, thật thà cô đã có ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp để giúp bà con trong ấp được mùa bội thu. Là một nhà giáo hiểu nhân tình thế thái, khi nghe con bày tỏ tâm nguyện, người cha đã tạo điều kiện và khuyến khích Phương Chi thực hiện mơ ước của mình.

Được tiếp thêm sức mạnh từ cha, cô đã thi vào khoa nông học của Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh. Năm 1997, tốt nghiệp đại học, cô về làm tại Nhà máy mía đường Trị An. Sau gần một năm làm tại nhà máy này, nhận thấy không thể phát huy được những kiến thức mình đã học, Phương Chi nghỉ việc và xin về làm tại Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Nai.

Cũng từ đây, ước mơ của cô dần dần trở thành hiện thực. Đề tài nghiên cứu nấm Trichoderma (nấm này ủ với phân chuồng bón giúp cây trồng hạn chế được nhiều loại nấm gây hại) đưa ra ứng dụng vào thực tế đem lại kết quả cao có sự góp sức rất lớn của Phương Chi. Hiện nay, nấm Trichoderma được nông dân Đồng Nai sử dụng rộng rãi cho các loại cây trồng. Đến năm 2004, Phương Chi vinh dự đoạt giải 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ 9 do tỉnh tổ chức về phòng trị bệnh xì mủ, thối gốc cho cây bưởi. Con đường làm khoa học vẫn luôn mở ra vẫy gọi cô tiếp tục nghiên cứu và đóng góp. Để chuyên tâm học tập, làm khoa học, cô đã từ chối nhiều cơ hội được đề bạt vào các chức vụ ở Chi cục và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn.

Tấm bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc

Phương Chi là du học sinh Việt Nam đầu tiên theo học thạc sĩ tại Trường đại học Gyeongsang, tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc) bằng tiếng Hàn. Theo lời Phương Chi kể, lúc đầu cô qua Hàn Quốc học lớp bồi dưỡng kỹ thuật nông nghiệp 6 tháng theo chương trình hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Gyeongnam. Thấy cô mê nghiên cứu theo hướng an toàn sinh học, tiến sĩ Kwon Jin Hyeuk thuộc Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam-Hàn Quốc đã khuyến khích cô ở lại thi và theo học tiếp lấy bằng thạc sĩ.

Với vốn tiếng Hàn ít ỏi, theo chương trình thạc sĩ quả là điều không dễ với Phương Chi. Cô cho biết: “Những ngày đầu mới tham gia chương trình học nhiều lúc tôi nản chí, định từ bỏ. Vì ngay người bản xứ còn thấy khó, huống hồ tôi vừa phải học tiếng Hàn vừa theo cho kịp chương trình. Mỗi lần định bỏ cuộc, tôi lại nhớ đến hình ảnh ngày cha tiễn tôi ra tận sân bay và như biết trước con đường học của tôi sẽ không bằng phẳng nên dặn dò: “Đừng bao giờ bỏ cuộc con nhé! Câu nói ấy cộng với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người bạn Hàn và các giáo sư trong trường đã giúp tôi vượt qua để giành được tấm bằng thạc sĩ”.

Từ chối nhiều cơ hội

Trong quá trình học tại Hàn Quốc, ngoài giờ học Phương Chi dành cả thời gian để nghiên cứu cách phòng trừ các loại sâu bệnh trên cây trồng, ít gây hại cho môi trường. Lòng đam mê khoa học và những nghiên cứu của cô đã được một số tờ báo của tỉnh Gyeongnam, như: Gyeongnam Newspaper, Gyeongnam Inhabitant  Newspaper, Gyeongnam Daily News viết bài khen ngợi.

Sau khi có được tấm bằng thạc sĩ, cô được một số nơi tại Hàn Quốc mời ở lại làm việc với mức lương khá hấp dẫn. Song Phương Chi đã từ chối để về nước mong có thể góp sức giúp ngành nông nghiệp trong tỉnh. Về nước, cô cũng nhận được lời mời từ công ty nước ngoài với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng và nhiều ưu đãi khác, song Phương Chi đều lắc đầu. “Nếu nhận lời làm cho công ty nước ngoài, tôi sẽ có cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhưng sẽ phải từ bỏ ước mơ đeo đuổi của đời mình” - Phương Chi nói.

Phương Chi cùng TS. Kwon Jin Hyeuk thuộc Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam - Hàn Quốc trong phòng thí nghiệm.
Phương Chi cùng TS. Kwon Jin Hyeuk thuộc Viện Kỹ thuật nông nghiệp Gyeongnam - Hàn Quốc trong phòng thí nghiệm.

Về nước, chị bắt tay vào giúp bà con nông dân xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) sản xuất lúa sạch. Lúc đầu chương trình chưa được tỉnh phê duyệt, chị tự ứng đồng lương công chức ít ỏi giúp bà con mua nguyên liệu. Đến vụ thu hoạch lúa, chị liên hệ với bạn bè nhờ giới thiệu, quảng bá lúa sạch bán giúp bà con với giá cao hơn thị trường 10%. Sản xuất lúa sạch, chi phí đầu vào thấp, năng suất cao, bán giá cao hơn giá thị trường, nhiều nông dân trong xã xin được tham gia làm lúa sạch. 

Gặp chị vào một ngày cuối năm 2012, chị không giấu nổi niềm vui khoe: “Chị đã bán hết hơn 100 tấn lúa sạch cho bà con nông dân rồi. Vẫn còn nhiều người hỏi mua nhưng không còn, đành hẹn đến vụ sau”. Ngoài niềm vui bán được lúa sạch giúp bà con, chị còn thêm niềm vui về quy trình sản xuất lúa sạch của chị đã được tỉnh phê duyệt và hỗ trợ 500 triệu đồng để thực hiện và nhân rộng.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều