Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhất nghệ tinh

03:02, 05/02/2013

Từ xưa, tinh hoa của nghề thủ công truyền thống luôn làm giàu bản sắc người Việt Nam. Nay, nhiều người thợ vẫn đang góp phần làm giàu cho nghề truyền thống và mang lại những giá trị mới. Dù ứng dụng kỹ thuật hiện đại hay giữ nguyên phong cách xưa, những người thợ trở thành “thầy” đều có điểm chung ở lòng tâm huyết và sức sáng tạo bền bỉ.

Từ xưa, tinh hoa của nghề thủ công truyền thống luôn làm giàu bản sắc người Việt Nam. Nay, nhiều người thợ vẫn đang góp phần làm giàu cho nghề truyền thống và mang lại những giá trị mới. Dù ứng dụng kỹ thuật hiện đại hay giữ nguyên phong cách xưa, những người thợ trở thành “thầy” đều có điểm chung ở lòng tâm huyết và sức sáng tạo bền bỉ.

Người mê đá

Cơ sở Minh Trí (huyện Trảng Bom) chuyên sản xuất các loại đá phong thủy, tượng thờ... hơn 10 năm nay, được khách hàng nhiều tỉnh, thành biết tiếng. Ông Hồ Văn Trí, chủ cơ sở vốn là một thợ đá có hơn 20 năm tuổi nghề.

Ông Hồ Văn Trí giới thiệu pho tượng Phật thiền cao gần 4m bằng đá sapphire đen.
Ông Hồ Văn Trí giới thiệu pho tượng Phật thiền cao gần 4m bằng đá sapphire đen.

Với ông Trí, mỗi loại đá đều ẩn chứa những năng lực diệu kỳ. Từ đôi tay người thợ, đá trở thành linh vật: Thiềm Thừ, Tỳ Hưu, Kỳ Lân, Bát mã,... là những biểu tượng mang lại tài lộc, niềm vui, may mắn và sự bình tâm cho con người. Đá tạc thành tượng thờ dân gian gắn với tâm linh bao đời người Việt: Đức Phật, Di Lặc, La Hán, tượng Thánh… Người thợ chế tác đá cần một tâm hồn bay bổng khi sáng tạo nhưng vẫn phải tuân những quy tắc nghiêm ngặt về kỹ thuật tạo hình. Sắc đá, sự phong phú về dáng đá do thiên nhiên tạo tác thường khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho người thợ. Sản phẩm càng đòi hỏi gắt gao về tính mỹ thuật càng gợi lên cảm hứng sáng tạo. Một bức tượng khỏa thân nghệ thuật, người thợ phải tạc được lên đá từng đường cơ, nét vân da mỏng manh như trên cơ thể sống. 

Đam mê nghề dường như đã thấm vào trong máu, khi bắt tay vào làm, sắc màu, chất liệu của từng khối đá  “quyến rũ” tôi ghê lắm. Tôi quên mọi toan tính đời thường, chỉ dồn tâm huyết hoàn thiện tác phẩm. Có những khi trong vài tháng trời tôi không về nhà, mỗi ngày làm suốt 16-17 tiếng, quên ăn, quên ngủ vì công việc cuốn hút. Mê đá như vậy nên 35 tuổi tôi mới nghĩ đến việc lập gia đình” - Ông Trí kể.

Ông chủ cơ sở này có hơn 10 năm phiêu bạt đời thợ, từ Bắc vào Nam, đổi qua rất nhiều xưởng đá để học nghề. Ngay cả khi là thợ cả lương cao, ông vẫn bỏ thêm 3 năm ròng rã học việc ở người thầy có gốc từ Trường mỹ thuật Gia Định để trang bị cho bản thân những kiến thức bài bản.

Về Đồng Nai lập nghiệp bằng đôi tay thợ, thời gian đầu mở xưởng, ông chỉ có một người phụ việc là… vợ của mình. Đến nay, ông đã đào tạo được vài chục thợ, chuyên làm hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh đá phong thủy ở Sài Gòn, Hà Nội… Nhiều đình, chùa khắp các tỉnh, thành trong nước cũng đặt ông làm tượng. Không ít đơn hàng, riêng chi phí nguyên liệu để tạc một pho tượng đã trị giá vài tỷ đồng.

Ông Trí chia sẻ, "tuy nghề chế tác đá có những giai đoạn thăng trầm, nhưng bao năm qua thợ ở xưởng Minh Trí chưa có một giờ rảnh việc. Nhiều loại đá, chỉ 1kg có giá mấy trăm ngàn đồng nhưng bạn hàng hoàn toàn tin tưởng giao cho tôi cả vài trăm tấn. Nhìn vào tác phẩm biết được người tạo tác, lòng tin, sự trân trọng của bạn hàng không chỉ bởi tay nghề mà còn ở bản thân con người”.

Thu đô la từ vỏ sò

Năm 1999, Công ty nút vỏ sò Hoàn Mỹ (huyện Vĩnh Cửu) thành lập chỉ với 30 lao động và những máy móc thô sơ. Từ vài container hàng xuất sang Hàn Quốc, đến nay doanh nghiệp (DN) đã mở rộng ra nhiều nước: Italia, Hồng Kông, Đức, Trung Quốc, Mỹ... Hiện DN có 2 chi nhánh sản xuất hoạt động với tổng số lao động khoảng 200 người; đầu tư được hệ thống nhà xưởng bài bản với máy móc hiện đại nhập từ Italia. Năm 2013, DN dự kiến mở thêm chi nhánh 3 chuyên sản xuất miếng sơn mài tận dụng từ nguyên liệu rác thải trong làm nút áo. Hiện nhu cầu thị trường về dòng sản phẩm mới này rất lớn vì tính ứng dụng cao: lát tường, nền nhà, ốp xe hơi, mô tô và trang trí cho nhiều sản phẩm khác. 

Công ty nút vỏ sò Hoàn Mỹ hiện đang tạo việc làm cho 200 lao động.
Công ty nút vỏ sò Hoàn Mỹ hiện đang tạo việc làm cho 200 lao động.

 Chủ DN là bà Quách Ngọc Liên, lập nghiệp từ một thợ may quần áo. Bà hợp tác mở DN với một người bạn có cả chục năm kinh nghiệm phụ trách về kỹ thuật ở một công ty nước ngoài chuyên làm nút áo bằng vỏ ốc. Vì vốn đầu tư ít, 2 năm đầu, DN chỉ sản xuất một dòng nút đơn giản, rẻ tiền xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Dần dần, DN nhận được một số đơn hàng từ Italia. Tuy đơn hàng nhỏ nhưng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng và sự đa dạng mẫu mã. Khi đáp ứng tốt về mặt kỹ thuật với những khách hàng khó tính, bà chuyển hướng đầu tư làm dòng hàng cao cấp nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Bà Liên chia sẻ, DN không chỉ giữ chân khách bằng chất lượng sản phẩm mà nhờ biết tạo được mối dây tình cảm gắn bó. Thời trước, ngành sản xuất này đều do người nước ngoài đầu tư vì vốn rất nặng. Một cái máy làm nút áo theo công nghệ hiện đại có khi trị giá vài trăm USD vậy mà nhiều bạn hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn cho Hoàn Mỹ nhập máy móc. Nhờ vậy, chỉ 5 năm sau, DN đã đầu tư được hệ thống cả trăm máy móc hiện đại, đáp ứng tốt những đơn hàng xuất khẩu lớn.

 Dù đã lên chức bà nội, bà Quách Ngọc Liên vẫn giữ được phong cách trẻ trung, nhiệt huyết trong công việc.
Dù đã lên chức bà nội, bà Quách Ngọc Liên vẫn giữ được phong cách trẻ trung, nhiệt huyết trong công việc.

Hàng được vận chuyển bằng máy bay vì ngành thời trang luôn đòi hỏi nhanh về thời gian. DN phải đảm bảo về tốc độ làm hàng và giao đúng thời hạn. Vừa qua, một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới Lacoste (cá sấu) đã ký hợp đồng với Hoàn Mỹ. Khách hàng trên bị thuyết phục ngay khi tận mắt kiểm tra quá trình sản xuất và chỉ sau 30 phút, loạt mẫu nút đủ chủng loại đã ra lò cho khách “tận mục sở thị”.

Tuy không ngừng đầu tư máy móc, cải tiến sản xuất theo quy trình hiện đại nhưng Hoàn Mỹ vẫn giữ những giá trị truyền thống của nghề thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu trong từng công đoạn sản xuất. Câu chuyện thành công của người chủ DN này là cả quá trình dốc sức vào công việc, luôn tìm tòi, ứng dụng cái mới nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Vẽ tranh tre từ màu của khói

Gallery tranh khói bếp Hồng Sự (TX. Long Khánh) chỉ là một phòng trưng bày nhỏ song gây nhiều ấn tượng cho người thưởng lãm. Ở đây, tranh chân dung, loài vật, phong cảnh… được thể hiện với đủ loại khung hình: chữ nhật, hình thoi, trái tim, chiếc lá, bông sen, thuyền buồm. Tuy chỉ 2 màu đơn sắc là đen và tre ngà nhưng mỗi bức tranh đều rất sống động, từ nét mặt trong sáng của trẻ thơ, sự dũng mãnh của loài chúa sơn lâm đến độ hừng sáng của bình minh.

Người tạo ra dòng tranh độc đáo này là ông Vũ Quốc Sự, một bộ đội phục viên. Ông vốn có khiếu vẽ, từng 10 năm theo nghề vẽ áo dài được nhiều người biết tiếng và có thể làm nhiều loại tranh khác nhau, như: sơn dầu, tranh thêu, tranh cát... Theo lời ông Sự, tranh khói còn thú vị ở quá trình tạo tác. Chỉ riêng khâu chuẩn bị nguyên liệu cũng mất đến nửa năm: ngâm tre, phơi khô, chẻ nhỏ, kết khung rồi gác lên mái bếp hun khói. Qua vài tháng, những khung tranh khi ra lò có màu đen bóng. Ở đây, người thợ không vẽ mà là “cạo tranh” vì chỉ dùng mũi kim nhỏ phác họa đường nét rồi sử dụng một lưỡi dao mỏng cạo trên bề mặt khung tranh. Hình ảnh con người, sự vật được tạo thành do các sắc độ đậm nhạt của màu khói nhuộm trên thanh tre.

    Tranh tre của ông Vũ Quốc Sự độc đáo vì từ khói tạo màu vẽ.
Tranh tre của ông Vũ Quốc Sự độc đáo vì từ khói tạo màu vẽ.

Ông kể: “Trong thời gian làm rẫy, vườn nhà trồng nhiều tre nên tôi nghĩ thử làm tranh bằng nguyên liệu này. Nhớ đến cái điếu cày của người xưa, những hình khắc nổi trên ống tre qua thời gian hun khói thuốc lên màu rất đẹp, tôi đem tre gác lên mái bếp, lấy màu khói để vẽ tranh.”

Năm 2011, ông lập cơ sở sản xuất tranh khói bếp Hồng Sự. Sau 3 năm tìm tòi, thử nghiệm để hoàn thiện kỹ thuật chế tác loại tranh này, sản phẩm của cơ sở đã nhiều lần đại diện cho Đồng Nai tham dự hội chợ triển lãm về nghề thủ công mỹ nghệ ở Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang… thu hút khách trong và ngoài nước vì sự độc đáo, mới lạ. Từ khi lập cơ sở, ông đã đào tạo nghề miễn phí cho hàng chục người quan tâm đến dòng tranh này. Ông đang nỗ lực từng ngày nhằm đưa một thú chơi công phu thành nghề thủ công độc đáo mang về ngoại tệ cho đất nước.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều