Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng mật và kế sách

04:02, 05/02/2013

Cái phòng tôi kể sau đây hoàn toàn không phải phòng họp của Hội nghị Paris về Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber. Nơi đó đã từng diễn ra 174 phiên họp của Hội nghị Bốn bên, cũng là nơi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.

Cái phòng tôi kể sau đây hoàn toàn không phải phòng họp của Hội nghị Paris về Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber. Nơi đó đã từng diễn ra 174 phiên họp của Hội nghị Bốn bên, cũng là nơi ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973.

Phòng họp tôi nói tới là cái phòng mật được thiết lập tại trụ sở Đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa (VNDCCH) ở Choisy le Roi. Nơi đây, đã có những cuộc họp giữa hai đoàn A (VNDCCH) và B (Chính phủ Cách mạng lâm thời) để bàn những điều cơ mật về chủ trương và đấu pháp của ta tại hội nghị.

Phòng này cũng giống như mọi phòng khác. Có điều là nó được dựng thêm những bức tường cách âm kín mít, có nhiễu sóng, ra vào bằng một cửa và có cửa sổ nhỏ, khi cần có thể mở ra cho thoáng. Ở đây, “tai vách mạch rừng”. Người ta thường dùng các phương tiện hiện đại đề lấy cắp thông tin. Để chống lại, ta dùng các phương tiện khá thô sơ nhưng rất hiệu quả.

Ngôi nhà số 11 phố Darthe, thành phố Choisy le Roi, nơi làm việc của phái đoàn VNDCCH và cũng chứng kiến nhiều cuộc hội đàm bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger.
Ngôi nhà số 11 phố Darthe, thành phố Choisy le Roi, nơi làm việc của phái đoàn VNDCCH và cũng chứng kiến nhiều cuộc hội đàm bí mật giữa ông Lê Đức Thọ và ông Henry Kissinger.

Khổ nhất là phải làm việc trong đó. Cứ như làm việc trong hầm bí mật. Vừa ngột, vừa mệt vì những âm thanh nhiễu. Các đồng chí lãnh đạo Lê Đức Thọ (anh Sáu) và Xuân Thủy (anh Xuân) lại là những người rất nhạy cảm với thời tiết. Anh Sáu không chịu được nóng, cứ phải quạt liên tục. Anh Xuân thì ngược lại, bị bệnh đường hô hấp, không chịu được lạnh, hễ gió lùa là bị hắt hơi ngay. Vậy mà hai anh phải ngồi bên nhau, ở giữa bàn, để điều khiển các phiên họp. Gay cấn thật. Phải tìm ra một giải pháp. Anh em phục vụ liền nảy ra “sáng kiến vĩ đại”, sắp xếp để hai anh ngồi riêng ở hai đầu bàn đối diện cách xa nhau. Bên này cứ quạt, bên kia cứ sưởi!

Trong cái phòng họp ấy, có hai lần gần như chúng tôi không ai quên.

Lần thứ nhất là vào tháng 3-1970. Đó là một phiên họp mật đột xuất giữa hai đoàn A và B ngay sau khi có tin ở Campuchia, tướng Lon Nol làm đảo chính lật đổ N. Sihanouk (18-3-1970). Anh Sáu chủ trì phiên họp đó. Liền trong mấy tiếng đồng hồ, anh đứng thẳng người, phân tích tình hình, đánh giá cuộc đảo chính và tác động của nó đến chiến tranh Việt Nam, chủ trương và đối sách của ta. Anh nói hăng say đến nỗi giữa tiết tháng ba ở Paris mà trong phòng mật, người anh cứ nóng bừng lên. Anh bắt đầu cởi áo khoác ngoài, rốt cuộc vẫn không chịu được. Anh ra lệnh mở cửa sổ phòng mật. Dương Đình Thảo, người phát ngôn Đoàn B, vốn cẩn trọng, liền chỉ ngón tay trỏ lên không, vẽ luôn mấy vòng tròn, ý nhắc người nói hãy cảnh giác với kẻ nghe trộm bằng kỹ thuật. Lê Đức Thọ không dừng lại. Anh nói to hơn: “Tôi biết. Tôi biết tôi phải nói gì. Cứ cho là họ nghe trộm đi”.

Thế mà ba ngày sau, anh cho biết là những gì anh nhận định trong phòng mật, đã được báo cáo tóm lược về Hà Nội và “Nhà” đồng ý với những nhận định ấy.

Lần thứ hai là vào cuối tháng 2-1972. Hồi đó, các phương tiện thông tin đại chúng ở Paris đưa tin rầm rộ về chuyến đi Bắc Kinh của Nixon và những lời tuyên bố đầy vẻ đắc ý của ông ta.

Trong giá lạnh đầu xuân, anh Sáu vẫn đi đi lại lại trước nhà làm việc của mình. Các thành viên Đoàn B đều lặng lẽ tiến lên phòng mật. Riêng tôi, đi thẳng về phía anh Sáu và đánh tiếng:

- Đêm qua anh có ngủ được không ạ?

- Ngủ làm sao được. Tôi phải xem Nixon định làm cái gì đây?

Rồi anh quay sang tôi:

- Cậu có nhớ bài thơ Học đánh cờ của Bác không?

Tôi đọc:

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ

Kiên quyết không ngừng thế tiến công.

Anh Sáu có vẻ thích thú:

Lạc nước, hai xe đành bỏ phí

Gặp thời, một tốt cũng thành công!

Lên phòng mật, anh lại phân tích tình hình. Lần này còn sôi nổi hơn lần trước. Lý lẽ cũng đanh thép hơn lần trước. Và trong thái độ có một cái gì đó rất kiên quyết. Những ý kiến của anh đều được báo cáo về Hà Nội và nhận định của “Nhà” cũng được truyền đạt đến hai đoàn đàm phán của ta.

Chúng tôi còn nhớ, từ tháng 7-1971, Lê Đức Thọ đã từng nói thẳng với Kissinger rằng: “Các ông đã chạy vạy chỗ này chỗ kia để tìm ra lối thoát nhưng không biết các ông có rút được kinh nghiệm không? Thực ra, các ông chỉ uổng công vô ích, làm phức tạp thêm vấn đề cho các ông”. Và nói thêm: “Không có cách thần kỳ nào để giải quyết vấn đề Việt Nam ngoài cách đàm phán nghiêm chỉnh với chúng tôi ở Hội nghị Paris trên cơ sở những đề nghị của chúng tôi và những đề nghị của các ông. Trong một ván cờ, quyết định thắng lợi phải là người trong cuộc, không có cách nào khác. Chúng tôi độc lập giải quyết vấn đề của chúng tôi”.

Lúc này Kissinger cũng buộc phải thừa nhận: “Chúng tôi biết muốn giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng thương lượng thì phải giải quyết ở Paris. Chúng tôi tôn trọng và khâm phục tinh thần độc lập mà các ông luôn tỏ ra. Chúng tôi không muốn tìm một giải pháp nào khác ngoài nơi đây”.

Nói vậy, nhưng rồi Nhà Trắng vẫn làm ngược lại. Chiến tranh đã phải kéo dài thêm một năm nữa mới đi đến ký kết được Hiệp định.

Trở lại chủ đề bài báo Phòng mật và kế sách, điều tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn là: Suốt hơn 4 năm Hội nghị, không biết bao nhiêu kế sách đã được bàn trong phòng mật, nhưng chưa hề có một bí mật nào bị lọt ra ngoài!

Hà Đăng

 

Tin xem nhiều