Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức mạnh hội nhập quốc tế

04:02, 05/02/2013

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam thu được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2012.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam thu được nhiều thành tựu nổi bật trong năm 2012.

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa  Hồ Cẩm Đào.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào.

I. Thắt chặt quan hệ láng giềng

Tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào vươn tới đỉnh cao mới bằng việc hai nước dành cả năm 2012 tưng bừng kỷ niệm lần thứ 50 “Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao” (1962-2012) và lần thứ 35 “Ngày ký kết Hiệp ước hữu nghị và hợp tác” (1977-2012). Đầu năm, Chủ tịch Trương Tấn Sang sang thăm hữu nghị chính thức nước bạn Lào, khai trương năm hữu nghị. Cuối năm, Tổng Bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Lào Choummaly Sayasone sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tổng kết thành quả đạt được. Các nhà lãnh đạo hai nước đánh giá tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, Lào - Việt ngày càng sâu đậm hướng tới tương lai, hai bên khẳng định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước cũng làm hết cức mình để giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt này mãi mãi xanh tươi đời đời bền vững.

Quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày một khăng khít, được biểu thị bằng nhiều hình thức sinh động. Ngay đầu năm, Thủ tướng Hun Sen chọn Việt Nam làm điểm đến thăm và dự lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), nơi khai sinh Đoàn 125 (tiền thân Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia), mở màn cho năm hoạt động của hai nước kỷ niệm lần thứ 45 “Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao” (1967-2012). Cựu quốc vương Sihanouk và phu nhân lại dành thời gian cuối đời thăm Việt Nam (2-2012). Còn Quốc vương Sihamoni trong chuyến dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Campuchia thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (9-2012) đã cùng các nhà lãnh đạo Việt Nam khẳng định: Hai bên làm hết sức mình để tăng cường sự liên kết sẵn có, đưa lại hiệu quả lớn.

 Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi trong dịp Lễ khánh thành  Khu di tích  lịch sử Đoàn 125 tại Long Giao, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.
Thủ tướng Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi trong dịp Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Đoàn 125 tại Long Giao, Cẩm Mỹ, Đồng Nai.

Việt Nam - Trung Quốc củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Ngay sau Đại hội lần thứ 18, Đảng Cộng sản Trung Quốc cử Ủy viên Bộ Chính trị Lý Kiến Quốc, Tổng thư ký Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc sang thăm Việt Nam, thông báo kết quả Đại hội (2-12-2012). Trước đó (tháng 9-2012), Chủ tịch Trương Tấn Sang và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào gặp nhau ở Hội nghị APEC, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình (lúc đó là Phó chủ tịch Trung Quốc) gặp nhau ở Hội chợ Quảng Tây đều cho rằng: “Trong tình hình hiện nay, việc tăng cường sự tin cậy về chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, không để vấn đề biển đảo ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định quan hệ hai nước”.

II. Bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo

Năm 2012, chứng kiến sự ủng hộ rộng rãi và hậu thuẫn vững chắc của nhân dân thế giới đối với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ an ninh biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 45 ở Phnompenh (tháng 11-2012), 10 nước khu vực (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), cùng 8 nước đối tác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Mỹ, Ấn Độ, Úc, New Zealand) nhất trí: Áp dụng triệt để “Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982” (UNCLOS) cho khu vực biển Đông của Việt Nam; Trung thành “Tuyên bố 2002 về cách ứng xử của các bên trên biển Đông” (DOC); Khởi động việc xây dựng bộ “Quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông” (COC) theo 6 nguyên tắc: Khẳng định vai trò DOC, Hướng dẫn thực hiện DOC, Sớm đạt được COC, Hoàn toàn tôn trọng UNCLOS, Kiềm chế và không sử dụng vũ lực, Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

    Ngày 26-12-2012, Tổng bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tổng kết Năm hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Ngày 26-12-2012, Tổng bí thư Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Choummaly Sayasone thăm hữu nghị chính thức Việt Nam tổng kết Năm hữu nghị Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Suốt năm 2012 có tới hàng chục cuộc thăm hữu nghị, hội thảo, hội nghị quốc tế lớn Bắc Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu, Nam Á, Đông Nam Á, Đông Bắc Á… bàn việc giữ gìn an ninh biển Đông, đồng thời xác định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ 3: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế về thềm lục địa theo UNCLOS. Các quốc gia trong khu vực cần làm việc trên tinh thần hợp tác để giải quyết các tranh chấp, không được áp bức, khủng bố tinh thần, đe dọa và tuyệt đối không sử dụng vũ lực”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chọn Cam Ranh làm điểm dừng chân trong chuyến thăm Việt Nam (tháng 6-2012), phát biểu đầy cảm xúc: “Lần đầu tiên một bộ trưởng quốc phong Mỹ thăm Cam Ranh kể từ sau chiến tranh (1975) là một biểu tượng rất quan trọng, chứng tỏ mối quan hệ Mỹ - Việt đã được cải thiện. Tôi muốn nói với các bạn rằng, Cam Ranh là một nơi tuyệt đẹp để có thể nhìn thấy đại dương và tất cả những điều tốt đẹp mà Việt Nam đang làm”.  Ngoại trưởng Ấn Độ Kishna tuyên bố: “Biển Đông là tài sản chung của thế giới. Tự do hàng hải trên biển Đông cần được bảo đảm, không chịu ảnh hưởng bởi sự can thiệp của bất cứ quốc gia nào”. Thủ tướng Thái Lan Yingluck phát biểu: “Là nước không liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển Đông, Thái Lan vẫn tham gia giữ vững sự ổn định và an ninh ở đây”. Hội thảo quốc tế lớn về an ninh biển Đông được tổ chức tại Saint Petersburg (Cộng hòa liên bang Nga) phê phán: Trung Quốc đưa ra khái niệm đường lưỡi bò chín khúc là thiếu căn cứ khoa học, thiếu căn cứ pháp lý và thiếu căn cứ thực tiễn. Việt Nam có đủ mọi thứ trên để khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của mình.

III. Tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi ông đến thăm Việt Nam (tháng 6-2012).
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khi ông đến thăm Việt Nam (tháng 6-2012).

Trong năm 2012, nước ta đã cử tới 50 đoàn đại biểu cấp nhà nước thăm hữu nghị chính thức nước ngoài và dự hội nghị quốc tế. Đáp lại, có chừng ấy đoàn đại biểu cấp nhà nước của các nước thăm hữu nghị chính thức nước ta. Mỗi cuộc thăm hữu nghị chứa nội dung hợp tác làm ăn mà mỗi bên có thế mạnh. Vài dẫn chứng: Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm Liên bang Nga (7-2012) và Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm Việt Nam (11-2012) làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược sẵn có và thúc đẩy quan hệ thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2015; Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy tới Hà Nội (10-2012), khẳng định: “Việt Nam là đối tác then chốt của EU và đang cùng EU tạo điều kiện cho hai phía đầu tư lâu dài vào nhau” (trong nhiều lĩnh vực, từ công nghiệp, giao thông - vận tải, năng lượng, đến tài chính, y tế, du lịch, dịch vụ…); hơn 200 doanh nghiệp lớn của Argentina cử tới 253 đại biểu sang Việt Nam (10-2012) tìm cơ hội hợp tác. Đến với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Brunei, Myanmar, Kazakhstan và tiếp các nhà lãnh đạo Cuba, Chile, Áo, Panama, Đan Mạch, Bungary, Pakistan, Iran, Bangladesh, Triều Tiên…, các nhà lãnh đạo nước ta đã cùng các nhà lãnh đạo các nước bạn kiến tạo mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, không ít mang tầm chiến lược. Theo đà hội nhập quốc tế sâu rộng này, Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài hơn 700 dự án với số vốn trên 15 tỷ USD, còn Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam cam kết tiếp tục giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong năm 2013, với số tiền lên tới 6,485 tỷ USD. Tất cả là niềm cổ vũ rất lớn đối với nhân dân ta, Tổ quốc ta trên con đường hội nhập quốc tế.

Dương Quang Minh

Tin xem nhiều