Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt thủy sản: Một kiểu kiếm tiền bất chấp hậu quả

Kim Liễu
09:20, 13/04/2024

Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai đã bày tỏ sự bất bình trước hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt thủy sản của 2 đối tượng vừa bị Đội Cảnh sát đường thủy (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh) phát hiện ngày 10-4 vừa qua.

Công cụ các đối tượng sử dụng để bắt tôm, cá và số tôm, cá bị trúng thuốc trừ sâu các đối tượng vớt lên chuẩn bị đem đi bán. Ảnh: Đình Biên

Vụ việc được nêu trong bản tin Bắt quả tang 2 đối tượng đổ thuốc sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm, cá đăng trên Báo Đồng Nai mới đây.

Kiếm tiền bất chấp hậu quả

Báo Đồng Nai đã thông tin, ngày 10-4, Đội Cảnh sát đường thủy đã tiến hành lập hồ sơ xử lý 2 đối tượng L.Đ.P (38 tuổi) và N.H.D (33 tuổi), cùng ngụ xã Long Hưng (thành phố Biên Hòa), về hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để đánh bắt thủy sản.

Không chỉ hủy hoại môi trường, nhiều người cho rằng, việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt thủy sản là hành vi nguy hiểm, có thể gây nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nguồn nước và thủy sản ở sông Đồng Nai, cần xử phạt nặng để răn đe. Đồng thời, cần có giải pháp để ngăn chặn hành vi này tái diễn.

Trước đó, vào lúc 0h30, ngày 10-4, cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát đường thủy trong lúc tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai đoạn thuộc khu vực Vàm Cái Sứt (xã Long Hưng) thì phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng trên đang thực hiện hành vi vớt tôm, cá (nghi bị nhiễm thuốc trừ sâu).

Nhìn thấy lực lượng công an, đối tượng P. đã vứt bỏ vỏ chai thuốc trừ sâu (nhãn hiệu Sapen Alpha) xuống sông để phi tang. Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng công an kịp thời bắt giữ. Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ 1 xuồng gỗ, 1 vỏ lãi, 2 bình ắc quy, 2 bộ kích điện, 2 vợt vớt cá, khoảng 2kg tôm và hơn 1kg cá các loại.

Bình luận bên dưới bản tin đăng trên trang Facebook Báo Đồng Nai, nhiều BĐ bày tỏ sự bất bình, việc dùng thuốc trừ sâu đổ xuống sông để đánh bắt thủy sản rất đáng phê phán.

“Đúng là tận diệt thủy sản luôn” - tài khoản Facebook Chinh Minh Doan bình luận. Theo tài khoản Facebook  Phi Tiến thì đây là hành vi: “Hủy hoại môi trường”.

Tương tự, tài khoản Facebook Đỗ Bình bình luận: “Hết thuốc chữa thiệt. Rồi người ăn lại mang thêm bệnh vào người”.

Việc đánh bắt thủy sản theo kiểu kiếm tiền bất chấp này đã gây lo lắng cho nhiều người về vấn đề an toàn thực phẩm từ nguồn thủy sản và ô nhiễm nguồn nước ở sông Đồng Nai: “Rồi bán cho người ta ăn bị ngộ độc thì sao” - tài khoản Facebook Trần Trung Phước viết.

Còn tài khoản Vi Vân không khỏi lo lắng bởi nước sông Đồng Nai là nguồn nước uống và sinh hoạt của cả khu vực.

Tương tự, tài khoản Long Nguyễn bình luận: “Độc hại, nguy hiểm đến sức khỏe người uống nước từ sông”.

Cần ngăn chặn từ gốc

Trước hành vi trên, nhiều BĐ đề xuất cơ quan chức năng xử phạt nặng để răn đe. “Chẳng khác nào đầu độc, độc ác quá. Cần xử lý thật mạnh” - một tài khoản Facebook đề nghị.

Đồng quan điển, tài khoản Facebook Van Tung Nguyễn viết: “Xử nặng để răn đe, đây chẳng khác nào hành động giết người hàng loạt”, hay “Vì tiền mà giết đi giống nòi, phải phạt thật nặng” - tài khoản Facebook Từ Hoàng Ngôn bình luận.

Ngoài các đề xuất xử lý nghiêm người vi phạm, nhiều ý kiến BĐ cho rằng, chuyện đổ thuốc trừ sâu xuống sông rạch để bắt tôm cá không phải là chuyện nhỏ. Cần thiết có những biện pháp nhanh chóng, quyết liệt để ngăn chặn từ gốc. Bởi, sông Đồng Nai không chỉ là nguồn nước quý báu cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân trong lưu vực.

Theo nhiều BĐ, tình trạng đổ hóa chất độc hại xuống sông Đồng Nai không chỉ là mối đe dọa đối với nguồn thủy sản, mà còn tác động tiêu cực đối với sức khỏe và cuộc sống của hàng triệu người. Cách “khai thác” này không chỉ là hành động hủy diệt thủy sản, mà còn đặt ra những thách thức lớn đối với chính quyền và cộng đồng.

Đáng lo là hành vi dùng thuốc trừ sâu để đánh bắt cá, tôm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo không sử dụng hóa chất độc bị cấm nhưng nhiều người vẫn cố tình sử dụng các sản phẩm này, vì cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả. Thực tế trên thị trường, việc mua bán các loại thuốc trừ sâu rất phổ biến, nhiều loại thuốc nhập lậu thường có giá rẻ nên một số người dùng để đổ xuống sông rạch bắt cá, tôm.

“Muốn ngăn chặn từ gốc việc này, trước hết phải kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu thuốc trừ sâu, đồng thời siết chặt thị trường mua bán loại hàng hóa này, rà soát những quy định liên quan đến kiểm soát, xử lý vi phạm. Đơn vị chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hành động đổ thuốc trừ sâu xuống sông rạch” - ông Nguyễn Thanh Liêm (ngụ thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất) đề xuất.  

Kim Liễu

Tin xem nhiều