Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng trách nhiệm của người lớn, giảm tai nạn thương tích cho học sinh

Kim Liễu
14:57, 30/03/2024

Gần đây, trên địa bàn Đồng Nai liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích liên quan đến trẻ em như: đuối nước, tai nạn giao thông (TNGT), bạo hành trẻ em… gây không ít lo lắng, bất bình cho nhiều người.

Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Đức Ứng (huyện Long Thành). Ảnh: Đăng Tùng
Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Hoàng Sơn tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Đức Ứng (huyện Long Thành). Ảnh: Đăng Tùng

Chia sẻ với Báo Đồng Nai cuối tuần, nhiều bạn đọc (BĐ) cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ sự chủ quan, thiếu quan tâm của người lớn.

* Xót xa trẻ gặp tai nạn

Trong tháng 3-2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ tai nạn thương tích ở lứa tuổi học sinh. Thông tin Một bé gái ở thành phố Biên Hòa nghi bị cha dượng bạo hành (đăng trên Báo Đồng Nai điện tử ngày 21-3) đã thu hút được sự quan tâm của nhiều BĐ. Nội dung bản tin phản ánh, vào lúc 23h30, ngày 20-3, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận bé P.A. (13 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu nhiều ở phần đầu, có vết thương ở vùng đầu, mặt nghi do cha dượng bạo hành.

Xem tin và hình ảnh khuôn mặt cháu bé với các vết thương bị khâu lại ở vùng đầu bên phải dài 7cm, vết thương trước tai bên phải dài 5cm, vết thương trên cung mày dài 2cm…, nhiều BĐ không hỏi xót xa.

Theo Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 2,4 ngàn trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, 50 trường hợp trẻ bị bạo lực, 379 trường hợp TNGT, hơn 1,7 ngàn trường hợp té ngã, 72 trường hợp bị bỏng, 2 trường hợp đuối nước…

“Vết thương ngoài da có thể chữa lành nhưng nỗi đau tinh thần khi có một tuổi thơ thiếu tình thương, bị bạo hành sẽ là nỗi ám ảnh khó quên trong tâm trí trẻ. Tôi mong cơ quan công an sớm điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm người gây thương tích cho bé P.A.” - bà Trần Thị Thanh Nhàn (ngụ phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Trước đó, Báo Đồng Nai đưa tin 2 anh em ruột ở thành phố Biên Hòa tử vong thương tâm do đuối nước. Cả 2 em nhỏ đều là học sinh Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa), chẳng may bị đuối nước khi tắm sông Buông (phường Phước Tân) vào ngày 17-3.

Nhiều người không cầm được nước mắt khi biết hoàn cảnh gia đình các em rất khó khăn, càng đau lòng hơn khi biết tai nạn xảy ra khi 2 anh em bơi lại chỗ nước sâu để cứu cậu em trai út khi 3 anh em đang tắm sông chung. Bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai, tài khoản Phương Anh viết: “Trời ơi đau đớn vậy trời”.

Để không xảy ra những tai nạn thương tâm tương tự, nhất là khi mùa hè đang đến gần, nhiều ý kiến cho rằng, các phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em mình, không để trẻ tự ý tắm sông, hồ… khi không có sự giám sát của người lớn. Phụ huynh nên chủ động cho con mình sớm tham gia học bơi vì khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng chống đuối nước, trẻ sẽ an toàn hơn.

* Để tai nạn đừng tiếp diễn

Ngoài các vụ trẻ bị bạo hành, đuối nước cũng trong tháng 3-2024, trên địa bàn thành phố Biên Hòa liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng mà nạn nhân trong độ tuổi học sinh và trẻ em.

Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra ngày 21-3 khi xe tải thùng biển số 51C - 984.03 đang lưu trên đường trong khu dân cư thuộc khu phố 11, phường Tân Phong (thành phố Biên Hòa) thì xảy ra va chạm với một xe đạp điện. Hậu quả khiếm một nam thiếu niên (khoảng 14 tuổi, chưa rõ danh tính) đi xe đạp điện tử vong tại chỗ…

Theo Ban an toàn giao thông tỉnh, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ TNGT liên quan đến học sinh (từ 6-18 tuổi), chiếm hơn 80% số vụ TNGT toàn tỉnh, làm 54 người chết và bị thương 65 người.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Khương, Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, sau Tết Nguyên đán 2024, số vụ trẻ cấp cứu về tai nạn thương tích tại bệnh viện tăng. Đáng chú là số vụ TNGT chiếm phần nhiều. Thường các học sinh trung học cơ sở gặp tai nạn khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện còn các bé nhỏ hơn thì bị tai nạn khi tham gia giao thông cùng phụ huynh. Nhiều trường hợp do phụ huynh không để ý khi dừng xe, để trẻ đứng phía trước vô tình nắm tay lái rồ ga dẫn đến tai nạn. Không ít trường hợp để trẻ nhỏ đứng, ngồi đằng trước xe máy, ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm…

“Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng đang đều trị cho một học sinh 11 tuổi (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị TNGT khi điều khiển xe đạp điện. Em này đang trong tình trạng hôn mê do chấn thương sọ não và còn bị vỡ xương chậu” - bác sĩ Khương nói.

Theo bác sĩ Khương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, nhưng sâu xa là do sự bất cẩn, thiếu sự giám sát người lớn. Với lứa tuổi thiếu niên, việc giáo dục ý thức, kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, khi tiếp xúc với môi trường nước (sông, suối, ao hồ…) sẽ giúp trẻ biết cách xử lý tình huống, bảo vệ bản thân phòng tránh tai nạn thương tích.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình và bàn giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trong lứa tuổi học sinh, các cơ quan chức năng cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT đến từ các lý do: học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh…

Giải pháp được các cơ quan chức năng đề ra là cần chú trọng trao đổi thông tin về vi phạm trật tự ATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình. Có như vậy thì các bên liên quan mới cùng quản lý và giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho trẻ em.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo ĐỖ HUY KHÁNH:

Tăng cường giáo dục kỹ năng cho học sinh

Để đảm bảo trật tự ATGT ở các trường học, phía nhà trường cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục ATGT trong trường học. Trong đó, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo của học sinh, lồng ghép với các phong trào, các hoạt động của nhà trường một cách phù hợp, hiệu quả.

Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành giáo dục và các cơ quan liên quan, đặc biệt là cơ quan công an để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng tự bảo vệ bản thân để các em học sinh chủ động phòng tránh những nguy hiểm, rủi ro, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.         

Gia An (ghi)

Kim Liễu

Tin xem nhiều