Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyên đề: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới:
Báo động ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

Hạnh Dung
20:44, 12/04/2024

Thời gian qua, trên cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm làm nhiều người phải nhập viện điều trị, trong đó có trường hợp đã tử vong.

Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trong tỉnh. Ảnh: H.Dung
Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trong tỉnh. Ảnh: H.Dung

Thời tiết nắng nóng như hiện nay cùng với các vấn đề khác như: ý thức, đạo đức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thực phẩm bị nhiễm khuẩn; chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Vấn đề đáng lo ngại

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 15 người nhập viện điều trị. Trong đó có 2 trường hợp nặng phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Điểm chung của 15 người bị ngộ độc thực phẩm là ăn một số món hải sản tại một quán ăn trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Sau khi vào cuộc kiểm tra, đến nay cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra vụ ngộ độc thực phẩm nói trên.

Thực hiện Dự án Truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh, đến nay, Đồng Nai có 4 siêu thị, 26 cửa hàng tiện lợi, 11 chợ, 40 cơ sở giết mổ heo, 123 thương nhân thu mua heo, 782 cơ sở chăn nuôi, 5 cơ sở thu gom, 7 cơ sở bán sỉ, 4 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, 162 bếp ăn trường học đã đăng ký tham gia và được cấp tài khoản.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, mới đây đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 1 học sinh tử vong và 37 học sinh khác phải nhập viện điều trị. Các em này đã ăn sáng nhiều món khác nhau của nhiều quán ăn khác nhau bên ngoài trường học.

Với vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến thịt gà làm 370 người mắc trước đó ở tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng xác định: nguồn nước, quy trình chế biến thức ăn của cơ sở kinh doanh cơm gà chưa đảm bảo, có thể có nhiều tác nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Tại tỉnh Bình Dương, vừa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 49 người phải nhập viện. Những người bị ngộ độc có điểm chung là ăn bánh mì, bánh bao được phát từ thiện tại một lễ hội tổ chức trên địa bàn thành phố Thuận An. Sau khi ăn xong, nhiều người có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, được đưa vào Trung tâm Y tế thành phố Thuận An để điều trị.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, ngụ xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, qua nắm bắt thông tin trên báo đài về các vụ ngộ độc thực phẩm, chị rất lo lắng vì cả 2 con chị đều đang học bán trú tại các trường học.

“Hàng ngày, các con ăn trưa, ăn xế ở trường. Thi thoảng, tôi cho tiền các con để mua thêm đồ ăn vặt trong căn tin nhà trường. Qua các vụ ngộ độc thực phẩm nói trên, tôi rất lo ngại đến vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cho các con. Mong sao các trường chú ý hơn đến công tác kiểm soát thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn cho trẻ” - chị Hương nói.

Liên quan đến việc học sinh mua và sử dụng các loại thực phẩm ở bên ngoài trường học, theo Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh, đây là vấn đề rất khó quản lý vì những hàng quán, hàng rong bên ngoài nhà trường do địa phương quản lý, ngành giáo dục không quản lý được. “Khi nào lực lượng chức năng của xã, phường đến dẹp, những người bán hàng rong bưng hàng, đẩy xe chạy đi; khi lực lượng chức năng đi về, họ lại bày ra bán tiếp. Nếu người bán hàng không có tâm, vì lợi nhuận mà bán hàng trôi nổi, hết hạn sử dụng, có chứa những chất không cho phép… sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của học sinh” - ông Đỗ Huy Khánh nhấn mạnh.

Tháng hành động vì ATTP năm 2024 diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề Tiếp tục bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

Đảm bảo quy trình mua, chế biến, sử dụng thực phẩm

Trường tiểu học Phước Tân 2 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) hiện có hơn 1,3 ngàn học sinh, là một trong số ít các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh sau khi học buổi sáng sẽ ăn bữa trưa tại trường, ngủ nghỉ tại trường và tiếp tục học buổi chiều.

Cô Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Tân 2 chia sẻ, vấn đề ATTP được nhà trường đặc biệt quan tâm. Bởi nếu có sự cố xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến 1 học sinh mà ảnh hưởng đến rất nhiều em. Việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm được trường lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo thực phẩm đầu vào, khâu bảo quản, chế biến và phân chia các phần ăn cho các em trong bữa ăn.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, mỗi ngày tiếp nhận gần 2 ngàn lượt bệnh nhân khám bệnh ngoại trú và gần 1 ngàn bệnh nhân điều trị nội trú. Đa số nhân viên y tế của bệnh viện và bệnh nhân điều trị nội trú, người nhà bệnh nhân đều sử dụng các suất ăn sáng, trưa, chiều tại căn tin, bếp ăn của bệnh viện.

Bà Bùi Thúy Hằng, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay, bệnh viện ký hợp đồng với công ty thực phẩm cung cấp hơn 1 ngàn suất ăn mỗi ngày. Hàng ngày,  nhân viên của khoa đều giám sát nguồn nguyên liệu đầu vào, công tác sơ chế, chế biến thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước, lưu đủ mẫu thức ăn, thực hiện quy trình bảo quản thực phẩm, xử lý dụng cụ. Trong quá trình kiểm tra, nếu nội dung nào chưa đạt, nhân viên sẽ lập biên bản báo cáo lên Ban giám đốc bệnh viện để có hướng xử lý kịp thời. Mục tiêu nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho nhân viên y tế, bệnh nhân, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nhân viên y tế thực hiện test nhanh các sản phẩm với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.
Nhân viên y tế thực hiện test nhanh các sản phẩm với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Trước diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề ATTP, Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các địa phương trong cả nước và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua.

Đó là điều kiện thời tiết nắng nóng có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.

Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá ở các gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, ăn uống khi đi du lịch tăng trong khi ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó, cần chú ý ngộ độc do nấm độc, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên; ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.

Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh ATTP tỉnh vào đầu năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Những nơi nào làm tốt thì biểu dương, nhân rộng, phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

Ngành Y tế cần tăng cường phối hợp với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Công thương giám sát, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thịt động vật…; các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.


 

TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Đặt an toàn, chất lượng lên hàng đầu

Mỗi ngày, bếp ăn của bệnh viện cung cấp từ 1,2-1,5 ngàn suất ăn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân. Bệnh viện đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu nên tất cả các khâu từ lựa chọn nguyên liệu, bảo quản, chế biến thực phẩm… đều phải đảm bảo nghiêm ngặt. Bệnh viện yêu cầu thực phẩm nhập vào phải đảm bảo tươi, sạch, có chứng từ, nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng hàng đông lạnh. Không chỉ phục vụ các suất cơm, cháo, bún, phở thông thường, Khoa Dinh dưỡng của bệnh viện còn xây dựng thêm các khẩu phần ăn đặc biệt, đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng dành cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại phòng chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường, huyết áp… Các thực đơn này đều được bác sĩ dinh dưỡng thiết kế dựa trên sức khỏe bệnh nhân sau khi các bác sĩ đã thăm khám.

 

Bác sĩ Đỗ Minh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Biên Hòa: Giám sát chặt chẽ các bếp ăn tập thể

Toàn thành phố hiện có hơn 400 bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học, nhóm trẻ trong và ngoài công lập. Hàng năm, Trung tâm Y tế đều phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề về công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, căn tin trường học. Quá trình kiểm tra, chúng tôi khuyến cáo các nhà trường chọn đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý về công ty và thực phẩm; khuyến cáo nhà trường tránh chọn những nguyên liệu thực phẩm có thể gây ngộ độc để chế biến món ăn cho trẻ như nấm. Đồng thời chuẩn bị nguồn cung cấp thực phẩm dự phòng để giải quyết tình trạng gián đoạn nguồn thực phẩm khi công ty cung cấp thực phẩm hiện tại gặp vấn đề về mất ATTP.

 

Ông Nguyễn Đình Việt, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh: Cơ chế pháp luật về quản lý ATTP phải đồng bộ, xuyên suốt

Qua công tác kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn yếu kém. Cơ chế pháp luật chưa đồng bộ. Một số địa phương làm chưa tốt công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý ATTP. Theo lộ trình, giai đoạn 2023-2025 nhà nước sẽ sửa Luật ATTP theo hướng giao cho một đầu mối quản lý ATTP thay nhiều đầu mối như hiện nay (bao gồm y tế, nông nghiệp, công thương, công an, quản lý thị trường). Điều này nhằm giảm chồng chéo trong công tác quản lý, thanh kiểm tra ATTP.

 

Anh Nguyễn Thành Sơn, công nhân Công ty CP kết cấu thép ATAD (thành phố Long Khánh): Chất lượng bữa ăn quyết định sức làm việc của người lao động

Chất lượng bữa ăn quyết định sức làm việc người lao động, vì vậy, tại công ty, lãnh đạo DN ngày càng cải tiến về bữa ăn, thay đổi món để phù hợp với sức làm việc hàng ngày. Hiện giá trị bữa ăn tăng, chất lượng đảm bảo, thực đơn phong phú khiến chúng tôi rất phấn khởi. Nhiều lao động làm việc ở các bộ phận nặng nhọc của công ty đều cảm thấy hài lòng, nhất là với ngành sản xuất thép, làm việc trong môi trường tập trung, chuyên nghiệp và kỹ thuật.

Bảo Lộc - Thảo My (ghi)


Hạnh Dung

Tin xem nhiều