Báo Đồng Nai điện tử
En

Quyết tâm chống "chạy chức, chạy quyền"

11:05, 09/05/2018

Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; có cơ chế giám sát người đứng đầu để chống chạy chức, chạy quyền…là những vấn đề đang được Hội nghị Trung ương 7 hết sức quan tâm...

Bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; có cơ chế giám sát người đứng đầu để chống chạy chức, chạy quyền… là những vấn đề được các đại biểu tham dự hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đóng góp ý kiến rất chi tiết và cụ thể tại buổi thảo luận ở hội trường về đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN
Đại biểu phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: TTXVN

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá cao nội dung đề án, cho rằng đây là một đề án quan trọng, thực sự cần thiết và cấp bách trong bối cảnh đất nước hiện nay. Đề án được chuẩn bị nghiêm túc, khoa học, trách nhiệm; quá trình xây dựng được thực hiện bài bản, công phu, dân chủ, qua nhiều bước quy trình; các giải pháp, nhiệm vụ được đưa ra trong đề án có tính thực tiễn, khả thi cao…

* Tránh tình trạng nể nang trong chỉ đạo, điều hành

Liên quan đến việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương, đa số ý kiến của đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình và cho đây là giải pháp quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác và nể nang, duy tình trong chỉ đạo điều hành.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể, bố trí một cán bộ không phải là người địa phương sẽ kiểm soát được quyền lực tốt hơn, vì đồng chí đó không có mối quan hệ gia đình, dòng tộc, anh em. Ngược lại, sự giám sát của nhân dân đối với đồng chí đó cũng sẽ chặt chẽ hơn; bản thân đồng chí cũng thận trọng hơn trong ứng xử với nhân dân.

Một số ý kiến cũng đề nghị áp dụng chủ trương này với chức danh chủ tịch, nhằm ngăn chặn tận gốc quyền lực ở địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu ý kiến từ kinh nghiệm nhiều năm giữ vị trí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái: “Người địa phương thường có các mối quan hệ tình cảm, đôi khi rơi vào duy tình, nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật trong xử lý công việc. Là người nơi khác thì bí thư có thể thiếu hụt về hiểu biết địa bàn, dân cư, kinh tế - xã hội… thì tự mình có thể lăn lộn, nghiên cứu bù đắp được nhưng vấn đề tình cảm thật sự là khó”. Theo ông Chiến, việc bố trí, luân chuyển cán bộ cần chú ý đặc thù vùng miền, giúp cán bộ nhanh chóng nắm bắt được tình hình địa phương. Ngoài ra, việc thực hiện cần có lộ trình, có tính đến yếu tố đặc thù của một số địa phương, yếu tố vùng miền, yếu tố văn hóa...

Đáng chú ý, một số ý kiến đề nghị cần triển khai nhất quán từ đầu, tránh tình trạng có địa phương nghiêm túc thực hiện còn địa phương khác thì không làm. Và để đề án có thể nhanh chóng triển khai thì ngay từ bây giờ phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ bí thư, bảo đảm tính chất vùng miền, dân tộc... Về vấn đề chống chạy chức, chạy quyền, các đại biểu cho rằng cần có cơ chế giám sát người đứng đầu. Người đứng đầu phải gương mẫu, kiên quyết không để người khác “chạy” mình; cơ quan quản lý cán bộ cần phải có những người mẫn cán và luôn nêu cao trách nhiệm của người công chức.

* Xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ tầm xa

Nhiều ý kiến đề nghị tập trung vào khâu đánh giá cán bộ, cho rằng đây là khâu quan trọng, là căn cứ, cơ sở để triển khai các công tác cán bộ tiếp theo. Việc đánh giá cán bộ cần theo hướng đa chiều, liên tục, đánh giá theo kiểu sản phẩm, đặt hàng.

Nêu kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tập trung đánh giá đội ngũ cán bộ ở các địa bàn hiện nay vì đội ngũ này sẽ được đào tạo thành đội ngũ cán bộ cấp chiến lược trong thời gian tới. “Tỉnh đặt hàng cho các bí thư, chủ tịch huyện, giám đốc các sở 5-7 nhiệm vụ mà tỉnh đang cần giải quyết, cuối năm lấy sản phẩm để đánh giá. Cái này thực chất hơn, rõ hơn” - ông Hùng hiến kế.

Các đại biểu cũng đề nghị việc bố trí cán bộ phải có sự tương đồng, tránh bố trí cán bộ từ vùng biển lên miền núi và ngược lại đưa cán bộ từ miền núi về vùng biển. Đồng thời cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để cán bộ luân chuyển yên tâm công tác.

Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất bên cạnh cơ chế kiểm soát cũng cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ; có chế độ chính sách về nhà ở, đào tạo, có lộ trình thăng tiến minh bạch. Muốn cải cách công tác cán bộ thì đầu tiên phải đặt mục tiêu và mạnh dạn giao việc, giao quyền cho cán bộ, khơi dậy năng lực và khát vọng cống hiến, phụng sự, hy sinh.

Các đại biểu cũng nhất trí với mục tiêu tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng. Về việc ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ, các đại biểu đề xuất cần cụ thể hóa ở từng cấp, từng ngành để triển khai hiệu quả.

2 trọng tâm, 5 đột phá

Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định: đến năm 2020 thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết thành các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ theo kế hoạch, phù hợp tình hình thực tế; hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; triệt để chống chạy chức, chạy quyền và chặn đứng tình trạng suy thoái; cơ bản thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; hoàn thành việc rà soát, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ các cấp gắn với kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đến năm 2025, tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; phấn đấu hoàn thành việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác…

Đề án xác định 2 trọng tâm và 5 đột phá để thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ giải pháp. 2 trọng tâm là: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

5 đột phá là: đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời, chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền; thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc, có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm; hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

H.L (tổng hợp)

Tin xem nhiều