Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây có cội, nước có nguồn...

09:04, 12/04/2019

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình, nhưng có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cả dân tộc có chung ngày giỗ Tổ. Từ truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu đều tâm niệm và tự hào được sinh ra từ một nguồn cội. Vì thế, người Việt gọi nhau bằng 2 tiếng tha thiết: đồng bào.

Mỗi dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình, nhưng có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cả dân tộc có chung ngày giỗ Tổ. Từ truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu đều tâm niệm và tự hào được sinh ra từ một nguồn cội. Vì thế, người Việt gọi nhau bằng 2 tiếng tha thiết: đồng bào.

Để xây dựng một quốc gia thống nhất và hùng cường, để kết nối lòng dân thành một khối vững chắc, cha ông ta đã gửi gắm bao điều vào truyền thuyết đẹp này. Theo thuyết âm dương, rừng (tiên) thuộc dương; biển (rồng) thuộc âm, vậy mà cha Lạc Long Quân lại có nguồn gốc của rồng, từ biển, tức âm; mẹ Âu Cơ thì ứng với rừng, thuộc dương. Đó là một biểu trưng thống nhất tuyệt vời, bởi bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương là trong dương có âm, trong âm có dương, có vậy mới thống nhất và trường cửu.

Ngay trong buổi bình minh trứng nước của dân tộc ấy, chúng ta đã ý thức cao độ về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không phải chỉ trên đất liền mà còn trên biển cả bao la. Bởi vậy, 50 người con đã theo cha xuống biển, 49 người con theo mẹ lên rừng, người con trưởng ở lại làm vua, đóng đô tại Văn Lang, nay là Phong Châu, Phú Thọ để bắt đầu từ đây, trong tâm thức của người Việt, nỗi hoài niệm về tổ tiên, về cội nguồn ngày càng da diết. Trước khi ra đi, cha Lạc Long Quân không quên dặn lại rằng: khi nào có việc gọi cha, cha sẽ trở về.

Cũng từ buổi bình minh trứng nước ấy, khát vọng thống nhất và đoàn tụ luôn là khát vọng lớn nhất của dân tộc này. Có phải vì vậy mà suốt mấy ngàn năm lịch sử, không một thế lực nào, không một kẻ thù nào có thể chia cắt đất nước này. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì tinh thần đoàn kết của người Việt lại bùng lên dữ dội; đạp bằng chông gai, nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước.

 “Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông”. Mùng 10-3 giỗ Tổ Hùng Vương, dâng nén nhang tưởng nhớ Tổ tiên mình, xin hãy nhớ lời cha ông nhắn nhủ: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Đó là thông điệp lớn nhất mà cha ông ta gửi gắm. Chỉ khi hiểu tổ tiên mình, sẽ thêm yêu đất nước mình hơn.

Vũ Trung Kiên

Tin xem nhiều