Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổng hợp tham luận Hội thảo khoa học "Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử"

11:04, 29/04/2021

46 năm trước đây, vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, trên mảnh đất Đồng Nai, cùng với hướng Đông (Quân đoàn 4), hướng Đông Nam Sài Gòn đã chứng kiến giờ phút mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh và các trận tiến công mãnh liệt của quân và dân ta, đập tan các căn cứ phòng thủ vòng ngoài của địch, tạo điều kiện cho đòn tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sào huyệt của chính quyền tay sai Sài Gòn, giành thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

                                                                                               Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN

                                                                                              (Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

- Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng!

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai cùng đại diện các tỉnh, thành phố!

- Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, tướng lĩnh, sỹ quan!

- Kính thưa các nhà khoa học cùng toàn thể quý vị đại biểu!

46 năm trước đây, vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975, trên mảnh đất Đồng Nai, cùng với hướng Đông (Quân đoàn 4), hướng Đông Nam Sài Gòn đã chứng kiến giờ phút mở đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh và các trận tiến công mãnh liệt của quân và dân ta, đập tan các căn cứ phòng thủ vòng ngoài của địch, tạo điều kiện cho đòn tổng công kích vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm sào huyệt của chính quyền tay sai Sài Gòn, giành thắng lợi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đồng chí Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trình bày tổng hợp tham luận. Ảnh: Huy Anh
Đồng chí Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam trình bày tổng hợp tham luận. Ảnh: Huy Anh

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 nói chung, Chiến dịch Hồ Chí Minh nói riêng là kết quả sự nỗ lực vượt bậc, tinh thần quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có những đóng góp quan trọng của quân và dân ở từng địa bàn, trên mỗi hướng mũi tiến công, mà hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong số đó.

Hướng Đông Nam là một trong 5 hướng tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, được sự phối hợp chiến đấu trực tiếp của lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân các huyện Long Thành, Nhơn Trạch thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày nay. Để tập trung khẳng định và làm sáng tỏ vai trò, vị trí của hướng tiến công Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời, theo đề nghị của Tỉnh ủy Đồng Nai và Quân đoàn 2, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Đồng Nai tổ chức hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng. Kết quả của Hội thảo góp phần phát huy hơn nữa kinh nghiệm và bài học lịch sử, thiết thực vận dụng trong xây dựng, củng cố lực lượng, thế trận quốc phòng - an ninh trên địa bàn phòng thủ tỉnh, thành phố; đồng thời tăng cường công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng do Quân đội làm nòng cốt, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tại Hội thảo này, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 80 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, một số tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, các tướng lĩnh, sĩ quan, các nhân chứng lịch sử; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, một số ban, ngành của tỉnh Đồng Nai; các nhân chứng lịch sử; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội… Trên cơ sở chủ đề đã xác định, mỗi tham luận đi sâu luận giải từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của thắng lợi mà quân và dân ta đã giành được trên hướng Đông Nam ở địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Điều đó được thể hiện qua một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, khẳng định tài thao lược của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự nhạy bén, chính xác của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và khả năng chỉ huy quyết đoán, linh hoạt của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2

Để bảo đảm thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng quyết định huy động lực lượng mạnh nhất gồm 4 quân đoàn chủ lực (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn), cùng với bộ đội địa phương và sức mạnh nổi dậy của quần chúng. Trên cơ sở thế trận chung, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với từng hướng chiến dịch, trong đó xác định: nhanh chóng tập trung lực lượng trên hướng Đông và Đông Nam, đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập Sài Gòn từ phía Long Khánh, Bà Rịa - Vũng Tàu, tổ chức sẵn những đơn vị binh chủng hợp thành mạnh để khi thời cơ xuất hiện thì tức khắc đánh chiếm các mục tiêu quan trọng nhất ở trung tâm thành phố Sài Gòn (1).

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 thực hành tác chiến trên hướng Đông Nam. Thực tế đã chứng minh, đây là một sự lựa chọn và quyết định đúng đắn, bởi vì Quân đoàn 2 là lực lượng mạnh nhất trong cánh quân Duyên Hải, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong hai chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng, góp phần đập tan phòng tuyến phòng thủ Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân, Bình Thuận. Mặc dù vừa liên tục tác chiến, vừa hành quân vượt quãng đường dài gần 1.000 km vào đến Đông Nam Bộ, nhưng với khí thế “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn 2 đã thể hiện sức mạnh vượt trội, càng đánh càng mạnh. Khi vào đến miền Đông Nam Bộ, chuẩn bị nhận nhiệm vụ trên hướng Đông Nam Chiến dịch, sức mạnh tác chiến của Quân đoàn không những không suy giảm mà còn được tăng cường cả binh lực, hỏa lực, các phương tiện cơ động và kinh nghiệm tác chiến trong hành tiến.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã có quyết tâm đúng, tổ chức chỉ huy quyết đoán, linh hoạt, chọn hướng chiến đấu, sử dụng lực lượng, tổ chức đội hình chiến đấu, triển khai các đánh, xác định thời gian nổ súng tiến công phù hợp. Nhờ đó, sức mạnh và khả năng tác chiến trong điều kiện gấp rút của Quân đoàn đã đáp ứng yêu cầu cao nhất của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, giành những thắng lợi rất quan trọng trên hướng trọng điểm; trở thành đơn vị đầu tiên đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt nội các chính quyền ngụy Sài Gòn và buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện.

Như vậy, với tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao, quyết định nhạy bén, chính xác của Bộ Tư lệnh Chiến dịch, Quân đoàn 2 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của quân và dân ta trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hai là, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả giữa các lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc

Tác chiến của bộ đội chủ lực trong thế trận chiến tranh nhân dân không tách rời khả năng và sự phối hợp giữa các lực lượng và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt, trong quá trình phối hợp chiến đấu, lực lượng đặc công có vai trò rất quan trọng, đánh chiếm và giữ được cầu Biên Hòa - Sài Gòn, cầu Rạch Chiếc, cầu sông Sài Gòn..., tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lực lượng đột kích, thọc sâu của Quân đoàn 2 phát triển chiến đấu nhanh chóng chiếm Dinh Độc Lập. Có thể nói, tinh thần chiến đấu quả cảm, đức hy sinh cao cả để làm chủ các cây cầu của lực lượng đặc công là một nét đặc sắc trong việc kết hợp giữa lực lượng tiến công hành tiến và lực lượng bảo đảm, chốt giữ trận địa, làm tăng thêm khả năng và tốc độ tiến công của khối chủ lực, nhất là binh đoàn thọc sâu binh chủng hợp thành.

Trong quá trình chiến đấu, Quân đoàn 2 luôn nhận được sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn Đồng Nai, trực tiếp là hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tỉnh, Đảng bộ và quân dân hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch với tinh thần tự lực tự cường, với tư tưởng kiên quyết tiến công đã phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, phối hợp và tiếp ứng đòn tiến công của Quân đoàn 2, cụ thể: với Sư đoàn 304 đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Trường Thiết giáp, Trường Bộ binh, Trường Cảnh sát quốc gia II, tổng kho Long Bình; với Sư đoàn 325 đánh chiếm thị trấn Long Thành, sở cao su Bình Sơn, chi khu Nhơn Trạch v.v… Bên cạnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương còn tích cực, chủ động làm công tác binh vận vô hiệu hóa của binh sĩ địch, giải phóng và làm chủ một vùng nông thôn liên hoàn, tạo hành lang giao thông quan trọng; đồng thời, huy động hàng trăm tàu thuyền cho bộ đội vượt sông, bảo đảm cơ sở vật chất hậu cần cần thiết, đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ và hướng tiến công Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Có thể khẳng định, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh nói chung, thắng lợi của Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam nói riêng, nhân dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ đã nổi dậy, tạo thế, tạo lực, bảo đảm hành lang tiến công của bộ đội chủ lực, làm tăng hiệu quả tác chiến. Biểu hiện cụ thể, sinh động nhất chính là lực lượng của gần một sư đoàn chủ lực Quân đoàn 2 đã được nhân dân cung cấp thuyền vượt qua sông rộng ngay dưới làn bom đạn ác liệt, hiểm nguy, kịp đưa lực lượng vào tác chiến thắng lợi trong nội đô Sài Gòn.

Ba là, thể hiện bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh được thể hiện và phát huy cao độ khi có sự phối hợp hết sức hiệu quả của các hướng tiến công trên toàn Mặt trận, của lực lượng vũ trang tại chỗ và sức mạnh nổi dậy của quần chúng. Trên hướng Đông Nam, nghệ thuật quân sự được tạo nên bởi một quân đoàn chủ lực thiện chiến, với lực lượng hùng hậu, làm chủ được vũ khí khí tài hiện đại, được lãnh đạo và chỉ huy chặt chẽ, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, vượt mọi khó khăn, thử thách, không quản ngại hy sinh để góp phần giành thắng lợi cuối cùng.

Nghệ thuật quân sự trên hướng Đông Nam phản ánh sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả cao. Điều đó được thể hiện ở việc chuyển hóa tư tưởng chỉ đạo tác chiến. Trong quá trình tiến công trong hành tiến từ Đà Nẵng vào Đông Nam Bộ, Quân đoàn xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến là “nhanh, mạnh, chắc” để đáp ứng phương châm chỉ đạo tác chiến chiến lược “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, trước yêu cầu nhiệm vụ, tình hình và khả năng đối phó của địch, Quân đoàn xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến là “mạnh, nhanh, chắc”. Lúc này, “mạnh” được đặt lên hàng đầu; phải tổ chức lực lượng mạnh mới chế áp và nhanh chóng giành thắng lợi trước lực lượng phòng thủ rất mạnh của địch, nhất là tại tuyến phòng thủ vòng ngoài bảo vệ Sài Gòn.

Thực hiện yêu cầu đó, so với cách tổ chức lực lượng thọc sâu trên các hướng khác, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 sử dụng lực lượng và tổ chức đội hình chiến thuật thọc sâu với lực lượng hỗn hợp mạnh, gồm: Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 làm nòng cốt; lực lượng bộ binh của Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 ngồi trên xe bọc thép và xe vận tải quân sự tiếp theo; lực lượng pháo binh gồm: pháo bắn thẳng, pháo tầm xa; lực lượng cao xạ, lực lượng công binh bảo đảm... Sở Chỉ huy tiền phương của Quân đoàn đi cùng trong đội hình đội đột kích thọc sâu để kịp chỉ huy trong quá trình phát triển tiến công. Đội hình thọc sâu được ta tổ chức thành 2 khối: Khối 1, gồm Tiểu đoàn tăng thiết giáp 2, đại đội cao xạ 37mm, 1 đại đội bộ binh có nhiệm vụ đi trước trinh sát, đánh địch mở đường; Khối 2, gồm Tiểu đoàn tăng 1, hai tiểu đoàn thiết giáp (4 và 5), 2 tiểu đoàn bộ binh và lực lượng pháo binh, cao xạ, công binh còn lại là lực lượng tiến công chủ yếu.

Quá trình thọc sâu, lực lượng này đã phát huy tối đa sức cơ động, hiệu quả của xung lực và hỏa lực khi kết hợp chặt chẽ xe tăng, pháo binh và bộ binh trong tiến công hành tiến. Tập trung lực lượng mạnh, sức càn lướt áp đảo, mũi thọc sâu hiểm yếu này đã quét sạch các đồn bốt, các lực lượng phòng ngự của địch trên đường tiến công, kết hợp hỏa lực pháo binh và xe tăng cùng bộ binh nhanh chóng đánh chiếm các cây cầu quan trọng, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Góp phần tạo ra hỏa lực áp đảo, kiềm chế, phát triển thế tiến công cho đội hình thọc sâu và các lực lượng, đơn vị trên toàn Mặt trận đánh vào trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn, giành thắng lợi nhanh chóng, triệt để không thể không đề cập tới lực lượng pháo binh. Trong thời điểm tổng công kích vào nội đô, pháo binh tầm xa 130mm từ trận địa Nhơn Trạch đã bắn phá, làm tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất. Bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất chẳng những làm giảm bớt khả năng chiến đấu của không quân địch, phá kế hoạch di tản bằng đường không của chúng, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị và tinh thần. Đòn tiến công mãnh liệt của pháo binh cùng các lực lượng phối hợp đã gây rối loạn các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, uy hiếp tinh thần, ý chí chiến đấu của binh lính, sĩ quan địch và tạo điều kiện cho các binh đoàn thọc sâu nâng cao tốc độ tiến công, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu đã xác định trong nội đô.

Sức mạnh, hiệu suất chiến đấu cao của Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch, đồng thời tạo nên nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự, thể hiện trong việc chỉ đạo, điều hành quyết đoán, linh hoạt, xác định tư tưởng chỉ đạo tác chiến phù hợp, tổ chức và sử dụng lực lượng chính xác, cùng với ý chí, quyết tâm chiến đấu cao độ của cán bộ, chiến sĩ đã làm nên chiến thắng vinh quang của Quân đoàn 2 trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Bốn là, thắng lợi của hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử to lớn, để lại nhiều bài học sâu sắc đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Thắng lợi của quân và dân ta ở hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh phản ánh kết quả của quá trình xây dựng và rèn luyện của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc kháng chiến; đó đồng thời là quá trình Quân đội thường xuyên xây dựng và rèn luyện cả ý thức chính trị và trình độ tác chiến quân sự; đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, đã phát triển thành phương châm tác chiến chiến lược “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Do đó, thắng lợi trên hướng Đông Nam còn là minh chứng sinh động cho việc thực hiện phương châm tác chiến chiến lược một cách sáng tạo, linh hoạt. Thực tiễn khẳng định, Quân đoàn 2 đã xây dựng thế trận chiến đấu chặt chẽ, phát huy cao độ khả năng tiến công trong hành tiến, với sức mạnh đột kích của binh đoàn thọc sâu binh chủng hợp thành, tích cực phối hợp với lực lượng tại chỗ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn áp đảo và đánh bại hoàn toàn sự kháng cự của địch, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Với sức mạnh tiến công như thế đã hạn chế tổn thất trong trận đánh cuối cùng và góp phần giữ cho thành phố Sài Gòn gần như nguyên vẹn khi kết thúc cuộc chiến tranh…

Vì thế, việc kế thừa và phát huy những giá trị thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh nói chung, thắng lợi trên hướng Đông Nam nói riêng thể hiện trên những nét đặc sắc, sáng tạo của nghệ thuật chỉ đạo và thực hành chiến dịch, chiến lược. Từ những kinh nghiệm quý báu có thể đúc rút thành những bài học, đó là: bài học về xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, phát huy thế trận lòng dân; bài học về huy động, phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng; bài học về phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo.v.v… Cho đến nay, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát huy có hiệu quả việc kết hợp tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố với thế trận tác chiến tập trung của các binh đoàn chủ lực để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Kính thưa các đồng chí!

Nhìn tổng thể, trong hội thảo “Hướng Đông Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, các tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm, luận cứ mới, tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn, cụ thể hơn giá trị, ý nghĩa lịch sử to lớn thắng lợi trên hướng Đông Nam Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi quan trọng này hòa chung thắng lợi của các hướng mũi tiến công khác tạo thành chiến công vĩ đại của cả dân tộc trong trận chiến đấu cuối cùng với kẻ thù, kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những nội dung mới được đề cập trong Hội thảo cùng những bài học rút ra từ chiến thắng này vẫn mãi là tài sản quý giá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Trân trọng cm ơn!

--------------------------------------------------------------------------

 (1) Xem: Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập VIII: Toàn thắng (Xuất bản lần thứ hai), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.406 - 407.

 

Tin xem nhiều