Báo Đồng Nai điện tử
En

Xu hướng báo chí đa nền tảng

07:07, 04/07/2022

Với sự phát triển, hỗ trợ của internet, mạng xã hội, độc giả có thể xem, đọc báo ở nhiều nơi, bằng nhiều định dạng (văn bản, hình ảnh, video, âm thanh…) trên nhiều nền tảng khác nhau như: báo điện tử, ứng dụng (app) đọc báo, mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube…

Với sự phát triển, hỗ trợ của internet, mạng xã hội, độc giả có thể xem, đọc báo ở nhiều nơi, bằng nhiều định dạng (văn bản, hình ảnh, video, âm thanh…) trên nhiều nền tảng khác nhau như: báo điện tử, ứng dụng (app) đọc báo, mạng xã hội Facebook, TikTok, YouTube…

Công tác chuẩn bị trước khi phát sóng trực tiếp một buổi tọa đàm trên Facebook của Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Định Quán. Ảnh: Hải Quân
Công tác chuẩn bị trước khi phát sóng trực tiếp một buổi tọa đàm trên Facebook của Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Định Quán. Ảnh: Hải Quân

Điều này vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các cơ quan báo chí phát triển các nội dung trên nền tảng số nói chung và mạng xã hội nói riêng.

* Mở ra nhiều cơ hội tiếp cận độc giả

Theo nhiều chuyên gia, nhà báo, những nội dung được báo chí truyền tải trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok… sẽ là xu thế tất yếu của các đơn vị báo chí trong tình hình mới. Bởi đây là xu hướng vừa làm đa dạng hóa hình thức thông tin, vừa tăng lượng công chúng và đảm bảo có nguồn thu quảng cáo từ các nền tảng này.

Nhà báo ĐỖ VĂN THIỆN, Trưởng ban Truyền hình - đa nền tảng Báo Pháp Luật TP.HCM chia sẻ, để chủ động với xu hướng báo chí đa nền tảng, các tờ báo, cơ quan báo chí ở địa phương như Báo Đồng Nai cần xác định báo chí đa nền tảng không thể tách rời kế hoạch chuyển đổi số của một tờ báo, bao gồm khâu quản trị nội bộ, quy trình sản xuất thông tin. Đồng thời, cần có một đội ngũ chuyên trách, mô hình tổ chức nhân sự phù hợp để phát triển đa nền tảng, nhất là xây dựng các tổ có kiến thức về từng nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube… mang đến những chiến lược sản xuất tin tức hiệu quả.

Về vấn đề này, theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), báo trung ương hay báo địa phương đều cần phát triển theo hướng đa nền tảng, đa phương tiện, bởi độc giả ở đâu thì báo chí ở đó. Khi độc giả chuyển lên các nền tảng số, đương nhiên báo chí cũng phải có mặt ở đó để kịp thời lan tỏa thông tin của mình đến với bạn đọc. Trong đó có phát triển nội dung video trên nền tảng số, nhất là trên mạng xã hội.

Video trên mạng xã hội cho phép người xem tương tác, có thể bày tỏ thái độ (like hay dislike), tham gia bình luận hoặc chia sẻ. Lấy ví dụ như nhiều người có thể vì không thích nghe bình luận bóng đá trên truyền hình mà chuyển sang xem trực tiếp trên YouTube. Và tại đó, một bình luận theo dạng “comment” của họ có thể thu hút đến cả ngàn lượt like.

Tương tự, nhà báo Đỗ Văn Thiện, Trưởng ban Truyền hình - đa nền tảng Báo Pháp Luật TP.HCM chia sẻ, mạng xã hội làm thay đổi đáng kể cách tổ chức sản xuất, đăng tải thông tin của rất nhiều cơ quan báo chí và báo chí đa nền tảng là xu thế tất yếu của quá trình phát triển. Báo chí đa nền tảng mang lại nhiều lợi ích, bao gồm có không gian rộng để thu hút nhiều bạn đọc, tăng nguồn thu, mở rộng các nền tảng nhằm cung cấp tin tức, thông tin đến bạn đọc, nhất là các nền tảng có tính tương tác cao như mạng xã hội…

* Xu hướng khó đảo ngược

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương, trong đó có các cơ quan truyền thông đại chúng ở Đồng Nai đã và đang nỗ lực tiếp cận, triển khai cách làm báo đa phương tiện, đa nền tảng trong tình hình mới.

Hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng 6-2022. Ảnh: Hải Quân
Hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng 6-2022. Ảnh: Hải Quân

Là một trong những cơ quan báo chí có số lượt theo dõi nhiều nhất trên các kênh mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay, Báo Thanh Niên thực hiện đa nền tảng với mục tiêu phối hợp sản phẩm thông tin trên nhiều ấn phẩm, chuyên trang, ứng dụng di động và mạng xã hội khác nhau với nội dung chuyên biệt. Trong đó những nền tảng chính là website, ứng dụng di động và mạng xã hội.

Tại hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội do Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, nhà báo Đặng Sinh, biên tập viên của Báo Thanh Niên chia sẻ, mô hình đa nền tảng của Báo Thanh Niên dựa trên tiêu chí tạo ra mạng lưới trang, kênh có nội dung chuyên biệt (đa kênh trên đa nền tảng) nhằm tạo ra những cộng đồng có cùng một mối quan tâm. Điều này còn hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động quảng cáo, kinh doanh.

Hiện nay, ngoài báo in, báo điện tử, ứng dụng di động, Báo Thanh Niên đã xây dựng và vận hành hệ thống hơn 10 trang, kênh trên mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Lotus với gần 14 triệu lượt theo dõi. Fanpage Facebook của Báo Thanh Niên cũng trở thành công cụ phối hợp sản phẩm báo chí cho Thanh Niên Online và tính đến tháng 6-2022 đã đạt 2,15 triệu người theo dõi.

“Để thích ứng với các nền tảng mới, Báo Thanh Niên đã tái sắp xếp nhân sự chuyên trách, xây dựng ê-kíp sản xuất tinh gọn, tiết kiệm kinh phí hoạt động để đăng tải, sản xuất nội dung, thông tin phù hợp cho từng nền tảng. Nhờ những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ livestream trên mạng xã hội Báo Thanh Niên có thể thực hiện các loại sản phẩm phi truyền thống mà trước nay chỉ có đài truyền hình mới làm được” - nhà báo Đặng Sinh cho biết thêm.

Không đứng ngoài xu thế đa phương tiện trong dòng chảy số, các cơ quan báo chí tại Đồng Nai đã có nhiều thay đổi bằng cách tích cực thực hiện chủ trương số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thu hút độc giả…

Trong thời gian qua, Báo Đồng Nai tăng cường thực hiện nhiều video, clip, phóng sự trên truyền hình online với nội dung khá đa dạng, bám sát hơi thở cuộc sống, các chủ điểm thời sự trong tỉnh. Báo cũng lập fanpage để tăng sự tương tác với bạn đọc, tính đến nay đã có hơn 100 ngàn người theo dõi...  Đặc biệt, thời gian gần đây, Báo Đồng Nai đã bắt đầu thử nghiệm các hình thức trình bày mới, hiện đại như: đồ họa, infographic... để trình bày thông tin, dữ liệu một cách rõ ràng, hướng tới thu hút độc giả trên các nền tảng như báo điện tử, ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội…

Tương tự, đài PT-TH Đồng Nai, các trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao ở các huyện, thành phố trong tỉnh cũng ngày càng quan tâm phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng số, trong đó có mạng xã hội.

Ông Lê Minh Vân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Định Quán chia sẻ, bên cạnh các nội dung tuyên truyền trên các nền tảng truyền thống, trung tâm còn triển khai việc đưa những video thông tin, tuyên truyền trên fanpage Facebook của trung tâm. Ngoài ra, đối với nhiều hoạt động lớn như chương trình Tiếp bước ước mơ, các sự kiện văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện, trung tâm còn thực hiện các chương trình livestream trên fanpage nói trên để tăng sự tương tác, thu hút độc giả… Các chương trình này đều được chuẩn bị kỹ về nội dung, kịch bản, thông tin tuyên truyền, bố trí nhân sự phù hợp để đảm bảo hoạt động tuyên truyền hiệu quả, nhanh chóng…

Theo các chuyên gia, mạng xã hội là môi trường truyền thông mở và có tính kết nối rất cao. Tuy nhiên, việc phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ như vấn đề quản lý các bình luận, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tuân thủ những nguyên tắc cộng đồng của nhà cung cấp nền tảng...

Chia sẻ tại hội thảo khoa học Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội, TS HUỲNH VĂN THÔNG, Trưởng bộ môn Truyền thông, Khoa Báo chí - truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nêu vấn đề chất lượng tin tức liệu sẽ đối mặt với những nguy cơ gì khi truyền thông trên mạng xã hội luôn thúc bách nhà báo phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất có thể. Do vậy, các nhà báo phải thường xuyên chịu áp lực bắt kịp tốc độ phát tán tin tức trên mạng xã hội, phải đối mặt với vài ba mốc thời hạn trong mỗi ngày làm việc, phải theo đuổi để cập nhật diễn biến của bản tin suốt cả 24 giờ. Đây là mối lo ngại lớn về nguy cơ giảm chất lượng của tin tức báo chí.

Hải Quân

Tin xem nhiều