Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến chất lượng sống của người dân

09:10, 27/10/2019

Xây dựng thành phố thông minh được coi là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới, đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi công nghệ đang ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Xây dựng thành phố thông minh được coi là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới, đặc biệt trong thời đại ngày nay, khi công nghệ đang ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống.

Cùng với nhiều địa phương khác, Đồng Nai đang tập trung triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, khởi đầu bằng những lĩnh vực mà người dân quan tâm nhất: y tế, giáo dục, giao thông… Có khá nhiều khái niệm về thành phố thông minh, tùy thời điểm, mức độ đầu tư công nghệ, tính kết nối của đô thị đó. Tuy nhiên, với những gì Đồng Nai nói riêng và nhiều đô thị tại Việt Nam đang thực hiện thì xây dựng thành phố thông minh thực chất là ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng đô thị, trong đó chú trọng về quản lý, sử dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và sử dụng tài nguyên bền vững.

Với sự gia tăng nhanh chóng về dân số tại các đô thị, xây dựng một mạng lưới kết nối, chia sẻ, phục vụ cho đời sống người dân đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết. Trên thực tế, nhiều lĩnh vực tại Đồng Nai cũng đã bước đầu ứng dụng công nghệ vào quản lý, vận hành để giảm bớt thời gian, nâng cao chất lượng trong quản lý, điều hành của chính quyền lẫn phục vụ đời sống người dân. Chẳng hạn, người dân, doanh nghiệp lâu nay đã có thể tra cứu một số thông tin lĩnh vực đất đai, quy hoạch, kê khai hồ sơ điện tử, đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng... Với lĩnh vực môi trường, các trạm quan trắc hiện đại đặt khắp nơi cũng đã liên tục truyền dữ liệu về chất lượng nước, không khí đến cho cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực trên vẫn cần một mạng lưới kết nối chung, đồng bộ với công nghệ được cập nhật nhanh chóng, kịp thời hơn.

Mục tiêu của việc xây dựng thành phố thông minh, nói cho cùng vẫn hướng đến việc lấy con người làm trung tâm, ứng dụng các công nghệ mới vào trong các lĩnh vực giúp nâng cao chất lượng sống của người dân ở các khu đô thị. Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nắm bắt, điều hành, xử lý những vấn đề phát sinh kịp thời, giảm thiệt hại.

Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai đề án đô thị thông minh vẫn là vấn đề nguồn vốn. Ngân sách có hạn và hằng năm luôn phải “chia năm, xẻ bảy” cho rất nhiều lĩnh vực bức thiết khác của đời sống. Tuy nhiên, vẫn phải tính toán, cân đối, huy động từ nhiều nguồn để triển khai đề án sớm vì nếu không phải là bây giờ, thì sẽ là muộn nếu kéo dài thêm thời gian, trong khi thế giới và công nghệ đang thay đổi từng ngày. Nhu cầu và chất lượng sống của người dân đô thị cũng thay đổi theo, đòi hỏi sự quản lý, vận hành mới mẻ, hiệu quả hơn thông qua ứng dụng và kết nối công nghệ.

Vi Lâm

Tin xem nhiều