Báo Đồng Nai điện tử
En

Tính toán cho tương lai

08:11, 10/11/2019

Mảng dự án hạ tầng giao thông tại Đồng Nai mấy năm qua ghi nhận khá nhiều đột phá trong quy hoạch, đầu tư, thực hiện các dự án có tính nền tảng, kết nối cao. Nổi bật nhất vẫn là "siêu dự án" Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ thi công cam kết.

Mảng dự án hạ tầng giao thông tại Đồng Nai mấy năm qua ghi nhận khá nhiều đột phá trong quy hoạch, đầu tư, thực hiện các dự án có tính nền tảng, kết nối cao. Nổi bật nhất vẫn là “siêu dự án” Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ thi công cam kết. Bên cạnh đó là các dự án lớn khác như đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 4...

Ngược lại, việc thực hiện các dự án cảng tại Đồng Nai thời gian qua lại chậm chạp, manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường thủy của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy trong 7 năm qua đã tăng đến 200 lần, chứng tỏ tiềm năng đang rất lớn và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Nếu trong năm 2010, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy chỉ ở mức hơn 9 ngàn tấn thì năm 2017 đã đạt mức hơn 1,4 triệu tấn.

Nắm bắt được tiềm năng lớn đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 44 cảng trên các hệ thống sông lớn, trong đó có nhiều cảng đã được cấp chủ trương đầu tư. Song, phần lớn các cảng đều rất chậm chạp trong khâu triển khai, thậm chí có cảng đã được cấp chủ trương đầu tư và giải phóng mặt bằng xong từ gần 20 năm trước, song đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Ngoài ra, nhiều cảng cũng chậm 5-7 năm, thậm chí 10 năm so với cam kết ban đầu. Sự chậm chạp này khiến cho Đồng Nai dù ở vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng lại xếp sau nhiều địa phương khác về vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy. Thực trạng này nếu không nhanh chóng cải thiện thì sẽ trở thành một lực cản đáng kể trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế trong những năm sắp tới. Chưa kể, trong khi sân bay và hệ thống đường cao tốc phát triển mạnh mẽ mà hệ thống cảng không phát triển đồng bộ theo thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế tỉnh Đồng Nai nói riêng và tính liên kết trong phát triển logistics cấp vùng nói chung.

Một vấn đề cần đặt ra và nhìn nhận rõ là hàng loạt doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư hệ thống cảng nhưng bỏ ngỏ dự án nhiều năm không thực hiện là điều cần xem xét lại một cách nghiêm túc. Doanh nghiệp nào không đủ năng lực thực hiện thì cần thu hồi lại dự án, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc chỉ “ghi danh” chờ thời, giao lại dự án cho những doanh nghiệp, đơn vị đủ năng lực và có tâm huyết đầu tư. Ngoài ra, những dự án cảng có quy mô quá nhỏ, quá manh mún và thiếu khả thi cũng nên được rà soát và xem xét lại, tập trung nguồn lực cho những dự án có tính “đòn bẩy”, có khả năng thực hiện nhanh và hiệu quả đầu tư cao hơn. Có như thế, những năm tới, hệ thống cảng Đồng Nai mới từng bước được hoàn thiện và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai và của toàn vùng.

Vi Lâm

Tin xem nhiều