Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể

09:10, 20/10/2019

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn cùng các ngành liên quan và thiện chí của chủ doanh nghiệp, mối quan hệ lao động tại DN tương đối ổn định. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự hài hòa.

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp Công đoàn cùng các ngành liên quan và thiện chí của chủ doanh nghiệp (DN), mối quan hệ lao động tại DN tương đối ổn định. Tuy nhiên, có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự hài hòa.

Người lao động Công ty cổ phần Johnson Wood (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Thảo
Người lao động Công ty cổ phần Johnson Wood (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Thảo

Dịp cuối năm là thời điểm dễ xảy ra tranh chấp lao động tập thể, do liên quan đến vấn đề nâng lương, giải quyết chế độ phép năm, thưởng Tết… của người lao động (NLĐ). Vì vậy, để ổn định quan hệ lao động và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động tập thể, cần thiết phải có sự chủ động phòng ngừa.

* Vẫn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp lao động tập thể

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, tính đến ngày 13-9-2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ tranh chấp lao động tập thể tại 23 DN với 9.191/14.396 công nhân lao động tham gia. Trong đó, địa bàn huyện Nhơn Trạch có 11 vụ, TP.Biên Hòa 6 vụ, huyện Long Thành 3 vụ, huyện Trảng Bom 2 vụ và huyện Vĩnh Cửu 1 vụ.

Đa số vụ tranh chấp lao động xảy ra trong 1-2 ngày, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, tiền thưởng Tết Nguyên đán, nâng lương định kỳ hằng năm, cải thiện chất lượng bữa ăn ca…

Khi xảy ra các vụ việc, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định quan hệ lao động tại các DN, từ đó sớm ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của DN và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tranh chấp lao động cũng đã để lại ít nhiều ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa chủ DN và NLĐ.

Theo Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hồ Thanh Hồng, mối quan hệ lao động tại DN chỉ được đảm bảo hài hòa khi ở đó lợi ích của cả hai bên NLĐ, người sử dụng lao động được quan tâm thực hiện một cách tương xứng, thông hiểu nhau và có thiện chí đồng lòng vì sự phát triển của DN. Chính vì vậy, cùng với việc chăm lo, cải thiện đời sống cho NLĐ thì việc thực hiện nghiêm chỉnh quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc được xem là giải pháp mấu chốt trong xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể.

Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ các DN đã thành lập Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại tại nơi làm việc theo quy định còn rất thấp. Tính đến hết 9 tháng của năm 2019, chỉ có 291/1.356 DN có Công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị NLĐ theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ (đạt 21,5%) và chỉ có 426/1.356 DN xây dựng mới, sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ theo nghị định này (đạt 31,4%). Đây là một trong những hạn chế làm ảnh hưởng đến mối quan hệ lao động tại DN, bởi có đối thoại giữa đại diện DN và NLĐ một cách thường xuyên thì mới tạo được sự thông hiểu, chia sẻ lẫn nhau giữa hai bên trên tinh thần vì sự phát triển chung.

Trong 9 tháng của năm 2019, toàn tỉnh có 184 DN ký bản thỏa ước lao động tập thể, nâng tổng số DN ký kết bản thỏa ước lao động tập thể lên con số 1.123, đạt 75,7% (cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 0,4%). Trong đó, có nhiều đơn vị nỗ lực trong việc đẩy mạnh ký kết và nâng cao chất lượng các bản  thỏa ước lao động tập thể như Công đoàn khu công nghiệp Biên Hòa, tỷ lệ DN ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt tỷ lệ 82,12%; Liên đoàn Lao động huyện Nhơn Trạch, tỷ lệ DN ký kết thỏa ước lao động tập thể đạt 90,66%...

Tuy nhiên, theo Trưởng ban Chính sách - pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh Kiều Minh Sinh, hiện nay vẫn còn tình trạng thỏa ước lao động tập thể đã hết hạn chưa bổ sung, tái ký, nhiều bản thỏa ước lao động tập thể còn sao chép luật, chưa thực sự vì lợi ích của NLĐ… Từ đó, tác động xấu đến tình hình quan hệ lao động tại các DN.

* Chủ động xây dựng quan hệ lao động hài hòa

Từ thực tế trên, để ổn định quan hệ lao động và hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động tập thể vào dịp cuối năm, cần thiết phải có sự nỗ lực chủ động phòng ngừa từ nhiều phía.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước,TP. Biên Hòa) trao đổi để công nhân lao động thông hiểu về chế độ chính sách tại công ty.
Chị Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien (Khu công nghiệp Tam Phước,TP. Biên Hòa) trao đổi để công nhân lao động thông hiểu về chế độ chính sách tại công ty. Ảnh: H.Lộc

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Long Thành Đào Thị Kim Loan cho biết, trong những tháng cuối năm, các cấp Công đoàn huyện xác định sẽ tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc. Chủ động theo dõi tình hình thực hiện chế độ chính sách của các doanh nghiệp như: chính sách lương, thưởng, phép năm, nghỉ Tết, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng của công nhân lao động, đặc biệt là các chế độ chính sách cuối năm nhằm hạn chế thấp nhất đơn thư khiếu nại, dẫn đến tranh chấp lao động tập thể…

Chị Nguyễn Thị Thanh Tin, Chủ tịch Công đoàn cơ sở kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH sản xuất đồ mộc Chien Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Phước, TP.Biên Hòa) cho biết, để ổn định quan hệ lao động cuối năm tại DN, Công đoàn và công ty sẽ tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống NLĐ, thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho NLĐ. 

Phòng Chính sách lao động, Sở Lao động thương binh - xã hội cho biết, trong quý IV-2019, phòng sẽ tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội cho cán bộ làm công tác việc làm, quan hệ lao động, hòa giải viên và cán bộ nhân sự, lao động tiền lương các DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh; 1 hội thảo trao đổi những vướng mắc trong thực hiện pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội; 5 hội nghị triển khai thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 và các văn bản pháp luật trong các loại hình DN trên địa bàn tỉnh…

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội tại 16 DN. Phối hợp với Phòng Lao động - thương binh và xã hội các huyện và thành phố cùng Công đoàn các cấp nắm tình hình quan hệ lao động tại các DN, đặc biệt là các DN từng xảy ra tranh chấp lao động, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ các DN, hạn chế xảy ra tranh chấp lao động tập thể vào dịp cuối năm.

Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Nông Văn Dũng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, các cấp Công đoàn trong tỉnh sẽ tăng cường nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị của NLĐ, nhất là NLĐ khối DN ngoài nhà nước. Phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường thực hiện Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc. Đẩy mạnh giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với NLĐ tại DN; tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể; chăm lo Tết chu đáo cho NLĐ… coi đây là những giải pháp hữu hiệu để tạo dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tranh chấp lao động tập thể.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều