
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) cũng bị ảnh hưởng.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát với diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai phải tạm ngừng hoạt động dẫn đến việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) cũng bị ảnh hưởng.
![]() |
Ông Nguyễn Hải Hà (bìa trái), Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Veca Việt Nam (H.Trảng Bom) trao đổi về các hoạt động chăm lo người lao động với cán bộ Công đoàn. Ảnh: N.Hòa |
Nhiều DN đang nỗ lực chi trả lương cũng như đảm bảo các chế độ, chính sách để giữ chân và đảm bảo cuộc sống của NLĐ.
* Quan tâm đời sống NLĐ
Là DN tập trung đông lao động trên địa bàn H.Trảng Bom với 25 ngàn người, Công ty TNHH Pousung Việt Nam đã nỗ lực chi trả lương cho NLĐ trong thời gian tạm ngừng việc để phòng, chống dịch. Chính sách kịp thời này đã giúp NLĐ yên tâm hơn khi có chi phí để trang trải cuộc sống trong thời gian ở nhà.
Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, căn cứ Công văn 8423/UBND-KGVX của UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Ban chấp hành Công đoàn và Ban giám đốc công ty đã họp, thảo luận, thống nhất tạm ngừng hoạt động sản xuất và cho hơn 25 ngàn lao động tạm nghỉ từ ngày 22-7 đến nay. Tiền lương những ngày NLĐ phải ngừng việc được trả theo Khoản 3, Điều 99 Bộ luật Lao động với mức tối thiểu vùng 170 ngàn đồng/người/ngày.
Ông Nguyễn Hải Hà, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Great Veca Việt Nam (H.Trảng Bom) cho biết, công ty hiện có 2.200 lao động, trong đó có khoảng 500 lao động đang ở tại ký túc xá công ty. Để công nhân trở lại làm việc và gắn bó với công ty sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, công ty đặc biệt quan tâm đến các chế độ về lương cho NLĐ đang ở trong và ngoài công ty. Ngoài ra, vận động mọi nguồn lực, nhu yếu phẩm để chăm lo cho số lượng NLĐ đang ở tại ký túc xá để chia sẻ, cùng DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh. |
Ngoài ra, để giúp NLĐ trang trải một phần sinh hoạt phí trong thời gian ngừng việc, Công đoàn đã làm việc cụ thể với phía ngân hàng về việc giảm thu, chậm thu tiền gốc đối với các khoản hỗ trợ NLĐ vay vốn cải thiện cuộc sống trước đó. Theo đó, Tổ chức Tài chính vi mô CEP sẽ chậm thu 50% tất cả các khoản vay trong tháng 8 và 9. Khoản thu còn lại sẽ được tính toán thu bổ sung hợp lý sau khi người vay có thu nhập ổn định. Đối với Ngân hàng HDBank sẽ chậm thu toàn bộ tiền gốc trong tháng 8 và 9, chỉ thu tiền lãi trên dư nợ còn lại. Sau khi nhà máy hoạt động trở lại, Công đoàn sẽ phối hợp với ngân hàng lên phương án cho vay mới để hỗ trợ NLĐ có thể thanh toán các khoản nợ cũ đã bị chậm thu, cho vay bổ sung để hỗ trợ trang trải cuộc sống.
Tương tự, tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa), DN có khoảng 37 ngàn lao động cũng đã tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh. NLĐ nghỉ việc, bao gồm cả những người trong vùng cách ly y tế sẽ được nhận lương bằng mức lương tối thiểu vùng 170 ngàn đồng/người/ngày. Các khoản trợ cấp đi lại, nhà ở, sinh hoạt, chuyên cần sẽ được hưởng đầy đủ. Tùy theo nhu cầu công việc, trưởng bộ phận sẽ xếp một số NLĐ tự nguyện đến công ty làm việc và chi trả mức lương 150% lương cơ bản và hưởng đầy đủ các loại phụ cấp. Ngoài ra, công ty hỗ trợ thêm 50 ngàn đồng/ngày/người. Với những trường hợp tự thuê nhà, công ty hỗ trợ chi phí 1 triệu đồng/người.
Công nhân Lê Thị Hà, làm việc tại Công ty CP Taekwang Vina Industrial cho biết: “Chúng tôi thấy mình còn may mắn vì nghỉ việc vẫn có lương để có chi phí lo cho những ngày không làm việc. Hiện nhiều lao động khác đang vất vả vì nghỉ việc không lương hoặc bị mất việc làm. Tôi mong dịch bệnh sớm qua nhanh để trở lại với công việc, gắn bó với DN”.
Ngoài những DN trên, nhiều DN tập trung đông lao động như: Công ty Dona Standard (H.Xuân Lộc), Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (TP.Biên Hòa), Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu)… cũng tạm ngừng hoạt động để phòng dịch, nhưng vẫn nỗ lực trả tiền lương ngừng việc theo mức tối thiểu vùng cho NLĐ. Ngoài cân đối tài chính để trả lương tối thiểu vùng cho NLĐ trong thời gian nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động, một số DN thông báo từ ngày 10-8 trở đi, tiền lương sẽ được thương lượng và thông báo đến NLĐ.
Đại diện Công ty Dona Standard cho hay, trong thời gian NLĐ tạm ngừng việc, Ban giám đốc công ty đã nhắc NLĐ cùng công ty vượt qua khó khăn, không tụ tập đông người và thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, giữ gìn sức khỏe để có thể quay trở lại công việc, đảm bảo thu nhập trong thời gian sớm nhất. Sau ngày 16-8, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công ty sẽ tiếp tục có thông báo mới đến NLĐ.
* Hỗ trợ kịp thời
Trong những ngày qua, Công ty Dona Pacific (H.Trảng Bom) đã phối hợp với Công đoàn cơ sở công ty đến từng khu vực bị cách ly y tế, phong tỏa hỗ trợ nhu yếu phẩm cho NLĐ làm việc tại công ty.
Chủ tịch Công đoàn công ty Đặng Thị Thơm cho biết, quan tâm cuộc sống NLĐ đang ở trọ trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế tại 2 xã Bắc Sơn và Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), nhất là việc NLĐ đang thiếu thốn lương thực, thực phẩm nên Công đoàn và đại diện DN sắp xếp thời gian đến từng khu nhà trọ tiếp sức cho công nhân.
Cũng theo bà Đặng Thị Thơm, hiện NLĐ tại công ty đang tạm nghỉ việc để phòng, chống dịch bệnh, DN thống nhất trả lương cho NLĐ 170 ngàn đồng/người/ngày. “Nhiều năm nay, NLĐ luôn gắn bó, tạo ra những sản phẩm chất lượng, giúp DN phát triển. Nên dù lúc này DN đang khó khăn vì phải ngừng hoạt động để phòng dịch nhưng vẫn hỗ trợ NLĐ hết mức có thể để họ đảm bảo cuộc sống, cùng vượt qua đại dịch Covid-19” - bà Thơm chia sẻ.
Theo Sở LĐ-TBXH, tính đến nay đã có 586 cơ sở, DN bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh và trên 316 ngàn lao động bị ngừng việc. Nhìn chung, các DN đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm giữ chân NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn như: thỏa thuận bố trí ngày nghỉ hằng năm, trả lương ngừng việc theo mức lương tối thiểu vùng; thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng với NLĐ… Các DN khi xây dựng phương án chi trả chế độ cho lao động đều tham khảo ý kiến của Sở LĐ-TBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai và Liên đoàn Lao động tỉnh. Theo đó, các đơn vị liên quan đã hướng dẫn phương án tối ưu nhất để hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Ở một số DN thực hiện lưu trú cho NLĐ tại DN, ngoài trả lương theo hợp đồng lao động còn quan tâm hỗ trợ NLĐ một khoản chi phí ngoài lương từ 100-200 ngàn đồng/người/ngày để khuyến khích tinh thần làm việc của NLĐ như: Công ty TNHH Posco VST (H.Nhơn Trạch) hỗ trợ NLĐ 200 ngàn đồng/người/ngày, Công ty TNHH JinYang Electronics (H.Trảng Bom) hỗ trợ 150 ngàn đồng/người/ngày, Công ty TNHH MTV Concord Textile Corporation Việt Nam (H.Nhơn Trạch) hỗ trợ 100 ngàn đồng/người/ngày… Nhìn chung, các DN đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để duy trì sản xuất, thực hiện mục tiêu kép theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho hay, đồng hành với DN chăm lo cho NLĐ, nhiều Công đoàn cơ sở đã phát huy tốt vai trò trong việc kiên trì thương lượng các chính sách đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Nhờ đó, NLĐ ở nhiều DN vẫn được hưởng các phúc lợi để vượt qua khó khăn do đại dịch. Một số Công đoàn cơ sở có nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo được sự tin tưởng, đồng hành và hỗ trợ của DN trong việc chăm lo cho NLĐ. Từ đó, góp phần chia sẻ, động viên NLĐ thực hiện tốt các quy định phòng dịch, ổn định cuộc sống để sớm trở lại với công việc.
Nguyễn Hòa