Báo Đồng Nai điện tử
En

Đầy đặn thêm gia tài thơ

09:01, 17/01/2020

Đàm Chu Văn từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc với độc giả yêu thơ của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. 9 tập thơ (in riêng và in chung) ra đời đã định hình phong cách thơ Đàm Chu Văn. Xao thu (tác giả Đàm Chu Văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019), tập thơ thứ mười tròn trịa vừa được ấn hành, làm đầy đặn thêm gia tài thơ của ông và để lại dấu ấn riêng với nhiều nét mới.

Đàm Chu Văn từ lâu đã trở thành cái tên quen thuộc với độc giả yêu thơ của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. 9 tập thơ (in riêng và in chung) ra đời đã định hình phong cách thơ Đàm Chu Văn. Xao thu (tác giả Đàm Chu Văn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019), tập thơ thứ mười tròn trịa vừa được ấn hành, làm đầy đặn thêm gia tài thơ của ông và để lại dấu ấn riêng với nhiều nét mới.

Nhân dịp tập thơ ra mắt, nhà thơ Đàm Chu Văn đã có cuộc trò chuyện với phóng viên về tập thơ, quan điểm sáng tác của ông cũng như những dự định trong thời gian tới. 

 Xin chúc mừng nhà thơ với thi phẩm mới nhất Xao thu. Đọc tập thơ, bạn đọc nhận thấy vẫn là các đề tài quen thuộc từng xuất hiện trong các sáng tác trước như: người lính, lịch sử, thiên nhiên và tình yêu nhưng ở Xao thu cảm hứng thế sự, nỗi trăn trở và độ lắng của suy tư bao trùm và đậm đặc hơn. Liệu đây có phải là nét mới của Xao thu không, thưa ông?

- Vâng! Có lẽ cùng với thời gian và sự từng trải, mỗi ngày tôi cứ mải mê ngẫm nghĩ và nghiệm ra một điều gì đó. Nhiều ẩn khuất, cả tin bỗng nhiên bừng tỏ. Có thể sẽ không khôn ngoan hơn nhưng chắc chắn là chín chắn nhiều hơn. Nhiều khoảng rộng hơn cho những phán xét và nhiều sâu đằm hơn cho những hiểu biết. Như người thợ khai quặng, mỗi ngày tiếp tục tiếp cận hơn vào bề sâu của cuộc sống. Mỗi ngày, qua hiểu biết tích tụ, tôi cũng nhìn thấy, hiểu ra nhiều điều hơn sau những lóng lánh, ầm ào. Tuy nhiên, một góc nào đó trong tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn độ trong trẻo, tơ non trước thiên nhiên, con trẻ. Không còn sự trong trẻo này thì cũng chẳng còn thơ nữa. Đó là niềm tin trước cái Đẹp.

 Chúng ta đều biết, hiện thực là nguồn sống của thơ văn; đối với người nghệ sĩ, phải đi rồi hãy viết. Ở tập thơ mới này, số lượng bài lấy cảm hứng từ các chuyến đi xuất hiện khá nhiều: Thăm lại Điện Biên, Gặp ở Bảo tàng Chiến tranh vệ quốc vĩ đại Nga, Tản mạn trong chuyến thăm Trung Hoa... Ông có thể chia sẻ gì về những sáng tác này?

- Không nghệ sĩ nào có sáng tác thành công mà lại thiếu sự hiểu biết về hiện thực cuộc sống. Có nhiều cách tiếp cận nhưng muốn tiếp nạp nhiều năng lượng hiện thực không thể thiếu những chuyến đi. Đi để thâu nhận và còn là sự đổi mới bầu không khí, tạo những va đập cần thiết để huy động những năng lượng, năng lực trí tuệ tâm hồn tiềm ẩn cháy thành cảm xúc. Nhiều năm gần đây do điều kiện thuận lợi, tôi được đi nhiều hơn, được đến nhiều nơi trong nước, trong đó có những địa danh lịch sử, văn hóa đáng tự hào, ngưỡng mộ. Tôi cũng đã được trở lại Campuchia - chiến trường xưa thấm máu đồng đội và một khoảng đời mình. Đến nước Nga vĩ đại, hiện đại và cổ kính, người bạn lớn của cách mạng Việt Nam, có nền văn học đồ sộ mà bản thân tôi đã tiếp cận, say mê từ thuở thiếu thời. Và một số nước khác. Tôi đã viết được một số tác phẩm, có những tác phẩm viết sau chuyến đi, có những tác phẩm đã nung nấu từ nhiều năm trước và chuyến đi là điều kiện đủ để hoàn thành. Chắc chắn sẽ có thêm những tác phẩm mới từ những chuyến đi này.

 Thơ lục bát được coi là “đặc sản” của thơ Đàm Chu Văn nhưng ở Xao thu, các bài lục bát lại rất ít, thể thơ tự do chiếm đa số. Phải chăng ông muốn thể nghiệm nhiều hơn ở thể thơ này?

- Tôi không xác định mình phải “đóng neo” ở một thể loại thơ nào. Khi cảm xúc đến, những câu thơ đáp xuống đầu tiên với đôi cánh nào, sự rung ngân nào thì sẽ chao lượn trong thể loại ấy mà thôi. Tôi thường “đi” rất chậm, có thể cả một khối lượng cảm xúc, câu chữ ập đến nhưng “nó” xuống từ từ từng chữ, từng từ một. Thật vừa ý tôi mới viết, mới lưu lại. Tôi cũng rất thích thể thơ lục bát. Đó là điệu hồn dân tộc thể hiện bằng thơ ca. Sự mòn cũ không phải do thể thơ mà là do tâm hồn người nghệ sĩ đã khô chai, do sự lười biếng, thiếu dụng công trong sáng tạo nghệ thuật. Thơ lục bát khi đã hay thì sự lan truyền, phổ biến sẽ sâu rộng hơn bởi dễ nhớ, dễ thuộc như những câu thơ Kiều, câu ca dao truyền đời còn lại mãi.

 

Trong số 57 bài thơ, Học nhà thơ lớn Chế Lan Viên, ngẫm về thơ là bài thơ trực tiếp thể hiện quan điểm về thơ của ông. Tài năng chắp cánh áng thơ bay, Làm thơ Đường luật ư? Hãy học Luật đi đường. Vậy theo ông, tài năng, thái độ, ý thức trước cuộc đời của người nghệ sĩ chính là yếu tố quyết định sự thành công của thơ?

- Xin nói lại một điều đã cũ, hết sức cũ nhưng theo tôi cũng hết sức đúng. Đó là, tài năng là yếu tố đầu tiên, yếu tố quyết định để người nghệ sĩ sáng tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Không có tài năng (có thể là ít hoặc nhiều) không bao giờ có tác phẩm nghệ thuật đích thực. Cùng với tài năng còn là vốn sống, học vấn, lao động nghệ thuật. Thái độ, ý thức đúng đắn, trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống sẽ cho ra đời những tác phẩm có ích trước cuộc sống.

 Có thể nói ở thể loại thơ, ông gặt hái khá nhiều thành công. Được biết nhà thơ còn thử sức mình ở địa hạt văn xuôi, đã xuất bản một tập truyện ký. Trong thời gian tới, ông có ấp ủ dự định xuất bản tập sách mới ngoài thơ?

- Lại nhớ từ thời trai trẻ làm biên tập viên kiêm phóng viên Báo Văn nghệ Đồng Nai những năm 80 của thế kỷ trước. Tôi và nhà thơ Cao Xuân Sơn (hiện đang là Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng, Giám đốc Chi nhánh phía Nam), lúc đó là hai cây bút thơ, biên tập thơ nhưng lại được giao kiêm phóng viên mảng... văn xuôi. Vì văn xuôi là mảng chủ lực của tờ báo, không ai đi làm phóng viên... thơ cả. Hơi “trái nghề” đấy nhưng chúng tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ, đều đều có bút ký, phóng sự cho báo cùng với đảm bảo bài vở cho trang thơ. Tập hợp một phần của thời gian hoạt động văn xuôi ấy, tôi xuất bản tập bút ký và truyện ngắn Trong màu lá cây rừng. Tôi còn một tập truyện ký, tản văn và 1 tập truyện viết cho thiếu nhi chưa xuất bản. Trong 2 năm gần đây, qua những chuyến đi, tôi cũng viết được một số bút ký. Bút ký gần với thơ, cần nhiều cảm xúc. Viết một cuốn truyện ký về cuộc đời, sự nghiệp của một nhà văn lớn đất Đồng Nai mà tôi yêu kính là món nợ tự hứa từ mấy năm nay. Tôi sẽ cố gắng thực hiện, để trang trải được phần nào món nợ ân tình cao đẹp này

Thùy Dương (thực hiện)

 

 

Tin xem nhiều