Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 1: Khởi nguồn của dòng sông

06:09, 25/09/2021

Sông Đồng Nai chảy qua một vùng đất khá rộng của Nam bộ. Từ thượng nguồn với núi non hùng vĩ, qua những ghềnh thác, uốn lượn trong những rừng cây bạt ngàn được ví như "sơn nữ tung tăng" rồi chợt hòa lắng ở bậc thềm thác Trị An, chảy vào miệt hạ hiền hòa như "bà mẹ đằm thắm" ôm ấp những đứa con là các cù lao xanh mướt, yên ả.

Nơi tôi sống trước đây ở một làng của miền Trung chỉ có suối và mương. Vì mê và thích nên tôi cũng mường tượng về sông, cũng đôi lần được thấy sông qua những chuyến đi nơi khác. Tôi thuộc lòng và mường tượng tuổi thơ của mình cũng có “…con sông xanh mát, nước gương trong soi tóc những hàng tre” và mình là đứa trẻ có “Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè. Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng” trong khúc tình tự Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. Ngả rẽ cuộc đời khi tôi gắn liền với một dòng sông xa xứ: sông Đồng Nai. Tôi chưa theo hết con sông này từ ngọn nguồn ra cửa biển nhưng nhiều khúc sông tôi đã “lặn lội”...

Bài 1: Khởi nguồn của dòng sông

Sông Đồng Nai chảy qua một vùng đất khá rộng của Nam bộ. Từ thượng nguồn với núi non hùng vĩ, qua những ghềnh thác, uốn lượn trong những rừng cây bạt ngàn được ví như “sơn nữ tung tăng” rồi chợt hòa lắng ở bậc thềm thác Trị An, chảy vào miệt hạ hiền hòa như “bà mẹ đằm thắm” ôm ấp những đứa con là các cù lao xanh mướt, yên ả.

Sông Đồng Nai đoạn qua Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Lò Văn Hợp
Sông Đồng Nai đoạn qua Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Lò Văn Hợp

Tôi đã nhiều lần theo sông vào những thời đoạn khác nhau của các chuyến đi, cả khi còn trẻ đến lúc bước vào tuổi già… Và cho đến giờ, tôi vẫn cứ ước ao có được nhiều lần như vậy nhưng chắc gì sẽ có khi bao điều trong cuộc sống cứ thay đổi, biến chuyển trong mưu sinh, tuổi tác và sức khỏe.

* Trên cao nguyên nhìn xuống

Tôi đã đến trên đỉnh núi cao của Đà Lạt, để nhìn thấy cái hồ nước phía dưới là nơi bắt nguồn của dòng sông Đồng Nai với nhiều nhánh trên dòng chảy của mình. Lang Biang - đỉnh núi cao ở xứ lạnh Đà Lạt trở thành một điểm đến quen thuộc của nhiều du khách. Mỗi người có thể tự chọn cho mình cách chinh phục đỉnh núi đó như đi bộ, đi xe để có cảm giác trải nghiệm khác nhau.

Trên đỉnh núi cao hơn 2 ngàn m so với mực nước biển, ta sẽ nghe gió thổi ù qua tai, mây sẽ sượt qua đầu nếu đúng thời tiết và cảm giác hơi lạnh đến thích thú… Và, chỉ có từ đây, ta mới có cái nhìn xuống phía dưới, thấy cảnh của hồ nước thấp thoáng mà người Lạch - cư dân thiểu số đã quần tụ nơi đó lâu đời.

Hồ nước thượng nguồn là nơi phát sinh của sông Đồng Nai - con sông có độ dài 568km, phát tích từ trong lãnh thổ của nước Việt. Sông Đồng Nai chảy qua địa phận của 7 tỉnh, thành: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM.

Trong một lần gặp gỡ nhà văn V.Đ.D. với những bạn hữu tại Biên Hòa, một kế hoạch được đặt ra cho một nhóm người yêu thích văn hóa, du lịch về chuỗi phim ký sự sông Đồng Nai. Ai cũng hào hứng và mong muốn kế hoạch được thực hiện với những phác thảo. Tôi thích thú và mong muốn theo chân của đoàn làm phim ký sự này, để biết thêm, để hỗ trợ thêm những phần tư liệu mình có và để có dịp thỏa thích lang thang, chí ít, trên con sông Đồng Nai từ miệt thượng ra cửa biển. Thế nhưng, dự định vẫn chỉ là dự định, chỉ thầm tiếc kế hoạch thật thú vị đó không được tiến hành.

Ai đã xem những ký sự về sông Mê Kông, về sông Hằng do các đài truyền hình thực hiện và phát hành, sẽ thích thú biết bao khi tiếp cận những góc nhìn đa dạng về văn hóa qua hình ảnh của những con sông.

Sông Đồng Nai không thể ví sánh sông Hằng ở Ấn Độ xa xôi, sông Mê Kông chảy xuyên Đông Nam Á lục địa, nhưng có vẻ đẹp riêng của nó với những gam màu của văn hóa tộc người, của địa danh từng miền đất sông chảy qua, những dấu tích về văn hóa cổ, những câu chuyện đường rừng đi vào trong văn chương miền Nam một thời, của dấu ấn lịch sử thời mở cõi và ăm ắp sự kiện của các thời đoạn chiến tranh…

Có lẽ, cũng từ góc nhìn cá nhân, yêu thích và muốn khám phá nên có khi chủ quan nhìn về dòng sông như vậy. Nhưng có sao đâu, bởi khi yêu, người ta thường có cảm nhận đẹp về điều mình yêu quý. Đối với tôi, sông Đồng Nai thật đáng yêu bởi nhiều lẽ.

* Tên gọi của dòng sông

Sông Đồng Nai có tên gọi từ đâu, sông được gọi từ tên của vùng đất hay vùng đất Đồng Nai được gọi theo tên của sông? Lắm lúc tôi cũng tự đặt câu hỏi vậy và tìm hiểu. Một số nhà nghiên cứu về văn hóa, lịch sử đã đưa ra những lý giải về địa danh của vùng đất Đồng Nai, của tên sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai đoạn chảy ngang qua cầu Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: Lò Văn Hợp
Sông Đồng Nai đoạn chảy ngang qua cầu Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: Lò Văn Hợp

Gia Định thành thông chí của tác giả Trịnh Hoài Đức - một vị quan của triều Nguyễn, từng giữ nhiều chức quan trọng, có thời giữ chức Tổng Hiệp trấn thành Gia Định, đã ghi chép về 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên thuộc Gia Định thành dưới triều vua Gia Long (1802-1819). Sách gồm 5 quyển (Tinh dã chí, Sơn xuyên chí, Cương vực chí, Phong tục chí, Sản vật chí).

Trong phần viết về Sơn xuyên chí về trấn Biên Hòa, nội dung đề cập sông Đồng Nai trong mục Phước Long giang như sau: “Tục gọi là sông Đồng Nai, là một sông lớn ở phủ Phước Long, nên lấy tên phủ đặt tên sông. Phát nguyên của sông này rất sâu xa, suối vực sâu rộng, xuất phát từ núi Thần Quy chảy ra, do nước đọng trong các núi, muôn hóc thông thương họp lại nên dòng nước mênh mông, chảy xuống hướng Đông cho đến Tiểu Giang (sông Bé), xóm Sa Tân (Bến Cát), một hướng chảy về thác đá lởm chởm, nước chảy hung hãn hiểm ác, nên ghe thuyền không lưu thông được; nước thủy triều chỉ lên đến đây là dừng, thuyền buôn cũng đậu tại đây rồi lên trạm thuế giao dịch với người Thượng. Từ đây trở xuống, sông rộng nước sâu, nước ngọt trong veo là thứ nước có tiếng tốt nhất thành Gia Định để dùng gội đầu hay pha trà, dù nước suối Trung Linh ở Kim Sơn hay Bạch Hạc ở Ba Lăng (Trung Quốc) cũng không hơn được. Chảy xuống một quãng nữa thì cùng sông Tân Bình hợp lưu thành ra sông Phước Bình, rồi chảy xuống hướng Đông ra cửa biển lớn Cần Giờ. Thường đến tháng 8 hằng năm nước lụt đổ xuống, rửa sạch bao xú uế, lan tỏa khắp ruộng nương, tuy lụt có lớn nhỏ nhưng không sợ nạn tràn ngập mênh mông, người chết, nhà trôi, bởi vì sông này có nhiều nhánh chảy ra biển rất nhanh”.

Đoạn miêu tả trên cung cấp khá nhiều thông tin về sông Đồng Nai cách đây hơn 2 thế kỷ. Tên gọi sông Đồng Nai có trước - có lẽ từ sự kiện vào năm Mậu Dần (1698) khi Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, lấy đất Nông Nại/Đồng Nai lập phủ Gia Định (H.Tân Bình, dinh Phiên Trấn và H.Phước Long, dinh Trấn Biên) kéo dài cho đến 110 năm sau đó.

Ghi chép của Phan Đình Dũng

Bài 2: Sông của phủ Phước Long

Tin xem nhiều