Báo Đồng Nai điện tử
En

Chịu khó tìm hiểu để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

10:03, 11/03/2022

Với phương thức tuyển sinh đa dạng, việc tìm 1 "tấm vé" vào đại học không còn là chuyện khó khăn. Thậm chí, với việc các trường đại học nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ từ đầu tháng 3 thì rất nhiều thí sinh đã có xem như đậu đại học ngay cả khi còn đang học lớp 12. Tất nhiên, kết quả đậu chính thức chỉ được tính khi thí sinh đậu tốt nghiệp THPT.

Với phương thức tuyển sinh đa dạng, việc tìm 1 “tấm vé” vào đại học không còn là chuyện khó khăn. Thậm chí, với việc các trường đại học nhận hồ sơ bằng phương thức xét tuyển học bạ từ đầu tháng 3 thì rất nhiều thí sinh đã có xem như đậu đại học ngay cả khi còn đang học lớp 12. Tất nhiên, kết quả đậu chính thức chỉ được tính khi thí sinh đậu tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó, rất nhiều thí sinh cũng lựa chọn Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để xét tuyển đại học. Với Kỳ thi đánh giá năng lực này, thí sinh có thể đăng ký để thi 2 lần để tăng cơ hội trúng tuyển.

Mặc dù vậy, đa số thí sinh sẽ vẫn lựa chọn xét tuyển đại học bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, đây chính là giai đoạn mà học sinh khối 12 bắt đầu tăng tốc để vừa học chương trình lớp 12 vừa ôn thi tốt nghiệp. Việc lựa chọn ngành nghề cũng bắt đầu được cân nhắc để chuẩn bị làm hồ sơ dự thi.

Đây là năm học vô cùng khó khăn của học sinh khối 12 bởi các em phải học online đến quá nửa thời gian của năm học. Hiện nay, mặc dù học sinh đã được đi học trực tiếp nhưng do diễn biến của dịch bệnh, rất nhiều học sinh vẫn phải tiếp tục học online do thuộc diện F0, F1, trường học nằm trong vùng cam… Từ nay đến cuối năm học, tình huống phải luân phiên học “on” - “off” chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Vì vậy, để đạt được kết quả học tập tốt và có thể thuận lợi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, đòi hỏi học sinh phải rất nỗ lực, có ý thức tự học cao.

Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn ngành nghề của học sinh cần phải được cân nhắc, dựa trên nhiều tiêu chí: năng lực, sở thích của bản thân; điều kiện, hoàn cảnh gia đình; nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội; thành tích, năng lực học tập của bản thân…

Những năm gần đây, mặc dù công tác tư vấn hướng nghiệp đã được đẩy mạnh nhưng tư tưởng “chuộng thầy hơn thợ” vẫn còn tồn tại. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến việc lựa chọn ngành nghề cũng như định hướng tương lai của học sinh. Thực tế, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề (bậc cao đẳng, trung cấp) của doanh nghiệp đang rất lớn. Lương khởi điểm của lao động tốt nghiệp hệ cao đẳng cũng tương đối tốt. Chi phí dành cho việc học ở bậc cao đẳng lại tiết kiệm hơn so với chi phí học đại học.

Tại Đồng Nai, sinh viên các trường cao đẳng nghề được hưởng khá nhiều ưu đãi: học bổng khuyến khích học tập, được doanh nghiệp đào tạo, thực tập có trả lương ngay từ đầu năm thứ 3… Mặt khác, với sự phát triển của tỉnh công nghiệp và có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo nghề đang rất cao. Vì vậy, bên cạnh việc cân nhắc lựa chọn ngành nghề ở bậc đại học, học sinh cũng nên tìm hiểu nhiều hơn các ngành nghề bậc cao đẳng để có sự lựa chọn phong phú hơn và tìm được hướng đi phù hợp hơn.          

Tường Vi

 

Tin xem nhiều