Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng

09:04, 02/04/2022

Đồng Nai là nơi hội tụ, chắt lọc và chuyên nghiệp hóa nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc. Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn những chất liệu truyền thống để đưa vào sản phẩm âm nhạc, giới thiệu đến công chúng.

Đồng Nai là nơi hội tụ, chắt lọc và chuyên nghiệp hóa nhiều loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc của dân tộc. Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều nghệ sĩ trẻ lựa chọn những chất liệu truyền thống để đưa vào sản phẩm âm nhạc, giới thiệu đến công chúng.

Đồng bào Chơro xã Túc Trưng (H.Định Quán) sử dụng nhạc cụ dân tộc, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Ảnh: Ly Na
Đồng bào Chơro xã Túc Trưng (H.Định Quán) sử dụng nhạc cụ dân tộc, tham gia các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Ảnh: Ly Na

Đây là tín hiệu đáng mừng, giúp âm nhạc truyền thống giữ gìn bản sắc, khẳng định được vai trò trong đời sống hiện đại, lan tỏa những giai điệu mang hồn cốt dân tộc.

* Người trẻ cùng chung tay

Nghệ sĩ Điểu Trâm sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo ở xã Túc Trưng (H.Định Quán), nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Mặc dù trong gia đình không có ai theo đuổi nghệ thuật nhưng cô lại đến với âm nhạc khá sớm, từ nhỏ đã được tiếp xúc với các loại nhạc cụ như: Đàn Chinh K’la, cồng chiêng... Âm thanh phát ra từ các nhạc cụ truyền thống và những giai điệu dân ca dân tộc làm Điểu Trâm say mê tự lúc nào không hay.

Nói về cơ duyên đến với âm nhạc, nghệ sĩ Điểu Trâm kể, phải đến năm học lớp 11 cô được gia đình cho chuyển về Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh (đóng tại H.Trảng Bom). Với năng khiếu ca hát và biết một số loại nhạc cụ truyền thống, cô tích cực tham gia hoạt động phong trào của lớp, trường, được thầy cô định hướng theo học âm nhạc chuyên nghiệp tại Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, sau đó tiếp tục theo học thanh nhạc ở Nhạc viện TP.HCM.

“Sau khi ra trường, Trâm lựa chọn con đường hoạt động nghệ thuật tự do, đi dạy thanh nhạc và biểu diễn âm nhạc của dân tộc Chơro trong các hoạt động hướng đến cộng đồng. Năm 2021, Trâm chính thức về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai; đồng thời thường xuyên thỉnh giảng tại Trường trung cấp VHNT Đồng Nai. Trong biểu diễn và giảng dạy, Trâm chú trọng kết hợp âm nhạc dân gian, dân ca với kỹ thuật âm nhạc phương Tây giúp cho các ca khúc bay bổng hơn, hiện đại hơn và phù hợp với xu hướng thưởng thức của khán giả hôm nay” - nghệ sĩ Điểu Trâm nói.

Trong quá trình đưa âm nhạc của người Chơro đến với cộng đồng, nghệ sĩ Điểu Trâm đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các liên hoan, hội diễn, tiêu biểu như: huy chương vàng Liên hoan văn nghệ dân gian các dân tộc thiểu số; giải nhất, giải nhì các hội diễn văn nghệ quần chúng trong tỉnh… Mới đây nhất, nghệ sĩ Điểu Trâm tham gia Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn - Tây nguyên năm 2022. Cô biểu diễn xuất sắc ca khúc Điện sáng về buôn làng, vinh dự được trao giải B tại liên hoan.

Cùng với nghệ sĩ Điểu Trâm, nhiều nghệ sĩ trẻ trên địa bàn tỉnh đã và đang mang âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng bằng những cách làm khác nhau. Tiêu biểu như nghệ sĩ đàn tranh Đinh Thị Thương Huyền, ngoài giảng dạy đàn tranh tại Đồng Nai và TP.HCM, cô còn tham gia dự án Đồng hành văn hóa tại Hàn Quốc. Trên đất nước bạn, chị Thương Huyền vừa học văn hóa, vừa học nhạc cụ truyền thống của Hàn vừa hướng dẫn nghệ sĩ các nước học đàn tranh của Việt Nam, tham gia các hoạt động giao lưu, biểu diễn, giới thiệu âm nhạc dân tộc.

Đó là nghệ sĩ Bùi Khánh Trang có hơn 15 năm gắn bó với cây đàn tam thập lục; là nghệ sĩ Lê Đại Dương với cây đàn nhị, thường xuyên biểu diễn trong nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh. Anh cùng với học sinh, sinh viên của Trường trung cấp VHNT Đồng Nai tích cực đi cơ sở, phục vụ bà con trong các không gian văn hóa công cộng. Hay đó là nghệ sĩ Trần Trung - người con của vùng đất Biên Hòa đam mê đàn bầu, hiện đang công tác tại Nhạc viện TP.HCM đã ra mắt công chúng trong nước và quốc tế album gồm 4 ca khúc: Vào chùa, Cây trúc xinh, Em đi chùa Hương Thuyền mộng. Album là sự kết hợp giữa nhạc điện tử và âm nhạc dân tộc, đã phát hành trên nền tảng Spotify và Apple Music.

Nghệ sĩ Trần Trung chia sẻ: “Hiện nay, khán giả thường chọn nghe các thể loại âm nhạc như: nhạc trẻ, nhạc trữ tình…; rất ít người thích âm nhạc truyền thống. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất buồn, song không thể vì thế mà tôi buông xuôi, phải tìm cách đưa âm nhạc dân tộc đến với nhiều khán giả hơn bằng những tác phẩm mới mẻ, sáng tạo hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Với quyết tâm đó, tôi đã và đang tiếp tục phát triển thêm về các mảng hòa âm, phối khí các dòng nhạc mới để đưa nhạc dân tộc, dân ca Việt Nam đến gần với người trẻ”.

* Tạo thêm cơ hội để phát triển…

Theo các nghệ sĩ, nhạc sĩ, đời sống của âm nhạc truyền thống hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Các nghệ nhân, nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, có khả năng đưa âm nhạc của dân tộc đến với công chúng ngày càng vắng bóng. Trong khi đó, việc theo đuổi âm nhạc truyền thống không chỉ đòi hỏi tài năng, tâm huyết, đam mê mà còn có cả sự khổ luyện nên ít người trẻ lựa chọn.

Nghệ sĩ Điểu Trâm kết hợp ca khúc dân gian, sử dụng piano dạy học cho học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: Ly Na
Nghệ sĩ Điểu Trâm kết hợp ca khúc dân gian, sử dụng piano dạy học cho học sinh Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Ảnh: Ly Na

Để thu hút người học, trao cơ hội để học sinh, sinh viên phát triển năng khiếu âm nhạc, nhiều năm nay, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tìm kiếm tài năng ở cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong mỗi chuyến đi, nhà trường tổ chức giao lưu, biểu diễn âm nhạc để tuyên truyền về giá trị của âm nhạc dân tộc trong đời sống hiện đại; đồng thời phổ biến những chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm, học bổng theo quy định dành cho học sinh, con em đồng bào các dân tộc (được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, hỗ trợ tiền ăn và chỗ ở tại ký túc xá…).

Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai Phùng Ngọc Long cho hay, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của nhà trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Để phát hiện, bồi dưỡng tài năng âm nhạc dân tộc, nhà trường thường xuyên tham gia các hội thi như: Tài năng trẻ học sinh, sinh viên toàn quốc; độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc… Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19, nhà trường đã tạo điều kiện học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn nhạc cụ để học tập trực tuyến tại nhà. Hiện tại, nhà trường đang tập luyện chương trình nghệ thuật mới, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức cho học sinh công diễn, đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng.

Cùng với Trường trung cấp VHNT Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố cũng luôn quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống. Tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, các ngành cức năng đã khôi phục một số lễ hội truyền thống, tổ chức trao tặng nhạc cụ (các bộ ngũ âm của đồng bào Khmer; cồng chiêng của đồng bào Mạ, Chơro, Mường); tham gia các chương trình giao lưu nghệ thuật cồng chiêng khu vực; tổ chức những lớp tập huấn biểu diễn nhạc cụ truyền thống cho các đội cồng chiêng…

Giám đốc Trung tâm văn hóa - điện ảnh tỉnh Tôn Thị Thanh Tình nói rằng, việc tổ chức hoạt động tập huấn âm nhạc truyền thống cho những người làm công tác văn hóa, người dân yêu thích nhạc cụ là việc làm thường xuyên, được trung tâm thực hiện hàng năm. Bên cạnh đó, trung tâm phối hợp với các địa phương, các nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh đưa âm nhạc, nghệ thuật về biểu diễn tại thiết chế văn hóa cơ sở; chú trọng sưu tầm, lưu giữ những giá trị văn hóa âm nhạc truyền thống đang có nguy cơ mai một. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc trên địa bàn Đồng Nai.

Mới đây, Bộ VH-TTDL đã phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện kiểm kê và cập nhật kiểm kê hằng năm nhằm đánh giá thực trạng sức sống các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc. Phấn đấu 40% các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc được hỗ trợ bảo tồn, phục dựng gắn với phát triển du lịch. Giai đoạn 2026-2030, hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc các dân tộc…

Trường trung cấp VHNT Đồng Nai đang đào tạo các chuyên ngành âm nhạc truyền thống như: đàn tranh, sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị, đàn tam thập lục, T’rưng… Đã có rất nhiều thế hệ thầy và trò Khoa Âm nhạc truyền thống nối tiếp nhau giữ gìn, bảo tồn và ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển những giai điệu, cung đàn của dân tộc, nhân lên niềm tự hào quê hương đất nước, con người Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.

Ly Na


Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ KIM BẰNG: Tổ chức nhiều liên hoan dân ca, dân vũ các dân tộc

Nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thời gian qua, ngành VH-TTDL tổ chức nhiều hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là âm nhạc truyền thống dân tộc. Tiêu biểu như: tổ chức các lớp truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho các thanh thiếu niên dân tộc Chơro ở xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu); mở lớp dạy nhạc cụ ngũ âm cho đồng bào Khmer tại H.Định Quán; đưa cồng chiêng của các dân tộc vào phục vụ tại một số khu, điểm du lịch…

Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc kết nối phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành sẽ tổ chức các hoạt động liên hoan ca múa nhạc, dân ca, dân vũ các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua đó, khích lệ người trẻ, đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống trong đời sống hôm nay.

Hiệu trưởng Trường trung cấp VHNT Đồng Nai PHÙNG NGỌC LONG: Chú trọng công tác đào các chuyên ngành nghệ thuật

Năm 2022, Trường trung cấp VHNT Đồng Nai tiếp tục tuyển sinh 70 chỉ tiêu ở các chuyên ngành nghệ thuật với 4 khoa là: âm nhạc truyền thống, âm nhạc phương Tây, thanh nhạc, múa. Để thu hút học sinh, nhiều năm nay, nhà trường đã chủ động và có nhiều đổi mới trong tuyển sinh, về tận các ấp, khu phố, phối hợp với các trường học vùng sâu có đông con em đồng bào các dân tộc tìm kiếm năng khiếu âm nhạc, nghệ thuật.

Cùng với công tác tuyển sinh, nhà trường chú trọng hoạt động dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin để hội nhập. Từ dạy học, nhà trường sẽ có những định hướng cụ thể về nghề nghiệp để học sinh chuyên tâm theo đuổi con đường nghệ thuật đã chọn. Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với Nhạc viện TP.HCM đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Việc liên kết này đã và đang mở ra cho trường thêm một hướng đi mới, giúp học sinh, sinh viên nâng cao trình độ chuyên môn, theo học chuyên sâu các chuyên ngành yêu thích, phục vụ cho công việc về sau.

Nhạc sĩ TRẦN VIẾT BÍNH, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Trao cơ hội cho người trẻ

Đời sống âm nhạc hiện nay rất sôi động, âm nhạc dân tộc cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Mặc dù đầu ra khó hơn so với âm nhạc phương Tây, song qua theo dõi, tôi thấy âm nhạc dân tộc đã và đang có chỗ đứng trong đời sống và dần được biết tới. Đặc biệt, có rất nhiều người trẻ trên địa bàn tỉnh yêu thích âm nhạc dân tộc và theo đuổi đam mê. Tuy nhiên, người trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn, thường loay hoay trước những lựa chọn và nhiều khi chưa gặt hái được kết quả đã bị nản chí. Do vậy, cần có sự định hướng để người trẻ hình dung về con đường với âm nhạc dân tộc.

Tôi đã có nhiều năm lặn lội, đi sưu tầm dân ca các dân tộc: Mạ, Chơro, S’tiêng, K’ho, Chăm Islam ở vùng Đông Nam bộ. Âm nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số khiến tôi “say” và dành tâm huyết để gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện tại. Hiện toàn bộ những công trình nghiên cứu âm nhạc dân tộc, những ca khúc dành cho thiếu nhi… tôi trao tặng cho bảo tàng, các trường học, nhà văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn những hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc được tổ chức ở cơ sở, giúp cho những người trẻ, con em đồng bào các dân tộc được giao lưu; từ đó, trao cho họ cơ hội học hỏi, tìm kiếm động lực phát triển âm nhạc của mình.

Bà HOÀNG THỊ HUYÊN, Đội trưởng Đội hát then, đàn tính xã Thanh Sơn (H.Định Quán): Phải có các nghệ nhân tâm huyết, đam mê để truyền lửa

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phong trào học hát then đàn tính của bà con dân tộc Tày, Nùng ở xã Thanh Sơn suốt 2 năm qua có phần chững lại. Tuy nhiên, hiện tại mọi người đã trở lại tập luyện, thích ứng an toàn với phòng, chống dịch. Ở địa phương cũng dành sự quan tâm đến phong trào hát then, đàn tính của bà con. Các hoạt động động viên, khích lệ đồng bào bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng đã được tổ chức như: biểu diễn trong lễ hội Lồng tồng đầu xuân; giao lưu trong các liên hoan, hội diễn của xã, huyện và của tỉnh. 

Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức tập luyện vào những ngày cuối tuần, hướng dẫn con cháu học và giữ lửa cho hát then, đàn tính của dân tộc mình. Tôi cho rằng, điều quan trọng vẫn là các nghệ nhân phải có tâm huyết, đam mê để giữ lửa âm nhạc luôn cháy. Từ việc luyện tập tại nhà, người già hướng dẫn cho người trẻ, người biết nhiều dạy cho người biết ít… sẽ dần dần có thêm người am hiểu âm nhạc truyền thống. Nhờ vậy, sẽ có người yêu thích, có người theo học để rồi âm nhạc truyền thống tìm được vị trí và chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng.

My Ny


 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích