Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà thơ Trần Đức Tín (Khét): Làm thơ như tằm nhả tơ

06:05, 06/05/2022

"Một mai rời Định Quán

về quê chăn nỗi buồn

gửi lên em quà nhỏ

khi buồn tôi lớn khôn".

Đó là đoạn thơ trích từ bài thơ Một mai rời Định Quán của Khét - bút danh nhà thơ Trần Đức Tín, người đoạt Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM 2021.

“Một mai rời Định Quán

về quê chăn nỗi buồn

gửi lên em quà nhỏ

khi buồn tôi lớn khôn”.

Đó là đoạn thơ trích từ bài thơ Một mai rời Định Quán của Khét - bút danh nhà thơ Trần Đức Tín, người đoạt Giải thưởng Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn TP.HCM 2021.

Nhà thơ Trần Đức Tín (Khét) và người thầy/nhà văn Đoàn Thạch Biền
Nhà thơ Trần Đức Tín (Khét) và người thầy/nhà văn Đoàn Thạch Biền

Trước Giải thưởng Nhà văn trẻ do Hội Nhà văn TP.HCM trao cuối năm 2021, Trần Đức Tín đã được thừa nhận trong cộng đồng văn chương trẻ như là một trong những cây bút sáng tác sung sức và triển vọng bậc nhất khi đoạt rất nhiều giải thưởng từ các cuộc thi thơ khác nhau do Báo Văn Nghệ, Tập san Áo Trắng tổ chức; thi thơ đồng bằng sông Cửu Long (2020)… Chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần trong cuộc gặp gỡ đầu tháng 5-2022, Trần Đức Tín nói về niềm đam mê sáng tác thơ của anh gắn với quan niệm: “Văn chương chỉ thật sự sống khi nó tiếp cận, tồn tại và khai sinh lại lần nữa trong lòng người đọc”.

* Thơ lên báo lẫn lên mạng

* Tôi thấy anh vừa có thơ đăng báo, vừa in thành tập thơ lại vừa post (đăng) thơ thường xuyên lên mạng xã hội. Hẳn đây là sự bén nhạy của các nhà thơ thời công nghệ?

- Như quan niệm văn chương tôi vừa nêu trên, tôi muốn văn chương của mình tiếp cận được nhiều người hơn trong thời đại hôm nay. Tôi luôn đi tìm độc giả cho mình, nơi nào có người yêu thơ thì tôi sẽ đến nơi đó. Được đồng cảm, sẻ chia là hạnh phúc của người sáng tác nên tôi vừa đăng báo, in sách, vừa công bố trên mạng. Nhiều khi các biên tập viên, tòa soạn báo, tạp chí khi đọc thơ tôi trên mạng, họ thích và ưng ý thì chọn đăng lại trên ấn phẩm in.

Việc công bố thơ trên mạng, các diễn đàn văn chương online… cũng mang lại cho người viết một lượng độc giả nhất định và nhanh chóng có sự tương tác với bạn đọc, giúp tác giả đo được độ nhạy của tác phẩm mình với thị hiếu bạn đọc ngày nay. Điều này có thể mang lại sự hứng khởi, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tác cho tôi. Hơn nữa, tôi còn được lắng nghe các tiền bối, đàn anh chỉ dẫn thật tình.

KHÉT - TRẦN ĐỨC TÍN (sinh năm 1989 tại Cà Mau) đã có 3 tập thơ riêng đều do NXB Hội Nhà văn xuất bản là: Rồi mình cũng xa lạ nhau (2018), Mình mắc cạn vào nhau (2020) và Ở đậu trong nhau (2021). “Dự kiến tháng 9 tới tôi sẽ ra mắt tập thơ thứ tư tựa là Giấc mơ da vàng” - Khét cho hay.

* Ngày nay ai cũng có thể làm thơ, từ dăm ba câu đến bất kỳ ngắn dài, và lập tức công bố trên mạng. Anh nghĩ gì về thực tế này?

- Việc ai cũng viết được, theo tôi đó là điều đáng mừng, vì chí ít thể hiện được tình cảm văn chương trong đời sống hằng ngày của họ. Tôi luôn ủng hộ, mong đọc được những sáng tác hay của các tác giả chuyên lẫn không chuyên ở bất kỳ hình thức, phương tiện công bố nào.

Hoa cũng từ đất mà thành, vậy nên ta cứ đọc và sàng lọc, “đãi được vàng” và trân quý tác phẩm mình thích, mình cho rằng hay, giá trị. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận định rõ cái nào là thơ, cái nào là… “gần giống thơ”, việc này không thể tùy tiện, dễ dãi.

* Là tằm thì phải nhả tơ

* Công việc thường ngày của anh - trưởng phòng ở một công ty sản xuất nuôi trồng thủy sản - có ảnh hưởng đến việc sáng tác?

- Tôi sáng tác vô chừng lắm, cảm xúc đến lúc nào thì viết lúc ấy. Tất nhiên, đôi khi nó cũng ảnh hưởng đến công việc hiện tại tôi đang làm, nhưng đã là tằm thì phải nhả tơ vậy! Tôi luôn xem thơ là nghiệp chứ không phải là nghề, mà đã là nghiệp thì trả, thế thôi. Đôi lúc tôi chán làm thơ, hay nói cách khác là tôi chán luôn bản thân mình (cười) thì cũng chỉ bỏ viết được dài nhất là một tuần rồi “nàng thơ” lại đến, và tôi lại viết, viết bất chấp, viết bỏ ngủ, bỏ ăn.

* Tôi xúc động khi đọc câu thơ của anh: “Con về đốt cạn mênh mông/ nằm ôm chân mẹ mà hong khói chiều” (bài Sinh nhật mẹ) và muốn biết cảm hứng, chủ đề thi ca của anh đến từ đâu?

- Làm thơ với tôi cũng như hơi thở để sống vậy! Những chủ đề tôi quan tâm có sự thay đổi theo thời gian, sự trải nghiệm và tác động thời sự xã hội. Như năm 2022 này tôi quan tâm đến đề tài chiến tranh, sự sống và cội rễ giống loài...

* Lâu lâu lại dấy lên tranh luận về những bài thơ hay/dở; những phong cách sáng tác thơ cách tân, đặc biệt khiến người khen cũng nhiều mà kẻ chê cũng lắm. Nhìn nhận của anh về vấn đề này?

- Việc tranh cãi về thơ hay/dở sẽ không bao giờ kết thúc, nó còn tùy thuộc vào sự tiệm cận, khẩu vị, ý vị của người đọc, hay còn gọi là tầm đón nhận của độc giả. Quan điểm của tôi về vấn đề này là luôn ủng hộ những bứt phá, sự cách tân. Đơn giản vì có cũ phải có mới, có sự cạnh tranh mới có phát triển, thơ Việt ta không thể đứng hoài một chỗ và chỉ tự khen mình được.

3 tập thơ cá nhân đã xuất bản của Khét
3 tập thơ cá nhân đã xuất bản của Khét

Thơ tôi cũng từng có những sự tranh cãi từ độc giả, và ứng xử của tôi luôn là: lắng nghe, lắng đọng, tự vấn và “đi tới”. Tôi lắng nghe nhiều người nhận xét về nó như thế nào, lắng đọng lại xem mình rút tỉa, học hỏi được gì? Người đọc muốn tìm gì ở tác phẩm của mình? Tự vấn xem lòng mình muốn gì? Đáp ứng họ hay đáp ứng chính mình? Xong, đưa ra quyết định và đi tiếp trên hành trình sáng tác. Tôi luôn quan niệm văn chương, nghệ thuật luôn là con đường cô độc, đi vào cô độc lấy được “hồn cốt” của nó mới mong bước đến đại chúng. Và đôi khi, lẽ phải không nằm ở số đông.

* Giữa cuộc “sống thực tế giữa đời thực dụng”, anh có nghĩ giá trị thơ mai một? Những vần thơ có tác động đến con người trong đời sống hiện đại, thưa anh?

- Giá trị thơ sẽ không bao giờ mai một, mà ngày càng trở nên tinh túy hơn. Điều này là chắc chắn, vì nghệ thuật chân chính sẽ trường tồn, nó chỉ mất đi khi loài người tuyệt chủng. Những ai yêu thích nghệ thuật không phải lúc nào cũng “thực dụng”, cái họ muốn là tinh túy. Vậy nên, trong đời sống phát triển ngày nay, tôi xem đó là nền tảng để nghệ thuật có thể vươn đến tầm cao hơn vì những người yêu chuộng nghệ thuật sẽ đào sâu, thấu cảm hơn một khi nhu cầu của họ sâu sắc hơn, đa dạng hơn.

* Xin cảm ơn anh!

* Anh nghĩ gì về việc giới trẻ ngày nay ít tìm đến văn chương, thi phú hơn thế hệ trước do họ “bận rộn” trong đời sống hiện đại?

- Vâng. Một thực trạng là giới trẻ hiện nay rất ít tìm đến văn chương. Điều này cũng có nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan: nội tại văn chương hiện nay ít điểm sáng, nên sức hút tự bản thân văn chương đối với độc giả nói chung và giới trẻ nói riêng có thể nói là không bằng các thế hệ trước; do tác động của thời đại công nghệ, giới trẻ có rất nhiều loại hình giải trí để lựa chọn mà không nhất thiết chỉ là văn chương. Văn hóa đọc trong giới trẻ đang mai một dần là một thực tế đáng buồn.

Trung Nghĩa (thực hiện)

Tin xem nhiều