Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ gia đình trước bạo lực, hành xử cực đoan

02:06, 04/06/2022

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ hành xử cực đoan do mâu thuẫn giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, dẫn đến những sự việc đau lòng không chỉ cho những người trong cuộc.

 

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ hành xử cực đoan do mâu thuẫn giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con cái, dẫn đến những sự việc đau lòng không chỉ cho những người trong cuộc.

Trước những sự việc tiêu cực trên, nhiều ý kiến chia sẻ, cảm thông, nhưng cũng không ít người bức xúc, lên án. Song phần lớn ý kiến “gặp nhau” ở mấu chốt vấn đề là làm gì để tháo gỡ những mâu thuẫn, xung đột ngay khi mới nhen nhóm, tránh để mâu thuẫn tích tụ dẫn tới hành xử cực đoan…

Thủ phạm gây ra một số vụ bạo hành trẻ em ở một số tỉnh, thành trên cả nước dẫn đến tử vong, gây chấn động dư luận lại chính là người thân, người quen của chính các em. Ảnh internet
Thủ phạm gây ra một số vụ bạo hành trẻ em ở một số tỉnh, thành trên cả nước dẫn đến tử vong, gây chấn động dư luận lại chính là người thân, người quen của chính các em. Ảnh internet

* Khi “cái tôi” và sự ích kỷ lên ngôi

Trong thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai đã xảy ra những vụ án mạng, tự tử trong các gia đình có nguyên nhân từ việc nợ nần chồng chất, ghen tuông; trầm cảm vì sống trong cảnh bạo lực gia đình (BLGĐ) kéo dài… Thậm chí có trường hợp vì áp lực cuộc sống, tức giận bạn đời mà ra trút giận lên con bằng hành động gây ra hậu quả hết sức đau lòng.

Mới nhất, ngày 24-5, bà L.T.X. (51 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) bị bỏng nặng nghi bị tẩm axit đốt. Qua làm việc với những người liên quan xác định, bà X. và ông L.T.C. (52 tuổi, chồng bà X.) thường xảy ra mâu thuẫn cãi nhau. Ông C. nợ nần và đã bỏ nhà ra đi và thuê nhà bên ngoài để ở. Thời gian gần đây, ông C. thường gọi điện đe dọa bà X. Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra, làm rõ.

Theo dự án Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), người có hành vi BLGĐ bị cấm tiếp xúc với người bị bạo lực dưới 50m trong 3 ngày, nếu vi phạm sẽ bị tạm giữ.

Trước đó, ngày 8-5-2022, chị V.T.H.T. (31 tuổi, ngụ H.Cẩm Giàng, tỉnh Thái Bình) đã cột 2 con nhỏ (9 tháng tuổi và 2 tuổi) vào người mình rồi nhảy xuống sông Thái Bình tự tử để lại lời nhắn cho rằng cuộc sống quá mệt mỏi bởi những mâu thuẫn với chồng và gia đình chồng. Vậy nên mẹ con chị muốn kết thúc cuộc sống này để tìm một kiếp sống khác bớt đau khổ, mệt mỏi.

Trước một số vụ việc tiêu cực nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, khi người ta quá đề cao cái tôi và sự ích kỷ của bản thân, cho mình được quyền tước đi sức khỏe, tính mạng của người khác bằng những hành xử cực đoan chính là sự cảnh báo về tình trạng xuống cấp về đạo đức, văn hóa, giáo dục của một bộ phận người dân.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết: “Đọc báo tôi thấy nhiều vụ mâu thuẫn, xung đột không quá nặng nề, hoàn toàn có thể giải quyết được nhưng vì cái tôi của mình quá cao mà họ hành xử với nhau thật tàn nhẫn. Tôi cho rằng, có một lỗ hổng lớn trong việc trang bị kỹ năng ứng xử, làm chủ bản thân cũng như giải quyết cho những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân”.

Tương tự, ông Đinh Quang Hào, một giáo viên về hưu (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, chính sự ích kỷ dễ dẫn đến những hành động tiêu cực. Các cơ quan chức năng, đoàn thể cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng này.

Còn chị Đặng Thị Thúy (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo ngại khi xu hướng bạo hành trẻ em, mà đối tượng lại là cha mẹ hoặc cha kế, mẹ kế đang có chiều hướng gia tăng. “Đã đến lúc vấn đề này cần được quan tâm đúng mức, can thiệp kịp thời, xử nghiêm các trường hợp vi phạm” - chị Thúy kiến nghị.

* Đừng để mâu thuẫn tích tụ

BLGĐ được xem là một trong những nguyên nhân phá nát hạnh phúc, tác động xấu đến sự hình thành nhân cách con trẻ, đồng thời biến không ít người vướng vòng lao lý. Một thực tế cho thấy, nhiều vụ vợ giết chồng, con cái hại chết cha mẹ phần lớn là do bị BLGĐ thời gian dài, dẫn đến uất ức, nóng giận khó kiểm soát. Cũng có không ít đứa trẻ sống trong môi trường thường xuyên bị bạo hành, khi lớn lên cũng thường có tư tưởng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Bà Đặng Lan Hương, cựu giáo viên dạy môn tâm lý học tại một trường cao đẳng ở TP.Biên Hòa cho rằng, đã đến lúc phải xem lại vấn đề trang bị kỹ năng ứng xử khi làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ cho những người trẻ trước khi lập gia đình qua những khóa học tiền hôn nhân bắt buộc, để họ có kiến thức cơ bản về ứng xử trong đời sống gia đình.

Song, kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết vấn đề không thể có ngay được qua những buổi học mà gốc rễ sâu sa hơn vẫn phải được giáo dục, rèn luyện ngay từ khi tấm bé ở mỗi gia đình cũng như trong nhà trường.

Ngoài ra, cũng không ít ý kiến chia sẻ thẳng thắn, người bị bạo hành không nên mãi im lặng chịu đừng vì ngại “vạch áo cho người xem lưng”, phải dũng cảm nói ra với người thân, thậm chí tố cáo hành vi bạo hành với cơ quan chức năng để được bảo vệ.

Bởi thực tế, người trong gia đình bị đánh đập thân thể, tra tấn tinh thần, bạo lực tình dục hoặc sỉ nhục một lần thì sẽ có lần sau và những lần sau nữa. Do đó, các mâu thuẫn, xung đột trong gia đình cần được cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc là người thân, bạn bè, các đoàn thể, cơ quan chức năng tham gia hòa giải ngay khi có mầm mống, tránh để tích tụ mà dẫn đến hành xử cực đoan.

Một trong những giải pháp nữa là củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, trung tâm trợ giúp pháp lý trong việc phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực, những vấn đề dễ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, có biện pháp ngăn ngừa. Ngoài ra, mỗi cá nhân cần nâng cao kiến thức pháp luật, nhận diện các dấu hiệu, hành vi bạo lực để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Phương Liễu


Phó giám đốc Sở VH-TTDL NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH:

Xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe

Hiện toàn tỉnh có hơn 3 ngàn mô hình phòng, chống BLGĐ với hàng ngàn cộng tác viên, tình nguyện viên. Song, Đồng Nai vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, vấn đề nhận thức của người bị bạo hành vẫn còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ làm công tác gia đình ở cơ sở còn thiếu và đa phần là cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm.

 Để chấm dứt tình trạng BLGĐ, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em, đã đến lúc cả xã hội phải vào cuộc với tinh thần lên tiếng phản ánh đi đôi với hành động bảo vệ. Cần giúp phụ nữ nhận thức rõ quyền bình đẳng với nam giới trong mọi lĩnh vực và BLGĐ cần bị lên án chứ không phải là chuyện riêng của những người trong nhà. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm với những người gây ra bạo lực; phối hợp các cấp hội phụ nữ tiến hành biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

LS NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh):

Một số quy định còn bất cập

Luật Phòng, chống BLGĐ hiện hành còn thiếu các nội dung, chính sách, quy định phù hợp nên quá trình thi hành luật cũng bị hạn chế. Do đó, các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ban hành liên quan đến phòng, chống BLGĐ cần phải được cụ thể hóa hơn nữa trong Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi.

Ngoài ra, các thủ tục hành chính và điều kiện để xử lý vụ việc này trong Luật Phòng, chống BLGĐ còn khá phức tạp. Nhiều nạn nhân ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào và bị người gây bạo lực đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo. Luật cũng thiếu các quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ cũng như các nhóm dễ bị tổn thương, yếu thế.

An Nhiên (ghi)


 


 

Tin xem nhiều