Báo Đồng Nai điện tử
En

Thơ trẻ Đồng Nai - những tín hiệu vui qua một trại sáng tác

08:09, 23/09/2022

Trại sáng tác văn học trẻ Đồng Nai năm 2022 quy tụ 8 cây bút thơ gồm 3 nam, 5 nữ. Đó là những cái tên đã khá quen thuộc.

Trại sáng tác văn học trẻ Đồng Nai năm 2022 quy tụ 8 cây bút thơ gồm 3 nam, 5 nữ. Đó là những cái tên đã khá quen thuộc.

Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (hàng đầu, bìa phải) cùng các cây bút trẻ tham dự trại sáng tác. Ảnh: Huyền Quang
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai (hàng đầu, bìa phải) cùng các cây bút trẻ tham dự trại sáng tác. Ảnh: Huyền Quang

“Kỳ cựu” và có bề dày thành tích đầu tiên phải kể đến cây bút nữ Đào Nguyên Thảo. Đào Nguyên Thảo xuất hiện từ những năm 2003-2004, cô thuộc “lò đào tạo” của tập san Dưới mái trường do nhà văn Nguyễn Thái Hải chủ trương từ những năm 1990. Đào Nguyên Thảo đoạt giải cao nhất thi thơ Bút Hồng của tập san Dưới mái trường khi đang là học sinh lớp 11 Trường THPT Long Thành. Và lúc đang là sinh viên năm nhất Khoa tiếng Nga Trường đại học Sư phạm TP.HCM, Thảo lại đoạt giải ba cuộc thi thơ do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức. Đào Nguyên Thảo trở thành hội viên Hội VHNT Đồng Nai cũng từ năm ấy (18 tuổi).

Thảo còn viết văn xuôi. Truyện ngắn của Đào Nguyên Thảo có nét riêng và sự mới mẻ nhất định về đề tài, bút pháp. Dự trại sáng tác lần này Đào Nguyên Thảo đem đến chùm thơ 3 bài: Ai mà chẳng đôi lần đau tưởng chết, Phản chiếu, Chuyện cũ.

Với Ai mà chẳng đôi lần đau tưởng chết, người đọc đã bị “sốc” ngay từ cách đặt tên bài. Nhưng hãy chịu khó đi cùng tác giả. Đó là lời động viên hãy ráng sống, hãy vươn lên dù có lúc bi thảm, thất vọng nhất: “Ai mà chẳng đôi lần đau tưởng chết/ Nhưng chúng mình vẫn sống phải không em?/ Nếu phải tìm đom đóm giữa màn đêm/ Em sẽ biết yêu hơn ánh sáng ngoài ô cửa/ Nếu va phải một vạn lần thất hứa/ Em sẽ nguyện lòng không bội phản thế nhân/ Nếu trái tim em tưởng đã chết bao lần/ Em sẽ sống bất cần hay lặng lẽ/ Cho dù thế, cho dù không phải thế”.

Tác phẩm viết theo lối quy nạp, tự dặn lòng ngay ở những xao xác đầu tiên. Và “Em có thể không bao giờ là em của ngày xưa/ Sau nước mắt, cơn mưa, và bao đêm sầu muộn/ Nhưng hãy nhớ, em ơi, em được chọn/ Để sống cho mình, không phải chết cho ai”.

Còn một số tác giả trẻ khác vì lý do, điều kiện này khác chưa thể tham gia trại sáng tác lần này, nhưng bấy nhiêu đây cũng là đáng quý, đáng trân trọng. Thực sự đã có một lực lượng sáng tác thơ trẻ ở Đồng Nai. 

Có thể gọi bài thơ này là thơ luận đề. Có những câu nếu đọc lướt dễ hiểu lầm sang ý khác nhưng cứ bình tĩnh đi đến hết bài sẽ thấy sự kiên nhẫn là có cơ sở. “Đừng vì ai mà bỏ mặc mình thêm/ Đừng cố gắng đổi thay điều không thể…/ Em có thể không bao giờ là em của ngày xưa/ Sau nước mắt, cơn mưa, và bao đêm sầu muộn/ Nhưng hãy nhớ, em ơi, em được chọn/ Để sống cho mình, không phải chết cho ai”. “Ai” ở đây có thể là một con người cụ thể liên quan tới cá nhân đối tượng, cũng có thể là một điều trừu tượng nào đó. Thông điệp tích cực của bài thơ là sự hy sinh bao giờ cũng phải có ích (kiên quyết không vô ích) và cái tôi phải luôn được tồn tại, hài hòa cùng cái ta.

Các bài Phản chiếu, Chuyện cũ vẫn trong mạch sáng tạo, diễn đạt mới. Xin được trích những đoạn thơ ưa thích: “Nơi tôi thấy vẻ bình thản của chúng ta, đang phủ lên bề mặt của những cồn cào đớn đau giữa lồng ngực trái/ Mỗi lời chúng ta nói với nhau chỉ là những bánh răng lạnh lùng nghiến nát niềm vui và sẽ chẳng bao giờ dừng lại/ Để chúng ta kịp nói lời xin lỗi/ Tháng năm này” (Phản chiếu). “Là vì mình gọi tên sai/ Năm này tháng nọ, ngày dài vẫn trôi/ Tay không giữ nổi mặt người/ Chân đừng bước mãi những lời xa xưa” (Chuyện cũ).

Huỳnh Ngọc Tuyết Cương là cây bút đã đoạt giải cuộc thi thơ chủ đề Tuổi trẻ và Tổ quốc năm 2013 của Hội VHNT Đồng Nai. Cương là tác giả trẻ nhất đoạt giải trong cuộc thi đó (sinh viên Trường đại học Đồng Nai). Bài thơ Phận bà của Huỳnh Ngọc Tuyết Cương trong chùm thơ dự trại sáng tác chạm vào cái tên có cảm giác dội ngược. Sao lại phận bà? Cách nói cho khác đi, cho ấn tượng của lớp trẻ 8X, 9X ấy mà!

Trong chùm thơ thứ 3, rất thú vị khi chạm được những bài thơ, câu thơ hay: “Nhà quê còn tiếng chổi chà/ Tôi về quét chút thật thà vào thơ/ Mẹ ngồi đợi giữa bơ vơ/ Tôi về biếu một giấc mơ không thành” (Bài số 1)“Mà lòng đã khuyết vài ba phần người” (Bài số 3). Với Huỳnh Ngọc Tuyết Cương sự tìm tòi còn tiếp tục nhưng đáng mừng đã có những thành quả bước đầu!

Văn Ánh Ngọc, Đặng Nguyễn Vân Nhi và Vy Ngân là 3 cây bút trưởng thành từ lò đào tạo của Nhà thiếu nhi Đồng Nai và đều đã được giải A ở các cuộc thi văn thơ của Nhà thiếu nhi hằng năm.

Văn Ánh Ngọc giản dị, nhẹ nhàng trong câu chữ, ý thơ “Tháng Sáu về qua ngõ/ Bắt gặp một cơn mưa/ Cơn mưa qua cửa sổ/ Bắt gặp một kẻ khờ/ Kẻ khờ ngồi ngơ ngẩn/ Bắt gặp những ngày xưa/ Ngày xưa không về nữa/ Bắt đền ai bây giờ” (Bắt đền ai bây giờ ). Nhưng rồi anh cũng đã bắt đầu “phức tạp” trong tìm tòi thể hiện, và đã tạo được ấn tượng nhất định.

Với bài thơ Buồn thì không vui mới là bước khởi động, đến bài Chúng ta đang làm gì trong lúc mọi điều thẳng nghiêng đã có những gặt hái. “Thèm khi lặng tiếng ồn ào… Giáo đường - chỉ mỗi mình vào cầu kinh…” là một ý thơ mới, đa nghĩa.

Trong Những ánh sao rơi của Đặng Nguyễn Vân Nhi, bài thơ khá cuốn hút, có nét mới lạ của giọng thơ hiện đại: “Tôi buốt mình khi nhìn những ánh sao rơi/ Những vết sẹo xưa được cời lên nhức nhối”... Còn với Yên khi “Anh chạm vào em thật nhẹ, thật lâu/ Những vết sẹo run run/ Những vết sẹo ngại ngùng/ Những vết sẹo tự ti cô độc” và “Em ngồi cạnh bên thật khẽ, thật lâu/ Trong im thinh thay một ngàn lời nói/ Trong nhiều trăm lá thư đã gửi/ Chứa rất nhiều giấc mơ/ Những giấc mơ khi anh còn bé thơ/ Những giấc mơ khi anh chờ ai khác/ Những giấc mơ khi anh còn phiêu bạt/ Những giấc mơ xước xát khi anh lạc lối giữa chính mình”. Vẫn chất giọng hiện đại ấy, tuy nhiên sau đó còn nhiều nét phác vội dẫu là cố ý.

Với Nắng thủy tinh của Vy Ngân: “Nắng rơi rồi em/ Rơi từng mảnh một” và ‘Đợi nắng về em vừa khéo mang phơi” là một câu thơ hay! Hai bài thơ trong chùm Yêu em và Yêu xa, Vy Ngân trở về bút pháp truyền thống, trữ tình, dung dị, đằm thắm.

Lê Phan Hiếu Anh là cây bút trẻ xuất hiện trong những năm gần đây, có sự trưởng thành, bứt phá đáng ghi nhận. Thơ Hiếu Anh ngày càng chắc tay, ngôn ngữ tìm tòi, chắt lọc, đi cùng thể nghiệm tươi mới trong cấu tứ, ý tưởng.

Tứ tuyệt lục bát Cố đô (thăm Huế) cũng là bài thơ thành công Bây giờ lạc vào cổ xưa/ Ai người gọi nắng hô mưa xứ này? Vẳng trong năm tháng vơi đầy/ Vẫn còn vọng tiếng/ Gươm mài/ Lợi danh...”. Đến cố đô mà còn nghe được “tiếng gươm mài lợi danh” thì đã là một phát hiện.

Người lớn buồn cũng tạo nên ấn tượng. Xin “khuyên son” những  câu thơ: “Hôm nay người lớn buồn/ Lè nhè độc ẩm bên rượu bia, thuốc lá/ Trách đời mình như vụng bọt trắng xóa/... Hôm nay người lớn buồn/ Đặt bút nhào nặn nên một nỗi buồn người lớn”. Nỗi buồn người lớn nhưng là niềm vui sáng tạo của người trẻ Lê Phan Hiếu Anh.

Chùm thơ của Trần Huynh Quỳnh để lại ấn tượng với những câu thơ trong trẻo: “Cá lóc, cá rô, rau xanh đượm chất/ Ngồi đây mà như không muốn về/ Dưới chân nước chảy/ Dợn phù sa/ Vun đắp cho tình yêu mình lặng lẽ” (Bông súng quê). Quay lại Hậu Giang là bài thơ lục bát với ngôn ngữ mới, cách nói mới. Tuy nhiên, có từ do ép theo vần nên đảo trật tự nghe chưa thuận, chưa diễn được ý muốn.

Có câu cần nâng cao, tránh rơi xuống vè “Hình như là rất xa rồi/ Quên đi là chắc sẽ dồi dào hơn”. Dù sao cũng rất đáng biểu dương và hy vọng khi biết rằng tác giả là người khuyết tật. Tin rằng, ý chí, nghị lực cùng với năng khiếu sẽ đưa Trần Huynh Quỳnh tiếp tục tiến lên trên con đường sáng tạo thi ca.

Lê Nguyễn Hà Ngọc là tác giả được điểm tới sau cùng. Bởi tôi muốn dùng một bài thơ của em có cái tên rất hay, rất ấn tượng để khép lại bài điểm tác giả sơ sài này. Cuối cùng sau những phong ba/ Anh về ngồi dưới hiên nhà có em. Chúng ta ai mà không mong ước điều đó, mong ước hạnh phúc. Tên bài thơ hay và nội dung cũng khá thú vị. Nhiều câu thơ dễ thương: “Trái tim anh có thể dựa vào/ Nơi chốn này có em thương anh/ Cùng một chú mèo béo”.

Một bài thơ khác Anh ơi, anh à… Thơ có cảm xúc, có hình tượng, ngôn ngữ thơ. Có những câu khá thú vị: “Bon chen, xô đẩy khắp/ Giẫm đạp ngoi đến trời”.

Con đường sáng tạo thơ ca của Lê Nguyễn Hà Ngọc cũng như các bạn khác cần thời gian và thêm nhiều lao tâm khổ tứ để đi tới thành công nhưng không thể phủ nhận những xuất hiện bước đầu này.                   

Đàm Chu Văn

Tin xem nhiều