Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi động các dự án giao thông kết nối vùng

07:10, 01/10/2022

Việc khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM được xem như bước "khởi động" cho hàng loạt dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Việc khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM được xem như bước “khởi động” cho hàng loạt dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Ví trị dự kiến xây dựng cầu Nhơn Trạch, hạng mục quan trọng nhất trong dự án thành phần 1A. Ảnh: P.Tùng
Ví trị dự kiến xây dựng cầu Nhơn Trạch, hạng mục quan trọng nhất trong dự án thành phần 1A. Ảnh: P.Tùng

* Thêm tuyến kết nối mới

Ngày 24-9 vừa qua, Bộ GT-VT đã chính thức khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM.

Dự án thành phần 1A có chiều dài hơn 8km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận H.Nhơn Trạch và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức (TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 6,3km. Đây là đoạn đầu của tuyến đường vành đai 3 - TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6,9 ngàn tỷ đồng gồm nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được Bộ GT-VT giao làm chủ đầu tư dự án) Trần Văn Thi cho biết, việc khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trach (giai đoạn 1), một cấu phần trong dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước mắt, dự án khi hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác sẽ giúp kết nối giữa H.Nhơn Trạch với TP.Thủ Đức, giúp giảm thời gian vận tải. Trong dài hạn, đây là bước tiền đề để giúp hoàn thiện toàn bộ dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM. “Tuyến đường này có vai trò kết nối giao thông cho cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và sẽ được hoàn thành cùng thời gian với sân bay Long Thành giai đoạn 1, từ đó giảm tải cho tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây” - ông Trần Văn Thi cho hay.

Đối với dự án thành phần 1A, Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao mặt bằng được khoảng 1,1km trên tổng số 6,3km đoạn qua địa bàn tỉnh. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND H.Nhơn Trạch và các sở, ngành tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trong quý IV-2022.

Đối với riêng Đồng Nai, dự án thành phần 1A được khởi công cũng đã chấm dứt sự chờ đợi kéo dài hơn 10 năm qua. Đồng thời, mở ra những thời cơ mới về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là đối với sự phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, H.Nhơn Trạch có vị trí tiếp giáp với TP.HCM về phía Tây thông qua hệ thống các sông: Lòng Tàu, Nhà Bè, Đồng Nai. Đây là lợi thế, tạo điều kiện thuận lợi cho H.Nhơn Trạch phát triển nhưng cũng là rào cản không nhỏ trong việc kết nối giao thông.

Theo quy hoạch chung của đô thị mới Nhơn Trạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 1996, đô thị mới Nhơn Trạch được định hướng quy hoạch trở thành một trong các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, GD-ĐT và KH-CN của Đồng Nai nói riêng và của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Hướng phát triển của đô thị mới Nhơn Trạch là trở thành một đô thị loại II.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, do khó khăn trong việc kết nối giao thông đối ngoại, đặc biệt là kết nối giao thông với TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đến nay đô thị mới Nhơn Trạch vẫn chưa đạt được tiêu chí của một đô thị loại II, trong đó có tiêu chí thu hút dân cư đến sinh sống và làm việc.

“Dự án 1A khi đưa vào khai thác sẽ tạo thành hướng kết nối mới giữa Nhơn Trạch với TP.HCM và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tạo điều kiện to lớn cho việc phát triển và đưa Nhơn Trạch trở thành đô thị loại II. Đồng thời, tạo tiền đề cho việc hình thành và đầu tư hoàn chỉnh dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM theo quy hoạch” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

* Gia tăng kết nối giao thông vùng

Vùng Đông Nam bộ gồm có 6 địa phương: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Vùng có diện tích hơn 31 ngàn km2, chiếm 9,4% diện tích cả nước, với dân số hơn 19 triệu người, chiếm gần 20% dân số cả nước.

Với vai trò đầu tàu kinh tế, tỷ lệ đóng góp của vùng Đông Nam bộ chiếm khoảng 34% GDP của cả nước. Bên cạnh đó, Đông Nam bộ còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, 70% lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu của khu vực Tây Nam bộ đều thông qua cảng biển khu vực TP.HCM và cảng biển vùng Đông Nam bộ. Mặt khác, hàng hóa và hành khách giữa vùng Tây Nam bộ với vùng Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung đều thông qua TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TP.HCM nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung đang đối mặt với tình trạng quá tải, thiếu kết nối đồng bộ. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. “Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng Đông Nam bộ” - Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn đánh giá.

Chính vì vậy, theo thứ trưởng Lê Anh Tuấn, chủ trương của Đảng, chiến lược, quy hoạch đến năm 2030 và đến năm 2050 của cả nước nói chung và ngành GT-VT nói riêng tiếp tục xác định vùng Đông Nam bộ là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển, hàng không và logistics lớn của cả nước. Trong đó, một trong những ưu tiên hàng đầu chính là đầu tư mới hoặc nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường cao tốc xuyên tâm, đường vành đai nhằm gia tăng kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông toàn khu vực.

Bên cạnh dự án thành phần 1A, các đoạn còn lại của dự án Đường vành đai 3 - TP.HCM đang được các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo dự kiến, dự án này sẽ được khởi công vào tháng 6-2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Tương tự, 2 địa phương Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bộ GT-VT đang “chạy đua” tiến độ với dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 để có thể khởi công dự án vào tháng 6-2023; đồng thời, đảm bảo mục tiêu cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025.

Ngoài 2 dự án lớn nói trên, một loạt dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ khác như: dự án Đường vành đai 4 - TP.HCM, các cầu kết nối giữa Đồng Nai với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang được triển khai thực hiện.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều