Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo thu nợ cuối năm

10:01, 23/01/2017

Vào những ngày giáp tết, các doanh nghiệp vẫn hối hả với việc thu hồi công nợ. Tình trạng nợ nần dây dưa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ gặp không ít khó khăn do bị chiếm dụng vốn.

Vào những ngày giáp tết, các doanh nghiệp vẫn hối hả với việc thu hồi công nợ. Tình trạng nợ nần dây dưa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nhỏ gặp không ít khó khăn do bị chiếm dụng vốn. Để thu hồi nợ, không ít doanh nghiệp tính toán đến việc phải khởi kiện ra tòa.

Sửa chữa cơ khí tại Công ty TNHH Kỹ thuật Minh Hiển, phường An Bình, TP.Biên Hòa.
Sửa chữa cơ khí tại Công ty TNHH Kỹ thuật Minh Hiển, phường An Bình, TP.Biên Hòa.

Vì tính cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận việc bán hàng theo dạng gối đầu, để rồi sau đó vất vả trong việc thu hồi nợ.

Đủ kiểu nợ

Ông Nguyễn Hữu Phong, chủ Doanh nghiệp tư nhân Vạn Phúc Hưng (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất móc treo quần áo, cho biết nhiều năm nay ông rơi vào vòng luẩn quẩn trong việc bán hàng thu tiền theo dạng gối đầu nên rất áp lực thu hồi công nợ vào dịp cuối năm. Ông Phong chia sẻ: “Để tiêu thụ được sản phẩm và duy trì sản xuất, phải chấp nhận việc bán thu tiền chậm ở một số cửa hàng. Có những cửa hàng đến kỳ thanh toán khá dễ, nhưng có những cửa hàng đòi tiền vào dịp cuối năm rất khó; có khi cửa hàng phải cho nhân viên đến “nằm vạ” mới thu được tiền”.

Ở lĩnh vực sản xuất cơ khí, giám đốc một công ty sản xuất nhà xưởng tiền chế ở huyện Trảng Bom cho hay, có đối tác đang nợ công ty số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng suốt nhiều năm qua nhưng chưa thu hồi được và ông dự kiến sẽ khởi kiện tòa. “Có cái khó là chủ doanh nghiệp đó vẫn nhận sẽ trả, nhưng vin vào khó khăn nên chưa thanh toán được. Tôi cũng lo khi tòa xử mình thắng nhưng việc thi hành án bất khả thi thì sao?” - ông giám đốc này ái ngại. Việc nợ đọng dây dưa quả thực không dễ xử lý.

Ông Nguyễn Nhật Thiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thiết bị công nghệ môi trường Hoàng Thiên Phát (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), cho hay có những khách hàng chây ỳ trả nợ đến mức ông phải sử dụng biện pháp dọa, nếu không trả nợ sẽ thông báo việc nợ nần với các đối tác làm ăn của doanh nghiệp đó để gây áp lực, khi ấy mới thu hồi được nợ.

Lời giả, lỗ thật

Theo ông Phạm Thế Linh, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), việc quản lý nợ chính là quản lý dòng tiền. Rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trên giấy tờ sổ sách tính toán là lãi, nhưng thực tế lỗ do không kiểm soát được các khoản nợ. “Trước đây, doanh nghiệp tôi cũng rơi vào tình trạng này. Khi bán hàng tính toán là lãi, nhưng do nợ đọng nhiều, vốn bị chiếm dụng trong khi vốn quay vòng sản xuất thiếu phải vay ngân hàng phải trả lãi, đó là chưa kể không thu hồi được nợ” - ông Linh nói.

Kinh nghiệm xử lý thu hồi nợ đọng của ông Linh là giảm dần mức bán thiếu, không nên chạy theo áp lực về doanh số; chuyển dần sang bán hàng thu tiền ngay và sử dụng những phương án như tăng chiết khấu hay khuyến mãi hỗ trợ khách hàng để bù cho việc này. Với một số đơn vị thật uy tín mới cho gối đầu nhưng cũng chỉ ở một mức cho phép, ít gây ra rủi ro và chỉ cho thiếu đến khoảng giữa năm là phải thu hồi nợ.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch sáng lập Công ty cổ phần thuế kế toán Luật Việt Á (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho rằng việc thu hồi nợ của các doanh nghiệp không nên để dồn vào cuối năm, bởi thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp rất cần tiền mặt để trang trải, vì vậy khả năng thu hồi nợ rất thấp. Theo ông Tuấn, thời điểm để thu hồi nợ trong năm vào khoảng quý III là vừa.

Vân Nam

Tin xem nhiều