Báo Đồng Nai điện tử
En

Hàng trăm cơ sở ô nhiễm chưa di dời khỏi khu dân cư

02:03, 25/03/2019

Theo các quyết định của UBND tỉnh, Đồng Nai có hơn 800 cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu đô thị, khu dân cư vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch.

Theo các quyết định của UBND tỉnh, Đồng Nai có hơn 800 cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu đô thị, khu dân cư vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hơn 30% cơ sở vẫn chưa di dời.

Các lò sản xuất gốm tại TP.Biên Hòa phải di dời vào cuối năm 2015 để tránh ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn còn một số lò hoạt động
Các lò sản xuất gốm tại TP.Biên Hòa phải di dời vào cuối năm 2015 để tránh ô nhiễm, nhưng đến nay vẫn còn một số lò hoạt động

[links()]Từ năm 2012-2016, UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu đô thị. Trong đó gồm có  664 cơ sở (có những cơ sở ban hành quyết định 2 lần vì gia hạn thời gian di dời). Ngoài ra, tỉnh quy định 140 cơ sở sản xuất gạch nung (lò hoffman) có nguy cơ gây ô nhiễm cao phải di dời ra khỏi khu dân cư theo Quyết định 1469 của Chính phủ.

* Nhiều cơ sở vẫn chưa thực hiện

Các cơ sở trong khu đô thị, khu dân cư có nguy cơ gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch buộc phải di dời được chia thành 4 nhóm. Trong đó, theo Quyết định số 891 ngày 28-3-2012 thì nhóm 1 gồm 136 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô buộc phải làm cam kết bảo vệ môi trường; nhóm 2 có 37 cơ sở sản xuất gốm sứ hầu hết nằm trên địa bàn TP.Biên Hòa; nhóm 3 có 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô lớn đến mức phải có báo cáo, đánh giá tác động môi trường; nhóm 4 khoảng 309 cơ sở chăn nuôi, giết mổ. Thời hạn di dời có 2 mốc là chậm nhất đến ngày 31-12-2014 và 31-12-2015, tùy nhóm.

Hơn 2 năm sau, ngày 4-6-2014 UBND tỉnh có Quyết định số 1631 điều chỉnh, bổ sung thêm 185 cơ sở vào danh sách này và thời gian di dời chậm nhất đến ngày 31-12-2015. Các cơ sở gốm sứ giao cho Sở Công thương phụ trách việc đôn đốc thực hiện di dời. Những cơ sở có quy mô đánh giá tác động môi trường giao cho Sở Tài nguyên - môi trường phụ trách việc di dời. Những cơ sở chăn nuôi, giết mổ và có quy mô cam kết bảo vệ môi trường thì giao cho các địa phương thực hiện.

Đến ngày 12-8-2016, UBND tỉnh có Quyết định số 2572 ban hành điều chỉnh, bổ sung, gia hạn thời gian di dời 129 cơ sở. Thời hạn chậm nhất là ngày 31-12-2017 với cơ sở cam kết bảo vệ môi trường và ngày 31-12-2018 với cơ sở có quy mô đánh giá tác động môi trường. Gần 40% các cơ sở phải di dời ra khỏi khu đô thị, khu dân cư thuộc lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và việc di dời rất khó khăn. Đặc biệt là những cơ sở chăn nuôi, vì đa số các hộ này chăn nuôi ngay tại nơi sinh sống.

Biểu đồ thể hiện số lượng cơ sở phải di dời vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch theo các quyết định của UBND tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện số lượng cơ sở phải di dời vì có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch theo các quyết định của UBND tỉnh. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết: “Cẩm Mỹ là nơi có số lượng cơ sở chăn nuôi heo phải di dời lớn nhất tỉnh. Những năm qua, huyện vận động, buộc người dân phải di dời chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để đảm bảo môi trường nhưng rất khó khăn. Thực tế chỉ có những trại chăn nuôi lớn di dời, còn các cơ sở chăn nuôi nhỏ không chịu thực hiện vì những vùng quy hoạch cho phát triển chăn nuôi có giá đất rất đắt đỏ”. Huyện Cẩm Mỹ có trên 200 cơ sở chăn nuôi phải di dời, nhưng chỉ có hơn 50 trại chăn nuôi lớn di dời đến những nơi phù hợp quy hoạch để phát triển.

Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho hay: “Huyện có 56 cơ sở chăn nuôi phải di dời, nhưng đến nay chỉ những trang trại lớn di dời, còn những trại nhỏ vẫn chưa thực hiện. Thời gian qua, chăn nuôi bị dịch bệnh, giá cả giảm sâu nên nhiều hộ đã bỏ nghề, số lượng còn lại huyện buộc làm cam kết bảo vệ môi trường, trường hợp gây ô nhiễm sẽ phải đóng cửa”.

Ngoài các cơ sở chăn nuôi thì các địa phương cũng có nhiều cơ sở sản xuất ngành nghề khác như: mộc, gạch, chế biến nông sản, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ... cũng phải di dời vì có nguy cơ gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế chỉ những doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực mới có thể di dời, còn những cơ sở, doanh nghiệp nhỏ thường “lần lựa” kéo dài thời gian với nhiều lý do là không tìm được nơi đến, thiếu vốn để đầu tư nhà xưởng sản xuất mới, đi xa khó tuyển dụng lao động... Đơn cử như TP.Biên Hòa còn không ít lò gạch, cơ sở sản xuất gốm vẫn chưa di dời.

* Thiếu vốn, thiếu điểm đến

Bên cạnh hàng trăm cơ sở phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh thì trên địa bàn tỉnh còn có 140 lò gạch hoffman cũng buộc phải dừng hoạt động vào cuối năm 2017 và cuối năm 2018 để di dời đến nơi phù hợp quy hoạch và chuyển đổi công nghệ sang lò tuynel. Thế nhưng đến nay hầu hết các lò gạch trên cũng chưa dừng hoạt động. Theo các cơ sở nói trên thì họ rất khó tìm được nơi đến, vì đất đai hơn 2 năm trở lại đây giá rất cao. Các cơ sở phần lớn là sản xuất nhỏ nên thiếu vốn để mua đất, đầu tư nơi sản xuất mới.

Công ty TNHH sản xuất gạch men King Minh ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa) hiện đã quá hạn nhưng vẫn chưa di dời xong
Công ty TNHH sản xuất gạch men King Minh ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa) hiện đã quá hạn nhưng vẫn chưa di dời xong

Đơn cử như tại huyện Trảng Bom có khoảng 45 cơ sở phải di dời, trong đó đa phần là các doanh nghiệp sản xuất gỗ, chế biến nông sản.

Bà Phan Thị D. ở xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) bày tỏ: “Cơ sở của tôi chuyên sơ chế nông sản để xuất khẩu. Theo quy định, tôi phải di dời chậm nhất vào cuối năm 2015, nhưng dời đến đâu để sản xuất? Không có điểm đến, không ưu đãi về đất đai, vốn vay thì các cơ sở nhỏ như của tôi rất khó đủ điều kiện đầu tư mới để sản xuất”. Cũng theo bà D. nếu tỉnh, huyện “làm căng” thì bà buộc phải dừng sản xuất và chuyển sang nghề khác.

Thực tế, các cơ sở sản xuất trong khu đô thị, khu dân cư phải di dời chủ yếu là đang hoạt động trên đất của gia đình, nhà xưởng xây dựng theo kiểu mở rộng dần. Nếu cơ sở phải dời đến nơi sản xuất mới thì đầu tiên phải có khoản tiền lớn để mua đất, xây dựng mới nhà xưởng từ đầu và mua thêm máy móc, thiết bị, vì nhiều loại máy móc, thiết bị không thể tháo dỡ mang đến nơi mới. Cụ thể một cơ sở sản xuất gỗ, sơ chế nông sản, sản xuất cơ khí nhỏ khoảng 8-15 công nhân khi di dời đến nơi mới phải đầu tư khoảng 5-8 tỷ đồng.

* Vốn ít, khó vào cụm công nghiệp

Bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho hay: “Còn nhiều cơ sở quá hạn chưa di dời được theo quy định của tỉnh là vì thiếu nơi đến. Hiện nay, huyện mới chỉ có 1 cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng để yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở di dời đến, nhưng do diện tích nhỏ nên chỉ đáp ứng được một số doanh nghiệp”.

Những năm qua, tỉnh có quy hoạch 27 cụm công nghiệp với mục đích chính là di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch di dời vào. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới có khoảng 5 cụm công nghiệp hoàn thành hạ tầng, còn lại vẫn đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng, hoàn tất thủ tục đầu tư hoặc chưa tìm được chủ đầu tư. Nhưng theo tính toán của các chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp thì giá cho thuê đất trong cụm công nghiệp cũng sẽ gần bằng thuê đất trong các khu công nghiệp. Theo đó, nếu không có chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, tiền hạ tầng, vốn vay ưu đãi, các cơ sở rất khó đủ khả năng thuê đất và sản xuất đúng chỗ, đúng nơi.

Hương Giang

Tin xem nhiều