Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông sản ùn ứ vì Trung Quốc đóng cửa khẩu

09:12, 23/12/2021

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất, nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc lại xuất hiện tình trạng ùn tắc. Tính đến ngày 21-12, có khoảng 6,2 ngàn xe hàng hóa, nông sản của Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc.

Theo Tổng cục Hải quan, hoạt động xuất, nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc lại xuất hiện tình trạng ùn tắc. Tính đến ngày 21-12, có khoảng 6,2 ngàn xe hàng hóa, nông sản của Việt Nam ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc.

Giá xoài giảm sâu khi cửa khẩu Trung Quốc tạm đóng cửa. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Giá xoài giảm sâu khi cửa khẩu Trung Quốc tạm đóng cửa. Trong ảnh: Thu hoạch xoài tại xã Phú Ngọc, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Nông sản ùn ứ ở cửa khẩu không còn là chuyện mới xảy ra mà đã lặp lại nhiều lần và cần nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ từ tổ chức sản xuất, sản xuất, chế biến, vận tải, chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa đến quản lý xuất nhập khẩu chứ không phải chỉ dừng lại ở việc thỏa thuận thông quan giữa 2 nước.

* Bị động trước yêu cầu mới

Ngay khi có thông tin Trung Quốc tạm đóng các cửa khẩu, không chỉ hàng ngàn xe nông sản bị “giam” mà tại các địa phương, các mặt hàng trái cây tươi, nông sản xuất khẩu lập tức rớt giá không phanh. Cụ thể, hiện thanh long ruột đỏ xuất khẩu tại Đồng Nai đang được thu mua với giá khoảng 30 ngàn đồng/kg vào tháng trước thì nay rớt chỉ còn 5-6 ngàn đồng/kg; xoài Đài Loan đang có giá 30-35 ngàn đồng/kg thì nay thương lái tạm ngưng thu mua vì không xuất khẩu được, giá xoài bán cho thị trường nội địa chỉ còn vài ngàn đồng/kg.

Trước tình hình ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu Trung Quốc, Phó thủ tướng LÊ VĂN THÀNH đã có văn bản chỉ đạo với các bộ, ngành và địa phương liên quan. Riêng với các địa phương, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, DN trên địa bàn thực hiện nghiêm túc văn bản khuyến cáo của các Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT về thị trường xuất khẩu nói chung, thị trường Trung Quốc nói riêng và diễn biến hoạt động thông quan tại cửa khẩu biên giới.

Từ hiệu ứng xấu của thị trường xuất khẩu trái cây tươi này, tình trạng rớt giá xảy ra đồng loạt với tất cả các mặt hàng trái cây tươi hay những nông sản đang bị ùn ứ tại cửa khẩu Trung Quốc.

Tuy nguyên nhân bề nổi là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng phía dưới tảng băng chìm này là do những hạn chế, yếu kém của nền sản xuất hàng hóa manh mún, chưa xây dựng được chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ logistics cũng như sản xuất chưa gắn với chế biến… Cả doanh nghiệp (DN), thương lái và nông dân đều thiếu sự chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, nhất là trước những yêu cầu mới của thị trường. Vì ngoài chính sách nói không với dịch Covid-19, từ ngày 1-1-2022, Trung Quốc sẽ áp dụng một số chính sách mới khắt khe với hàng loạt quy định mới về các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam. Trong đó, nội dung rất quan trọng là Trung Quốc sẽ không khuyến khích nhập khẩu theo đường tiểu ngạch nữa. Rủi ro xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, sự cần thiết phải chuyển đổi sang đường chính ngạch là vấn đề thời sự đã được đặt ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thực sự được cả thương lái, DN quan tâm và chủ động trong việc chuyển hướng.

Ông Phạm Văn Đồng, Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, HTX bị thiệt hại nặng nề trong năm 2020 do Trung Quốc bất ngờ đóng cửa khẩu, khách hàng hủy hợp đồng, HTX không xuất khẩu được. Sau khi cửa khẩu thông quan, khách hàng không cam kết sẽ trả tiền đơn hàng vì thị trường khó khăn, nhưng trái chuối tươi không trữ lâu được nên HTX buộc phải đưa 10 container sang Trung Quốc và sau đó không được thanh toán. HTX bị thiệt hại do hoàn toàn bị động trong việc nắm thông tin thị trường và hoạt động của bạn hàng ở Trung Quốc.

Tại hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc do Bộ Công thương tổ chức vào tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh chỉ ra, xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc đã bộc lộ nhiều vấn đề như: xuất khẩu phụ thuộc vào các chợ, buôn bán không hợp đồng nên các quy ước quốc tế không có hiệu quả… Nhưng DN Việt Nam vẫn chậm trong việc chuyển sang xuất khẩu kênh chính ngạch, chậm nắm bắt những yêu cầu mới của Trung Quốc về kiểm soát an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... Trong khi đó, DN Thái Lan mượn cửa khẩu Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc rất nhiều, rất thuận lợi theo đường chính ngạch.

* Cần thay đổi từ gốc

Để câu chuyện ùn ứ nông sản không mãi tái diễn, ngành Nông nghiệp cũng cần thay đổi căn cơ từ quy trình canh tác đến khâu thương mại phải làm chuyên nghiệp, mua bán theo hợp đồng, khâu bảo quản như kho bảo quản, tạm trữ phải được đầu tư bài bản gắn với đầu tư chế biến...

Thanh long rớt giá do xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình đốn. Trong ảnh: Vườn thanh long tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất
Thanh long rớt giá do xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình đốn. Trong ảnh: Vườn thanh long tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất

Ông Đỗ Nam Trung, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết, tình trạng ùn ứ cục bộ trong xuất khẩu hang hóa của Việt Nam vào Trung Quốc do nước này thực hiện chủ trương “zero Covid-19” nên kiểm soát rất gắt gao, nhất là hàng đông lạnh, khiến thời gian thông quan kéo dài gây ùn ứ. Nhưng nguyên nhân chính là do trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị kiểm tra 100%, trong khi các loại trái cây có nguồn gốc từ Thái Lan và các nước ASEAN khác chỉ bị kiểm tra khoảng 30%. Nguyên nhân do tỷ lệ các lô hàng trái cây Việt Nam không đạt kiểm dịch của Trung Quốc, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây cũng làm tăng tỷ lệ kiểm tra, gây chậm trễ trong thông quan.

Việc ùn tắc nông sản tại cửa khẩu Trung Quốc là điều cảnh tỉnh đến chuỗi cung ứng nông sản của Việt Nam. Tại tọa đàm Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, chinh phục thị trường nông sản thế giới 2022 tổ chức ngày 22-12, chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, đã đến lúc nông sản Việt cần đi thẳng vào thị trường nội địa Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển chứ không chỉ đi qua đường bộ như hiện tại. Thị trường Trung Quốc đã thực sự thay đổi, không còn là thị trường “dễ tính” như trước; Việt Nam cần nâng cao năng lực từ khâu tổ chức sản xuất đến xây dựng chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản.

Các địa phương cũng phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nắm thông tin, liên kết chia sẻ thông tin giữa các địa phương vùng trồng về tình hình sản xuất, mùa vụ, sản lượng, thu hoạch để hợp tác xác định thị trường tiêu thụ hàng nông sản minh bạch, công khai có lợi cho người nông dân; tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối, điều tiết hàng đưa lên cửa khẩu biên giới hợp lý, hiệu quả.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều