Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam: Dễ mà chưa dễ

08:05, 07/05/2022

Một hội thảo do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức vào tháng 4 vừa qua cho thấy khởi sự kinh doanh (KSKD) tại Việt Nam so với trước đây ngày càng được thuận lợi hơn, từ văn bản, chính sách đến thời gian thực hiện đã được rút ngắn. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, KSKD vẫn đang trong tình trạng "dễ mà chưa dễ".

Một hội thảo do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức vào tháng 4 vừa qua cho thấy khởi sự kinh doanh (KSKD) tại Việt Nam so với trước đây ngày càng được thuận lợi hơn, từ văn bản, chính sách đến thời gian thực hiện đã được rút ngắn. Tuy nhiên, đánh giá khách quan, KSKD vẫn đang trong tình trạng “dễ mà chưa dễ”.

Gia nhập thị trường và phát triển vẫn đang là rào cản đối với hầu hết các doanh nghiệp mới. Ảnh: V.Gia
Gia nhập thị trường và phát triển vẫn đang là rào cản đối với hầu hết các doanh nghiệp mới. Ảnh: V.Gia

Thành lập doanh nghiệp (DN), gia nhập thị trường thuận lợi nhưng làm sao để DN hoạt động, tồn tại và phát triển được mới là vấn đề.

* Tiếp tục cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho KSKD

Sự thuận tiện và nhanh chóng trong tiến hành thủ tục KSKD giúp tăng tỷ lệ gia nhập thị trường, kích thích môi trường khởi nghiệp và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn trong nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu cho thấy, gánh nặng lớn về thủ tục hành chính đối với DN là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế bị trì trệ, cộng đồng DN còn nhiều yếu kém, độ hấp dẫn đầu tư thấp... Đó là lý do khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đang cố gắng cải cách thủ tục KSKD để khuyến khích sự mở rộng của nền kinh tế chính thức, thu hút đầu tư, xóa đói giảm nghèo.

Theo các kết quả điều tra của VCCI, trong nhiều năm liên tục, thủ tục đăng ký DN, một thủ tục trong KSKD, luôn được DN ở các tỉnh, thành đánh giá là lĩnh vực chuyển đổi nhanh và đều đặn nhất; được kết nối hệ thống thông tin tốt nhất, áp dụng cơ chế liên thông sớm nhất so với các lĩnh vực khác. Và quan trọng hơn cả, đằng sau những tiến bộ này là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy theo hướng phục vụ DN nhiều hơn.

Bên cạnh đó là các tiến bộ gần đây như: Luật DN 2020; Nghị định 122/2020/NĐ-CP phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN; Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài. Các quy định pháp luật này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mới, thông thoáng hơn nữa trong việc đăng ký thành lập DN, KSKD.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) Đinh Tuấn Minh nhận định, thủ tục đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đã được rút gọn, cắt giảm nhiều bước. So với trước, quy trình đăng ký thành lập DN đã giảm được 1/2 thủ tục, số đơn vị một DN phải tương tác còn 4 đơn vị, nhiều thủ tục đã được hủy bỏ như: bước làm dấu và thông báo mẫu dấu, cập nhật thông tin đăng ký DN với phòng đăng ký kinh doanh, thuế môn bài, trình báo sử dụng lao động…

* Thành lập dễ nhưng tồn tại khó

Nhiều chuyên gia, đại diện DN, hiệp hội DN nhận định mặc dù đã được cải thiện nhiều song môi trường kinh doanh vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Số lượng DN gia nhập thị trường có tăng nhưng chất lượng và con số trụ lại được rất thấp. Đơn cử như TP.HCM có 500 ngàn DN đã đăng ký thành lập nhưng thực tế chỉ có khoảng một nửa đang hoạt động. Đây cũng là tình trạng tương tự với
các địa phương khác.

Theo ông NGUYỄN HỮU NAM, Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM, những ý kiến đóng góp của chuyên gia, cộng đồng DN sẽ là cơ sở để VCCI có những báo cáo đánh giá, khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành có những chính sách phù hợp hơn. Từ đó giúp cho việc gia nhập thị trường của DN được thuận lợi, DN có thời gian và điều kiện xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, đại diện Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng các chính sách của Nhà nước đang hướng tới mục tiêu giảm giấy tờ, giảm chi phí, giảm thời gian cho DN, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được như ý muốn. Sức sống của DN sau khi thành lập, gia nhập thị trường là thước đo cho sức mạnh của nền kinh tế, mặc dù vậy, số lượng DN thực sự đang hoạt động không cao.

Ông Nguyễn Đình Tuệ đề nghị nên bỏ mã hóa ngành nghề cho DN khi đăng ký vì ghi trên giấy kinh doanh không để làm gì cả; làm mất nhiều thời gian thụ lý, xử lý hồ sơ cho DN và cơ quan nhà nước. Nếu loại bỏ điều này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực.

Tương tự, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng nêu thực tế là theo quy định, giấy tờ thì các chính sách được thông thoáng, thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây khi DN gia nhập thị trường. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, sau thành lập DN là cả một vấn đề. DN nhỏ, vừa mới bước vào thị trường, sức cạnh tranh còn thấp, lại thiếu thốn rất nhiều, từ nhân lực đến công nghệ, tài chính và đối tác, thị trường… Trong bối cảnh cạnh tranh như vậy, nếu không được hỗ trợ, DN sẽ rất khó để tồn tại.

“Với những DN đang có thể hoạt động như hiện nay là cả quá trình dài, gian khổ, vật lộn để thích ứng. Chúng tôi mong muốn những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho DN và sự hỗ trợ phải đi vào thực chất, không mất thời gian cho các thủ tục phi chính thức” - ông Hưng mong muốn.

Theo nhận định của các chuyên gia, dù đã thuận lợi hơn, song để “mơ” việc đăng ký kinh doanh, gia nhập thị trường, KSDN thuận lợi thực sự thì còn rất nhiều vấn đề. Quá trình thực hiện còn vướng các rào cản, ứng dụng công nghệ, số hóa trong công tác đăng ký, quản lý kinh doanh và DN cần có thêm thời gian.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, cần phải xây dựng nền tảng làm đầu mối tiếp nhận thông tin đăng ký DN duy nhất, cải thiện chất lượng dịch vụ hỗ trợ đăng ký DN qua mạng; sắp xếp giao diện để dễ dàng truy xuất từng loại hình DN và thủ tục cụ thể, có thể áp dụng phương thức xác thực thông tin cá nhân thông minh, giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí.

Văn Gia

Tin xem nhiều