Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất nông nghiệp: Thời của phân bón hữu cơ, thuốc sinh học

07:06, 21/06/2022

Sản xuất nông nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất an toàn, vừa đảm bảo việc tăng năng suất, sản lượng, vừa giải quyết bài toán hạn chế những yếu tố bất lợi với sức khỏe con người, có hại đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sản xuất nông nghiệp đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất an toàn, vừa đảm bảo việc tăng năng suất, sản lượng, vừa giải quyết bài toán hạn chế những yếu tố bất lợi với sức khỏe con người, có hại đến môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân tìm hiểu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại gian hàng trưng bày của doanh nghiệp tham gia Tuần lễ Tôn vinh trái cây Đồng Nai tại TP.Long Khánh
Nông dân tìm hiểu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại gian hàng trưng bày của doanh nghiệp tham gia Tuần lễ Tôn vinh trái cây Đồng Nai tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Theo đó, để tiết kiệm chi phí sản xuất, nông dân ngày càng quan tâm chuyển đổi sang sản xuất sạch tự làm phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. Đặc biệt, nhiều tập đoàn lớn đang tập trung xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng hữu cơ cũng góp phần không nhỏ khuyến khích ngành sản xuất trong nước chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng an toàn.

* Đi vào thực chất canh tác an toàn

Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học đang có giá đắt đỏ hơn bao giờ hết. Theo đó, nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi sang hướng sản xuất hữu cơ, bỏ công tự làm phân bón, thuốc sinh học để hạ chi phí đầu vào. Nông sản an toàn nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ cũng có đầu ra tốt hơn đang khuyến khích nông dân mạnh dạn thay đổi thói quen chỉ chạy theo năng suất, bất chấp những mặt có hại của việc lạm dụng phân bón, thuốc hóa học.

Ông Vũ Văn Mạnh (nông dân ở xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu) chia sẻ: “Từ nhiều năm trước, tôi đã được tuyên truyền nhiều về lợi ích của việc sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhưng tôi chưa quan tâm nhiều. Khoảng 2 năm nay, địa phương tổ chức những lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn nông dân sử dụng men vi sinh để tự ủ phân bón hữu cơ và tự làm những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ”.

Bộ NN-PTNT đang tập trung triển khai đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đặt ra là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Thời gian đầu, ông Mạnh cũng như nhiều nông dân khác tại địa phương chưa mặn mà tham gia vì phân bón, thuốc hóa học có giá rẻ, tiện lợi trong sử dụng và thường có tác dụng ngay tức thời. Hơn 1 năm nay, giá phân, thuốc hóa học không ngừng leo thang. Đây là nguyên nhân khiến ông Mạnh và nhiều nông dân tại địa phương quyết định đầu tư dụng cụ tự ủ phân bón từ nguồn rác thải hữu cơ sẵn có trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Ông Mạnh sử dụng nguồn chất thải như: xác gà, vịt chết, bắt ốc sên hại vườn cây, cá tạp giá rẻ mua tại địa phương trộn với các loại rau, lá như cành cây chùm ngây…

Hiện ông Mạnh đã tự làm đủ phân bón cho vườn ổi và vườn mít rộng 1,3ha của gia đình; dùng những giải pháp sinh học để phòng, trừ sâu, bệnh hại cây trồng. Nhờ đó, ông tiết kiệm được chi phí sản xuất; đồng thời, sản phẩm trái cây sạch của nhà vườn đạt chất lượng cao, bán được với giá tốt hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.

Không bỏ công để tự làm phân bón hữu cơ, ông Trần Thanh Tùng, nông dân tại xã Bình Sơn (H.Long Thành), chọn cải tạo đất vườn bằng cách đến các trại chăn nuôi đặt mua phân bò, tận dụng nguồn mùn tự nhiên từ cỏ mục. Nhờ đó, những cây trồng khó chăm, khó chiều như sầu riêng, măng cụt trong vườn nhà ông Tùng phát triển rất tốt, cây sinh trưởng khỏe nên ít xuất hiện nấm, bệnh. Định hướng làm vườn cây an toàn cho mục đích phát triển du lịch vườn, ngay từ những ngày đầu, ông Tùng cũng ưu tiên chọn sử dụng các loại thuốc sinh học.

Theo ông Tùng: “Đầu tư làm vườn theo hướng hữu cơ có thể thời gian đầu chi phí cao, tốn công lao động hơn, nhất là hiệu quả không tức thời như phân, thuốc hóa học nhưng nhà vườn sẽ có lợi lâu dài. Em trai tôi có vườn sầu riêng gần 20 năm tuổi nhưng vẫn cho năng suất cao, chất lượng trái ngon nhờ chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ và các giải pháp sinh học, an toàn trong xử lý sâu, bệnh”.

* Tạo thuận lợi về chính sách

Sự chuyển hướng sản xuất của nông dân đã khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ, thuốc sinh học mở rộng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng vùng Đông Nam bộ của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Việt Nông (TP.HCM) nhận xét trước đây, thuốc sinh học khó cạnh tranh với các loại phân, thuốc hóa học. Nhưng những nông dân đã chuyển sang sử dụng thuốc sinh học thì họ sẽ gắn bó lâu dài. Điều đáng mừng hiện nay là nông dân chọn sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học đã có sự thay đổi căn cơ từ nhận thức. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm ưu tiên sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, góp phần rất lớn vào sự thay đổi này.

“DN cũng xác định hiện nay đang là cơ hội tốt để phát triển thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Theo đó, DN đang đẩy mạnh các hoạt động hội thảo về tận các vùng sản xuất; tổ chức đội ngũ hướng dẫn kỹ thuật về tận các nhà vườn, sát sao cùng nông dân trong chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn” - ông Danh nói. 

Năm 2019, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi của Công ty TNHH Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) đi vào hoạt động với công suất 200 tấn/ngày. Hiện DN đang triển khai kế hoạch nâng công suất lên 500 tấn/ngày, thị trường tiêu thụ không chỉ phủ khắp cả nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Công ty TNHH Trang Trại Việt Trần Quang Tính tính toán, khối lượng phân gà phát sinh tại các trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 1,46 triệu tấn/năm. Ngoài ra, tỷ lệ gà bị loại, gà chết trong quá trình chăn nuôi là lượng chất thải rất lớn và cần rất nhiều chi phí để xử lý. Mô hình liên kết quản lý, xử lý, thu gom và sản xuất phân bón hữu cơ từ phân và xác hữu cơ trong các trang trại chăn nuôi là một mô hình khép kín, mang lại lợi ích cho cả DN sản xuất lẫn người chăn nuôi. Để đạt mục tiêu nâng công suất nhà máy hiện tại lên 500 tấn/ngày, DN đang mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải chăn nuôi heo, góp phần giải quyết vấn đề rất lớn về môi trường hiện nay của Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về tổng đàn heo.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều