Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai định hướng thành "thủ phủ" công nghiệp của Đông Nam Á

07:08, 04/08/2022

Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản dự tính sẽ đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp để xây dựng thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho Đông Nam Á. Do đó, tới đây sẽ có làn sóng các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh.

Nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản dự tính sẽ đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào Đồng Nai trên lĩnh vực công nghiệp để xây dựng thành trung tâm cung ứng sản phẩm cho Đông Nam Á. Do đó, tới đây sẽ có làn sóng các DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai tìm hiểu sản phẩm của nhau để liên kết sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: K.Minh
Các doanh nghiệp Nhật Bản, Đồng Nai tìm hiểu sản phẩm của nhau để liên kết sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: K.Minh

Theo Sở KH-ĐT, đến đầu tháng 8-2022, Nhật Bản đã đầu tư vào tỉnh hơn 250 dự án với tổng vốn đăng ký trên 5,1 tỷ USD. Trong đó, các DN Nhật Bản đa số đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất các thiết bị, linh kiện điện tử, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng… Sản phẩm tiêu thụ nội địa, xuất khẩu qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

* Trở thành trung tâm cung ứng lớn

Từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 được khống chế, việc đi lại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ thuận lợi hơn nên nhiều đoàn DN Nhật Bản đã đến Đồng Nai tìm cơ hội hợp tác để liên kết đầu tư mới, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ. Các tập đoàn, DN đến từ Nhật Bản đánh giá rất cao môi trường đầu tư của tỉnh và đang tìm nơi để thuê đất với dự tính sẽ mở thêm các nhà máy mới để sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tổng giám đốc Công ty CP Justin (Nhật Bản) Shuji Oida cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các miếng đệm, gioăng cho nhiều ngành công nghiệp trên thế giới. Từ nhiều năm trước, Justin đã đầu tư sang các nước và hiện công ty đang tìm cơ hội đầu tư nhà máy sản xuất tại Đồng Nai để cung ứng sản phẩm cho thị trường nội địa và các nước Đông Nam Á. Tất cả nhà máy của công ty đều có dây chuyền sản xuất hiện đại và sản phẩm có chất lượng hàng đầu của Nhật Bản”.

Trong kế hoạch mở rộng đầu tư vào Đồng Nai, các DN Nhật Bản đều hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng cho toàn khu vực. Vì thế, họ mong muốn sẽ liên kết với DN khác ở Đồng Nai để tạo thành chuỗi khép kín, hạn chế phải nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào.

Ông Tsukasa Hirabara, Tổng giám đốc Công ty TNHH Acrowel Việt Nam (100% vốn Nhật Bản, ở Khu công nghiệp Long Thành, H.Long Thành), chia sẻ: “Acrowel đã đầu tư vào tỉnh hơn 10 năm và đã có nhiều lần mở rộng sản xuất. Sản phẩm của công ty là dây, que hàn và chủ yếu bán qua các nước. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã lắng xuống, công ty lên kế hoạch sẽ tiếp tục nâng công suất để bán sản phẩm cho các đối tác nước ngoài”.

* Nhiều tiềm năng thu hút đầu tư

Các DN Nhật Bản đã và sắp đầu tư vào tỉnh đều có chung đánh giá, Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp. Vì Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, gần TP.HCM, giao thông thuận tiện nên đặt các nhà máy sản xuất ở Đồng Nai sẽ giảm bớt được chi phí, thời gian vận chuyển hàng hóa tiêu thụ ở nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt tới đây, hàng loạt tuyến đường cao tốc được xây dựng hoàn thành giúp giao thông kết nối tốt hơn và cuối năm 2025, sân bay quốc tế Long Thành đưa vào khai thác cũng là lợi thế lớn cho các DN.

Đồng Nai hiện đứng trong nhóm các tỉnh, thành trên cả nước dẫn đầu về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 33 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, tới đây, khi Sân bay Long Thành, các đường cao tốc xây dựng xong sẽ có “làn sóng” FDI đổ vào tỉnh.

Ông Hiroyuki Ishii, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức thuộc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) cho hay: “Tập đoàn Sojitz đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành) và cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất xây dựng nhà máy sản xuất. Hiện khu công nghiệp thu hút được 66 DN nước ngoài, trong đó đa số là DN Nhật Bản. Các DN đầu tư vào khu công nghiệp phần lớn hoạt động hiệu quả, đã có nhiều lần tăng vốn, mở rộng sản xuất. Công ty đang hoàn tất thủ tục, tiến hành mở rộng khu công nghiệp để có thêm diện tích cho DN Nhật Bản và những DN khác thuê đất để đầu tư mới và mở rộng nhà máy”.

Đồng Nai được nhiều tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản như: Canon, Shiseido, Mitsubishi, Ajinomoto… chọn đặt nhà máy sản xuất và sản phẩm xuất khẩu qua các nước khu vực ASEAN, châu Âu, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất…

Ngoài các DN Nhật Bản thì nhiều DN Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan cũng dự tính sẽ chọn Đồng Nai làm nơi đặt các nhà máy sản xuất lớn để xuất khẩu. Nếu Đồng Nai chuẩn bị kịp thời quỹ đất lớn cho công nghiệp sẽ đón được nhiều tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Công nghiệp ở Đồng Nai vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Keijo Norvanto, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam, Đồng Nai là điểm đến được nhiều DN Phần Lan chú ý và lĩnh vực dự tính sẽ hợp tác đầu tư là công nghiệp, thương mại, năng lượng tái tạo. Một số DN Phần Lan đã đến tỉnh xây dựng nhà máy sản xuất và rất hiệu quả, đây sẽ là quảng bá tốt nhất cho tỉnh trong mời gọi DN Phần Lan cũng như các nước khác đưa vốn vào lĩnh vực công nghiệp.

Hiện nay, 4 đối tác lớn nhất của tỉnh là: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và châu Âu; sau 1-3 thập niên đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai đã có những DN tăng vốn gấp 2-4 lần so với ban đầu.

Khánh Minh

Tin xem nhiều