Báo Đồng Nai điện tử
En

HTX nông nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

07:08, 08/08/2022

Thời gian qua, HTX tham gia chuỗi liên kết nông nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng thương mại cũng như các nguồn vốn ưu đãi khác.

HTX nông nghiệp có vai trò quan trọng kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết. Dẫu vậy, thời gian qua, HTX tham gia chuỗi liên kết nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng thương mại cũng như các nguồn vốn ưu đãi khác.

Khu vực sơ chế hạt ca cao của HTX An Viễn, H.Trảng Bom. Ảnh: Bình Nguyên
Khu vực sơ chế hạt ca cao của HTX An Viễn, H.Trảng Bom. Ảnh: Bình Nguyên

Tại diễn đàn 970 do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 28-7, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, nhu cầu tín dụng, giải quyết các vấn đề liên quan đến thể chế, nông dân, nông thôn là nhu cầu bức thiết. Cần đáp ứng nhu cầu vốn nhiều hơn so với quy mô của các HTX; nhất là cần tập trung giải quyết, tháo gỡ về phương pháp đánh giá, định giá tài sản thế chấp của HTX.

* Cần vốn để khôi phục sản xuất

Khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, các HTX nông nghiệp đều gặp khó về nguồn vốn vì đầu ra nông sản gặp khó khăn trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Trong đó, ngay cả các HTX là chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn, xây dựng tốt các chuỗi liên kết sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn vay, nhất là nguồn vốn ưu đãi rất khó khăn, thậm chí không tiếp cận được.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (H.Xuân Lộc) Trương Văn Mỹ cho biết, thời gian qua, nhiều nông sản gặp cảnh khó khăn về đầu ra nhưng HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trái ca cao, sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu nên xã viên rất an tâm sản xuất.

Nhờ đó, HTX thu hút được nhiều xã viên tham gia. Chỉ qua hơn 1 năm hoạt động, từ 22 thành viên ban đầu nay đã tăng hơn 60 thành viên. HTX không chỉ đầu tư khâu sơ chế để làm ra nguồn hạt ca cao cung cấp cho doanh nghiệp mà còn tự sản xuất các sản phẩm bột ca cao, rượu ca cao và socola cũng như làm mô hình du lịch sinh thái vườn.

Hiện HTX có nhu cầu nguồn vốn lớn để khôi phục lại hoạt động của mô hình du lịch sinh thái phải tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. HTX cũng cần nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô xưởng sơ chế, chế biến cũng như đầu tư khâu bao bì, mẫu mã cho các sản phẩm từ hạt ca cao để sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Mỹ: “Việc tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là vốn ưu đãi bị “rớt ngay từ vòng gởi xe” vì HTX không có tài sản thế chấp để làm chủ thể vay vốn ưu đãi. Vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Khó khăn không nhỏ là hiện 1 ha đất nông nghiệp tại địa phương có giá trị cả chục tỷ đồng nhưng định mức giá trị tài sản của các ngân hàng cách khá xa so với thực tế”.

Cùng khó khăn, đại diện HTX Lâm San (xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ) cho biết, HTX là chủ đầu tư dự án cánh đồng lớn cho cây hồ tiêu tại Đồng Nai và xuất khẩu tốt mặt hàng này vào các thị trường khó tính, đặc biệt là châu Âu. HTX đang có nhu cầu nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô cánh đồng lớn cũng như dây chuyền chế biến sâu các sản phẩm từ hồ tiêu.

Hoạt động của HTX gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên rất cần sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn ưu đãi để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai dự án cánh đồng lớn, HTX vẫn chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi.

* Nhiều giải pháp khơi thông nguồn vốn

Tại diễn đàn 970 với chủ đề khai thông tín dụng phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX, ông Nguyễn Tiến Định, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Thực tế ngân sách đầu tư cho khu vực kinh tế tập thể HTX còn khá hạn chế. Tổng dư nợ đến năm 2021 của HTX nông nghiệp đạt 6 ngàn tỷ đồng và chỉ khoảng 7 ngàn HTX được hỗ trợ quỹ tín dụng, 3,7% được tiếp cận tín dụng hằng năm. Đây là con số rất khiêm tốn. Mỗi năm chỉ khoảng 45 HTX nông nghiệp được ưu đãi tín dụng từ quỹ phát triển”.

Việc tiếp cận chính sách tín dụng thương mại cũng còn nhiều khó khăn do HTX không có tài sản thế chấp, hồ sơ dự án không khả thi, sổ sách tài chính chưa rõ ràng, hiệu quả hoạt động hạn chế.

Theo ông Nguyễn Tiến Định, việc khó tiếp cận ngân hàng thương mại có thể dẫn đến nhiều hệ quả như các HTX không được khuyến khích đầu tư chế biến mà chỉ có thể tập trung thu gom. Năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX thấp dẫn đến việc hạn chế xây dựng chuỗi liên kết. Và đặc biệt là hình thành “bẫy” tín dụng hay “tín dụng đen” trong phát triển ở khu vực nông thôn.

Cũng tại diễn đàn trên, TS Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (TP.HCM) cho biết, thực trạng chung của các HTX nông nghiệp trong nước là khó tiếp cận được tín dụng. 70-80% nông dân phải mua thiếu vật tư nông nghiệp từ các HTX hoặc các HTX có hoạt động tín dụng cũng là tự phát.

TS Trần Minh Hải đề nghị, các ngân hàng thương mại cổ phần có thể liên kết sản xuất theo chuỗi để thực hiện khoản vay gắn với HTX. Việc thế chấp bằng hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản hoặc hợp đồng bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp liên kết với HTX là hợp lý.

Cùng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH-ĐT) Bùi Thu Thủy thừa nhận con đường tiếp cận đến hỗ trợ tín dụng cho các HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Hợp đồng liên kết, bảo lãnh của doanh nghiệp có giá trị thế chấp để vay vốn; trong đó các tài sản có giá trị như: nhà màng, trạm bơm… còn nhiều vướng mắc để trở thành tài sản thế chấp, cần phải khẩn trương tháo gỡ sớm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX tiếp cận khoản vay, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản NGUYỄN QUỐC TOẢN, các ngân hàng cần thay đổi “khẩu vị tín dụng” đối với lĩnh vực nông nghiệp. Vì đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa, mang lại giá trị kinh tế, xã hội cho địa phương trong chính lĩnh vực hoạt động; hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản cần được xem xét như một tài sản bảo lãnh trong vấn đề xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp; xây dựng sản phẩm liên kết ngân hàng bảo hiểm đối với nông nghiệp.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều