Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại

07:09, 24/09/2022

Ngoài Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025, tỉnh còn triển khai các đề án lớn như: chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel; Phát triển nông nghiệp đô thị Tây Nam…

Ngoài Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025, tỉnh còn triển khai các đề án lớn như: chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; Nghiên cứu khả thi phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel; Phát triển nông nghiệp đô thị Tây Nam…

HTX Dịch vụ nông nghiệp sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) có nhiều sản phẩm đạt OCOP của tỉnh
HTX Dịch vụ nông nghiệp sen Trường Phát (H.Nhơn Trạch) có nhiều sản phẩm đạt OCOP của tỉnh. Ảnh: B.Nguyên

Mỗi đề án, chương trình có một trọng tâm riêng nhưng đều tập trung vào mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của Đồng Nai trong phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

* Nhiều đề án lớn

Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra nhiều mục tiêu như: phát triển tích hợp, đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; tận dụng tối đa các cơ hội và lợi thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy phát triển sản xuất, mở rộng thị trường nông sản.

Xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, vừa sản xuất nông sản hàng hóa, vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái và tạo cảnh quan môi trường tốt đẹp cho con người; nông sản phải được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ chọn, tạo, sản xuất giống đến sản xuất và chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT CAO TIẾN SỸ, mục tiêu trong phát triển nông nghiệp giai đoạn mới gồm nhiều nội dung như: tạo sự đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ; áp dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng các chuỗi giá trị chế biến; xây dựng nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái... Từng địa phương sẽ xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, chuyển hướng sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ được chú trọng đẩy mạnh. Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông - lâm - thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao đạt tối thiểu 50%; tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt tối thiểu 80%.

Khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, Đồng Nai còn có đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu... Đề án khuyến khích các loại hình nông nghiệp sử dụng ít đất, không đất; sử dụng ít lao động, tận dụng lao động nhàn rỗi, lao động ngoài độ tuổi và đặc biệt ít có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Vùng kinh tế này còn chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị.

* Đảm bảo yếu tố bền vững

Tuy nhiên, nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta hiện vẫn còn nhiều tồn tại như: tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc…

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức  (H.Định Quán) xuất khẩu tốt
Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) xuất khẩu tốt

Những hạn chế trên được bộc lộ rõ hơn trong tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh, thiên tai, dịch bệnh ngày càng phức tạp; lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu; hậu quả và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19…

Phát triển chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ được cho là một trong những giải pháp để nông nghiệp phát triển bền vững. Để nhân rộng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, Đồng Nai bám sát mục tiêu phát triển HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng được những thương hiệu lớn cho nông sản địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đồng Nai nhận xét điều đạt được lớn nhất của chương trình OCOP là đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân, HTX về ý nghĩa của việc xây dựng chuỗi liên kết. Định hướng trong giai đoạn tới cần quan tâm đến việc triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực hơn cho chuỗi sản xuất để khai thác hiệu quả đặc sản. Từ đó, tạo ra sản phẩm OCOP chất lượng, mang tính độc đáo không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn có tên tuổi khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều