Báo Đồng Nai điện tử
En

Thu hút FDI không dễ về đích

07:11, 24/11/2022

Năm 2022, Đồng Nai có kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, việc hoàn thành chỉ tiêu đề ra không dễ do tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Năm 2022, Đồng Nai có kế hoạch thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Tuy nhiên, việc hoàn thành chỉ tiêu đề ra không dễ do tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ.

Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) còn nhà xưởng cho thuê nhưng chỉ với diện tích nhỏ
Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) còn nhà xưởng cho thuê nhưng chỉ với diện tích nhỏ. Ảnh: K.Minh

Theo UBND tỉnh, trong dòng vốn FDI dự kiến thu hút khoảng 700 triệu USD vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh và 400 triệu USD với các dự án ngoài KCN. Đến cuối tháng 10-2022, tỉnh thu hút vốn FDI được gần 1 tỷ USD.

* Vốn FDI vào KCN vượt kế hoạch

Tuy thu hút nguồn vốn FDI vào tỉnh gặp khó khăn, nhưng các KCN trên địa bàn đã về đích khá sớm. Trong 10 tháng của năm 2022, các KCN thu hút đầu tư FDI được 902 triệu USD, đạt 129% kế hoạch năm. Những dự án FDI thu hút mới chủ yếu trên lĩnh công nghiệp hỗ trợ, thực phẩm, nhựa, logistics. Hầu hết các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai Phạm Văn Cường cho biết: “Năm nay, thu hút vốn FDI vào các KCN trên địa bàn tỉnh không được thuận lợi, vì diện tích đất công nghiệp cho thuê còn rất ít. Do đó, những dự án FDI cần diện tích đất lớn, từ 5-10ha trở lên rất khó tìm KCN để thuê đất. Cũng vì không còn đất công nghiệp diện tích lớn để cho thuê nên tỉnh đã bỏ lỡ một số dự án lớn với tổng vốn đăng ký trên 1 tỷ USD”.

Nếu không gặp khó khăn vì thiếu đất công nghiệp cho thuê, năm nay Đồng Nai đã có thể thu hút vốn FDI vào các KCN hơn 2 tỷ USD. Bởi vì, trước khi quyết định đầu tư vào tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) dự tính đầu tư vào KCN công nghệ cao Long Thành. Tuy nhiên, do KCN này chậm tiến độ nên chưa có đất giao cho nhà đầu tư. Đầu năm 2022, Tập đoàn Lego chuyển dự án qua Bình Dương và Đồng Nai mất đi dự án trên 1 tỷ USD. Tương tự, Tập đoàn Pandora (chuyên sản xuất trang sức của Đan Mạch) dự tính đầu tư vào Đồng Nai hơn 100 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất trang sức hiện đại nhất khu vực. Thế nhưng, do không tìm được quỹ đất công nghiệp lớn để thuê nên tập đoàn đã dời dự án sang tỉnh Bình Dương.

Dòng vốn FDI vào KCN từ đầu năm đến nay có khoảng 380 triệu USD của dự án mới và 522 triệu USD các dự án tăng thêm vốn.

* Ngoài KCN vắng nhà đầu tư FDI

Ngoài công nghiệp, những năm gần đây, Đồng Nai cũng mời gọi các nhà đầu tư ngoại rót vốn vào các lĩnh vực khác như: logistics, thương mại dịch vụ, bất động sản, năng lượng tái tạo, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Tuy nhiên, vốn FDI vào những lĩnh vực trên còn rất ít, nguyên nhân chủ yếu vướng thủ tục hành chính, đất đai, quy hoạch, giữa các Luật: Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Xây dựng… còn chồng chéo. Điều này dẫn đến nhiều tập đoàn FDI muốn đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài công nghiệp gặp không ít trở ngại.

Từ năm 2021, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã đến TP.Biên Hòa tìm địa điểm đầu tư trung tâm thương mại. Đến tháng 5-2022, Đồng Nai trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho đại diện Tập đoàn Aeon.

Theo ông Tetsuyuki Nakagawa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Aeonmall Việt Nam, Aeon dự tính sẽ đầu tư dự án trung tâm thương mại khoảng 268 triệu USD tại TP.Biên Hòa. Thế nhưng, do chưa hoàn thành các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng nên dự án chưa thể triển khai. Vì thế, Đồng Nai chưa đón dòng vốn lớn từ Nhật Bản vào dự án thương mại ngoài KCN.

Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam Chien Chih Ming cho biết: “Các DN Đài Loan rất quan tâm và muốn mở rộng đầu tư vào Đồng Nai ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, thương mại dịch vụ, logistics. Tỉnh muốn thu hút được nhiều DN FDI đầu tư vào những lĩnh vực trên phải tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đầu tư, đất đai”.

Gần 2 năm nay, nhiều dự án ngoài KCN đã được cấp phép cũng phải tạm dừng vì các vướng mắc liên quan đến luật, nghị định, thông tư vượt quá thẩm quyền của tỉnh. Nếu tỉnh không đề xuất Trung ương sớm tháo gỡ những khó khăn trên, việc thu hút dòng vốn FDI vào những dự án mới những tháng cuối năm và năm tới sẽ tiếp tục ì ạch. Năm 2022, thu hút FDI có thể về đích nhưng riêng khu vực ngoài KCN sẽ không đạt kế hoạch.

Khánh Minh

Tin xem nhiều