Báo Đồng Nai điện tử
En

5 bảo vệ rừng phá chòi tôm lãnh án treo

10:06, 07/06/2017

Sau 2 ngày xét xử, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 7-6, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) với mức án từ 6-8 tháng tù (cho hưởng án treo) đối với mỗi bị cáo về tội hủy hoại tài sản.

Các bị cáo tại phiên tòa.
Các bị cáo tại phiên tòa.

Sau 2 ngày xét xử, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 vào ngày 7-6, Tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch đã tuyên phạt 5 bị cáo nguyên là nhân viên bảo vệ thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành (BQL rừng Long Thành) với mức án từ 6-8 tháng tù (cho hưởng án treo) đối với mỗi bị cáo về tội hủy hoại tài sản.

Cụ thể, bị cáo Lê Ngọc Tuân (30 tuổi) lãnh án 8 tháng tù; 4 bị cáo: Phạm Văn Ẩn (54 tuổi), Phạm Đức Tú (28 tuổi), Trương Văn Lớn (47 tuổi) và Lê Văn Lang (52 tuổi) cùng lãnh mức án 6 tháng tù. Mức án 5 bị cáo lãnh thấp hơn mức án mà đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch đề nghị.

* Ném 40 bao xi măng của dân xuống nước

Theo cáo trạng, sau khi được ông Nguyễn Văn Lộc (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, người trực tiếp ký hợp đồng giao khoán 18 hécta đất rừng ở xã Phước An để nuôi trồng thủy sản với BQL rừng Long Thành) ủy quyền, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc (34 tuổi, ấp Bà Trường, xã Phước An) tiếp tục thực hiệp hợp đồng với BQL rừng Long Thành.

Đến ngày 20-2-2016, bảo vệ thuộc BQL rừng Long Thành phát hiện bà Ngọc tự ý xây dựng chòi bằng bê tông cốt thép giữa đùng tôm nên tiến hành lập biên bản.

Ngày 26-2-2016, lực lượng bảo vệ rừng thấy 4 thợ xây đang tiếp tục xây dựng trái phép nên yêu cầu bà Ngọc dừng ngay việc thi công. Lúc này, một số người khống chế ông Nguyễn Văn Ni (cha bà Ngọc), còn 5 bảo vệ: Ẩn, Tú, Lớn, Lang và Tuân ném 40 bao xi măng của bà Ngọc xuống đùng tôm. Theo cơ quan điều tra, số xi măng bị ném xuống nước đã bị hỏng và bà Ngọc bị thiệt hại 3,4 triệu đồng.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nhơn Trạch còn công bố cáo trạng bổ sung thể hiện ngoài số tiền thiệt hại do bị ném xi măng xuống nước, bà Ngọc còn bị các ông: Lê Ngọc Tuân và Nguyễn Minh Tuấn (đều là nhân viên BQL rừng Long Thành) tháo dỡ 2 hộp cốt pha và phần công xây dựng, gây thiệt hại hơn 1,1 triệu đồng. Do thiệt hại do 2 ông Tuân và Tuấn gây ra chưa đủ mức xem xét xử lý hình sự nên cơ quan chức năng xử lý hành chính.

Đối với yêu cầu điều tra về việc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cáo trạng bổ sung không đề cập đến.

* Luật sư lại đề nghị tòa trả hồ sơ

Tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho rằng các bảo vệ rừng hủy hoại tài sản của bà để trả thù cá nhân, do bà thường xuyên tố cáo tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực gần đùng tôm của bà nhưng bảo vệ rừng không ủng hộ.

Để chứng minh, bà Ngọc trưng ra giấy tờ cho thấy trong thời gian nuôi tôm ở đây, bà đã 31 lần có đơn gửi đến cơ quan chức năng tố cáo tình trạng khai thác cát gây ô nhiễm môi trường (trong đó có 10 lần gửi đơn đến BQL rừng Long Thành), nhưng đều không được giải quyết.

Bà Ngọc cho biết thêm, từ khi vụ việc xảy ra đến nay, gia đình bà đã mất toàn bộ tài sản đầu tư vào khu đùng tôm (hơn 600 triệu đồng). Đối với hành vi hủy hoại tài sản của các bị cáo gây ra, bà bị thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, bà Ngọc và ông Ni còn gửi đơn tố cáo hành vi bắt giữ người trái pháp luật của một số bảo vệ rừng, nhưng chưa được xử lý.

Trả lời vấn đề bà Ngọc nêu ra, đại diện BQL rừng Long Thành cho rằng đơn vị không có thẩm quyền xử lý hoạt động khai thác cát ở đây, các bảo vệ liên quan đến sự việc không có thù oán cá nhân với bà Ngọc, hành vi của các bị cáo chỉ là bộc phát do quá nóng nảy trong việc xử lý hành vi xây dựng trái phép của bà Ngọc.

Bảo vệ quyền lợi cho bà Ngọc, luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho rằng kết quả điều tra bổ sung của cơ quan điều tra chỉ là đối chất giữa những người liên quan để xác định thêm số tài sản thiệt hại của bà Ngọc. Cơ quan điều tra đã không thực nghiệm lại hiện trường để xâu chuỗi các hành vi của những người liên quan nhằm làm rõ bản chất sự việc; đồng thời tách hành vi bắt giữ người trái pháp luật của một số người liên quan thành một vụ án khác là không hợp lý.

Theo luật sư Hưng, các cơ quan tố tụng phải xem xét cả trách nhiệm của BQL rừng Long Thành, bởi suốt quá trình xảy ra vụ việc đều có sự chỉ đạo và phân công của BQL rừng Long Thành. Từ đây, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để tiếp tục điều tra bổ sung làm rõ những vấn đề ông nêu ra.

Đối với những đề nghị của luật sư bảo vệ cho bà Ngọc, Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của các bị cáo nằm ngoài ý muốn của BQL rừng Long Thành nên không thể xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Hội đồng xét xử cũng đồng ý với quan điểm của viện kiểm sát tách hành vi bắt giữ người trái pháp luật để xem xét trong một vụ án khác.

Sau khi tòa tuyên án, phía bà Ngọc và luật sư bảo vệ quyền lợi cho biết sẽ kháng cáo vụ án lên cấp phúc thẩm.

Trần Danh

Tin xem nhiều