Báo Đồng Nai điện tử
En

Phá án từ dấu vết để lại

07:01, 09/01/2018

Công việc đặc thù của các cán bộ, chiến sĩ Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa là phải đi tìm kẻ gây án từ việc truy xét dấu vết, nghe đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Là đội kỹ thuật hình sự duy nhất được thành lập ở cấp huyện trong tỉnh, nhiều năm qua Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa đã góp phần rất lớn vào công tác điều tra, khám phá các vụ án.

Công việc đặc thù của các cán bộ, chiến sĩ Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa là phải đi tìm kẻ gây án từ việc truy xét dấu vết, nghe đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn trọng. Là đội kỹ thuật hình sự duy nhất được thành lập ở cấp huyện trong tỉnh, nhiều năm qua Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa đã góp phần rất lớn vào công tác điều tra, khám phá các vụ án.

Cán bộ Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa khám nghiệm hiện trường vụ mua bán động vật quý hiếm.
Cán bộ Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa khám nghiệm hiện trường vụ mua bán động vật quý hiếm.

“Xác định công tác khám nghiệm hiện trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thu thập các thông tin, chứng cứ cho việc điều tra vụ án, cán bộ kỹ thuật hình sự rất khẩn trương và thận trọng mỗi khi tiếp cận hiện trường làm nhiệm vụ” - Trung tá Bạch Đình Chiến, Đội trưởng Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa, bắt đầu câu chuyện về công việc của cán bộ kỹ thuật hình sự.

* Khâu quan trọng của điều tra

Trung tá Chiến nhấn mạnh việc triển khai công tác khám nghiệm kịp thời sẽ thu được nhiều dấu vết quan trọng, như: dấu vết sinh học, dấu đường vân..., từ đó có thể truy xét nhanh được đối tượng gây án.

Điển hình như vụ tìm ra kẻ trộm đột nhập nhà dân ở KP.2, phường Trung Dũng vào ngày 22-2-2017. Nhận được thông tin kẻ gian trộm nhiều đồ trang sức với tổng trị giá gần 300 triệu đồng, cán bộ kỹ thuật hình sự nhanh chóng đến khám nghiệm hiện trường, lấy dấu vân tay tại khu vực nghi kẻ trộm đột nhập và tẩu thoát. Không lâu sau đó qua kết quả tra cứu hồ sơ xác định kẻ trộm là Nguyễn Văn Hiếu (25 tuổi), hàng xóm của người bị mất trộm. Đối tượng Hiếu sau đó bị công an bắt giữ để phục vụ điều tra.

Hay như vụ mâu thuẫn, bắn nhau tại xã Tam Phước vào ngày 15-7-2017. Nhận được tin báo có một vụ nổ súng vào kính chắn gió một chiếc xe khách đang lưu thông trên đường, cán bộ kỹ thuật hình sự đã tiếp cận hiện trường và thu giữ được vỏ đạn. Qua khám nghiệm, Đội Kỹ thuật hình sự xác định được chủng loại súng từ vỏ đạn bắn ra, giúp cơ quan điều tra xác định được tính chất vụ việc và truy tìm đối tượng gây án.

Chỉ tính trong năm 2017, Đội Kỹ thuật hình sự Công an TP.Biên Hòa đã thực hiện khám nghiệm 546 vụ (tăng 56 vụ so với năm 2016), trong đó: trộm tài sản 261 vụ, cướp tài sản 29 vụ, cố ý gây thương tích 50 vụ, hiếp dâm 10 vụ, tự tử và chết do các nguyên nhân khác 130 vụ... Trong số vụ đã khám nghiệm, có 9 vụ thu được dấu vết đường vân, 2 vụ thu được dấu vết công cụ, phương tiện gây án, qua đó phân tích và gửi yêu cầu tra cứu thông tin.

* Phải nhẫn nại

Theo Trung tá Bạch Đình Chiến, cán bộ kỹ thuật hình sự sử dụng tất cả các trang thiết bị để tìm kiếm các dấu vết; thu giữ, bảo quản các dấu vết liên quan đến vụ án để tra cứu nhằm hỗ trợ công tác điều tra. Để có được kết quả chính xác nhất về đối tượng gây án, việc khám nghiệm phải được thực hiện hết sức tỉ mỉ, đúng trình tự; thu thập, ghi nhận chi tiết từng loại và từng dấu vết cụ thể. Đây là một khối lượng công việc rất lớn đối với các cán bộ kỹ thuật hình sự khi thực hiện khám nghiệm hiện trường một vụ án.

Bên cạnh đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp cũng như sự nhẫn nại, tỉ mỉ của cán bộ kỹ thuật hình sự, việc bảo vệ hiện trường là yếu tố rất quan trọng.

Trung tá Chiến cho biết khi các vụ án xảy ra, thường thì lực lượng công an xã, phường có mặt tại hiện trường đầu tiên, sau đó các lực lượng nghiệp vụ khác mới đến điều tra. Vì vậy, việc bảo vệ hiện trường ngay từ đầu phần lớn đều do lực lượng công an địa phương thực hiện. Thời gian gần đây, công an địa phương đã nâng cao nhận thức về việc bảo vệ hiện trường; khi các vụ án xảy ra, công an địa phương đã tổ chức bảo vệ hiện trường và thu thập thông tin ban đầu rất tốt.

Để tránh những sơ suất có thể xảy ra trong việc bảo vệ hiện trường, sau khi khám nghiệm các lực lượng đều tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm. Thông thường các dấu vết được thu giữ tại hiện trường là: công cụ, phương tiện gây án; đường vân; lông, tóc, vải sợi… Từ các dấu vết này, cán bộ kỹ thuật hình sự sẽ so sánh, phân tích ban đầu; khi đã có đủ các yếu tố cần thiết mới gửi đi giám định để xác định đối tượng. Để có được một dấu vết chính xác đưa đi giám định đòi hỏi cán bộ kỹ thuật hình sự trong quá trình thu thập dấu vết phải tỉ mỉ, cẩn trọng và có những nhận định chính xác, khoa học.

“Những vụ án hiếp dâm, giao cấu, ẩu đả tại các khu vực đông người, như: quán karaoke, quán bar hoặc các vụ trộm cắp tài sản thì việc thu giữ dấu vết gặp rất nhiều khó khăn. Hiện trường các vụ này phần lớn đã bị xáo trộn hoặc không còn nên để tìm ra được một dấu vết liên quan đòi hỏi cán bộ kỹ thuật phải thực sự tinh nhạy” - Trung tá Chiến cho biết.

Trung tá Bạch Đình Chiến cho biết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ kỹ thuật hình sự đã nhiều lần phát hiện ra hiện trường vụ án là giả. Đó thường là những vụ báo mất trộm, báo cướp giả nhằm che đậy một ý đồ nào đó. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, các cán bộ kỹ thuật hình sự đã lật tẩy chiêu trò của những người này.

Ngày 1-4-2013, Võ Quốc Phong (36 tuổi, người trông giữ sà lan cho một hợp tác xã ở TP.Biên Hòa) đến cơ quan công an trình báo chiếc sà lan Phong neo đậu trên một bến sông Đồng Nai (thuộc địa bàn TP.Biên Hòa) đã bị mất trộm. Theo khai báo của Phong, khoảng 19 giờ ngày 30-3-2013, khi Phong ra bến sông kiểm tra thì thấy một chiếc tàu kéo đang kéo trộm chiếc sà lan của Phong nên tri hô cầu cứu. Tuy nhiên, giữa đêm vắng không ai nghe thấy nên chiếc sà lan đã bị lấy mất.

Tuy nhiên, khi cán bộ kỹ thuật hình sự khám nghiệm hiện trường thì xác định thời điểm xảy ra vụ trộm sà lan (theo lời Phong khai báo), nếu có người tri hô thì chắc chắn những nhà dân ở gần đó sẽ nghe thấy. Trong khi đó, lời khai của Phong có nhiều mâu thuẫn nên cán bộ điều tra nghi ngờ Phong chính là kẻ trộm. Sử dụng biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với Phong, cuối cùng đối tượng thừa nhận đã trộm sà lan của hợp tác xã đem bán.

Trần Danh

Tin xem nhiều