Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Tập thói quen đi xe công cộng

08:05, 07/05/2018

Để giảm bớt tình trạng kẹt xe thì ngoài việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng cần đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Ở TP.Biên Hòa, trong khi lượng xe cá nhân tiếp tục tăng thì số hành khách đi xe buýt lại không nhiều, thậm chí giảm dần...

[links()]Để giảm bớt tình trạng kẹt xe thì ngoài việc đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng cần đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng. Ở TP.Biên Hòa, trong khi lượng xe cá nhân tiếp tục tăng thì số hành khách đi xe buýt lại không nhiều, thậm chí giảm dần...

Người dân lựa chọn đi xe buýt tuyến số 1. Đây là tuyến xe buýt có trợ giá, cơ sở vật chất tốt, phong cách phục vụ văn minh và lịch sự.
Người dân lựa chọn đi xe buýt tuyến số 1. Đây là tuyến xe buýt có trợ giá, cơ sở vật chất tốt, phong cách phục vụ văn minh và lịch sự.

Những năm qua, trước tình hình tai nạn giao thông tăng cao, đặc biệt là các loại phương tiện cá nhân nhiều đến chóng mặt dẫn đến một số tuyến đường bị kẹt xe vào giờ cao điểm, UBND tỉnh liên tục chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, tìm hướng tháo gỡ.

* Chú trọng Mạng lưới xe công cộng

Có thời gian Bộ Công an quy định mỗi người chỉ được đứng tên chính chủ 1 xe. Quy định hết sức áp đặt này khiến dư luận bức xúc, phản ứng quyết liệt vì đã làm ảnh hưởng đến quyền tự do đi lại của người dân, nên chủ trương “quản lý không được thì cấm” bị “phá sản” sau đó không lâu. Nêu lên thực tế này để thấy rằng một khi phương tiện cá nhân tăng ồ ạt chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Bởi nếu như mọi người đều lưu thông bằng phương tiện riêng thì các tuyến đường đều kẹt cứng.

Dịch vụ xe công cộng chưa đáp ứng yêu cầu

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, số lượng xe đưa rước công nhân của các doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại bằng phương tiện này. 80% còn lại, công nhân tự túc bằng xe cá nhân để đến nơi làm việc. Trong khi đó, mạng lưới giao thông công cộng, chủ lực là xe buýt thì chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Toàn tỉnh hiện có 25 tuyến xe buýt, nhưng đa số đều đã cũ kỹ, xuống cấp khiến người dân dè dặt mỗi khi lựa chọn.

Nhìn rộng ra, 2 đô thị lớn như TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lâu nay vẫn loay hoay khi tìm giải pháp chống kẹt xe. Tại 2 địa phương này, các ngành chức năng đề xuất phương án cấm xe máy vào nội ô thành phố. Riêng TP.Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến người dân về việc giảm dần xe 2 bánh, tiến tới bỏ hẳn phương tiện cá nhân để giảm lưu lượng xe, hạn chế tình trạng ùn tắc ở hầu hết các ngả đường trong giờ cao điểm.

Còn tại Biên Hòa, nhiều ý kiến chuyên gia gần đây cũng cho rằng giải pháp tháo gỡ thực trạng kẹt xe đã đến hồi báo động, cấp bách. Vì vấn đề này ảnh hưởng đến sự phát triển chung, đồng thời gây nhiều hệ lụy đến cuộc sống của người dân. Đó là thời gian bị đình trệ, mất thời gian, làm giảm sức lao động; là môi trường bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân… Do đó, một phương án góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe, nhất thiết phải tăng cường mở rộng các tuyến xe công cộng giá rẻ nhằm khuyến khích người dân di chuyển bằng loại hình này.

Nhiều người nhận định đến khi nào người dân có thói quen đi làm, đi việc riêng bằng phương tiện công cộng, hạn chế xe cá nhân thì lúc đó vấn nạn kẹt xe mới có thể giảm. Nhưng xem ra vấn đề này chưa thể diễn ra phổ biến khi người dân vẫn có thói quen sử dụng xe cá nhân, kể cả trên những đoạn đường ngắn có thể đi bộ...

Chuyện kẹt xe “như cơm bữa” ở TP.Biên Hòa gần đây ai cũng thấy, đều rất mệt mỏi mỗi khi ra đường, song rất ít người chọn phương tiện đi lại bằng cách lên xe buýt “cà tàng” nhằm… giải tỏa nỗi lo kẹt xe; mấy ai chịu đi bộ vài trăm mét đường khi mà vỉa hè bị chiếm dụng?

Phó giám đốc Sở Giao thông - vận tải Từ Nam Thành cho biết ngày 15-1 vừa qua, tuyến xe buýt trợ giá số 1 có máy lạnh từ phường Trảng Dài đi ngã tư Vũng Tàu đã được khai trương. Với tần suất 80 chuyến/ngày, tuyến xe đi vào hoạt động phần nào giảm lượng cá nhân lưu thông trên các tuyến đường trong nội ô thành phố.

* Ý thức khi lưu thông còn hạn chế

Nhiều người khi ra đường không chấp hành các quy định về an toàn giao thông; không ít “ông trời con” điều khiển xe vượt đèn đỏ, lạng lách, phóng như bay giữa dòng xe cộ lộn xộn; một số tài xế “hung thần” xe tải ben, xe container bất chấp sự an nguy của người đi đường nên ầm ầm chạy ẩu trong sự hoảng sợ của người dân.

Nói cách khác, cụm từ  “văn hóa giao thông” mà lâu nay các phương tiện truyền thông liên tục nhắc đi nhắc lại chỉ mới dừng lại ở… khẩu hiệu vì chẳng mấy ai quan tâm. Bên cạnh đó, hình ảnh phụ huynh đưa đón con đi học nhưng lại không đội mũ bảo hiểm, chở 3-4 em trên xe 2 bánh; xe ô tô đậu bừa bãi ngay dưới bảng cấm, chiếm dụng đường đi… vô tình hình thành trong nhân cách trẻ em nhận thức xấu về chấp hành luật pháp. Về lâu dài, thói quen này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận học sinh hàng ngày chứng kiến người lớn vi phạm Luật Giao thông đường bộ...

Ông Từ Nam Thành cũng cho rằng để giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, bên cạnh yêu cầu nâng cấp hạ tầng giao thông cũng như xây dựng tốt mạng lưới xe công cộng thì quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành kỷ luật giao thông của mỗi người.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội An toàn giao thông Việt Nam, cho rằng không chỉ thực hiện đúng các quy định của pháp luật về giao thông, người điều khiển phương tiện lúc nào cũng phải tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của lực lượng chức năng điều tiết trên đường; loại bỏ các thói quen chưa tốt như: chạy ngược chiều, giành vỉa hè với người đi bộ khi xảy ra ùn tắc; không dừng, đậu phương tiện lộn xộn dưới lòng, lề đường gây cản trở giao thông… Qua đó góp phần hạn chế kẹt xe và đảm bảo lưu thông an toàn.

Phải nói rằng, kẹt xe trong thời gian gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, chọn cho được giải pháp xử lý tình trạng kẹt xe một cách hiệu quả không chỉ ngồi chờ Nhà nước xây dựng tất cả các tuyến đường trọng điểm trong một lúc; không thể đợi lực lượng cảnh sát giao thông xuất hiện phân luồng, giải tỏa ách tắc giao thông để việc đi lại dễ dàng hơn. Ở đây, vấn đề cốt yếu góp phần giảm kẹt xe ở Biên Hòa, còn có trách nhiệm của mọi người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông: chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông trong mọi tình huống.

Thanh Hải

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích