Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên dừng suy nghĩ chỉ xuất khẩu đến các thị trường "dễ tính"

09:04, 19/04/2019

Năm 2016, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu Fohla (chữ viết tắt của Fruit of Huy Long An với logo 2 chiếc lá) vào các hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản. Trái chuối của doanh nghiệp này không chỉ tiêu thụ tốt tại Tokyo mà ở cả các tỉnh có nhiều loại nông sản ngon nổi tiếng của Nhật Bản.

Ông Võ Quan Huy. Ảnh: L.QUYÊN
Ông Võ Quan Huy. Ảnh: L.QUYÊN

Năm 2016, Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu trái chuối có thương hiệu Fohla (chữ viết tắt của Fruit of Huy Long An với logo 2 chiếc lá) vào các hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản. Trái chuối của doanh nghiệp này không chỉ tiêu thụ tốt tại Tokyo mà ở cả các tỉnh có nhiều loại nông sản ngon nổi tiếng của Nhật Bản.

Với kinh nghiệm hơn 40 năm làm nông dân, bắt đầu sản xuất lớn từ rất sớm, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình đã chia sẻ về câu chuyện làm nông nghiệp trong hội nhập.

* Nhiều lần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

* Ông chia sẻ gì về câu chuyện 25 lần khởi nghiệp với nghề nông qua hơn 40 năm làm nông?

- Đến nay tôi đã theo nghề nông hơn 40 năm. Nhà tôi có 7 anh chị em, tôi là con út. Gia đình khó khăn, tôi không có vốn liếng, chỉ “tay không bắt giặc” nên bước đầu tôi chọn cây mía vì lúc đó nông dân có nguồn đầu tư từ nhà máy đường. Tôi “theo” cây mía 20 năm, mất 6-7 năm mới cân bằng và phát triển tốt cây trồng này để chuyển dần sang sản xuất lớn. Lý do là vùng Đức Huệ thời đó trồng mía không lên được vì đây là “rốn phèn” của Đồng Tháp Mười. 

Tôi đi tham quan nhiều, thấy ở nước ngoài nông dân làm mía đạt năng suất cao, cách tính chữ đường của họ là do nhà nước đo, nhà máy trả tiền cho dân, giống mía được cải tiến liên tục nên tôi nhận ra cây mía mình trồng không có sức cạnh tranh. Năm 2000, tôi bỏ cây mía nhưng thực tế đến 3 năm sau tôi mới bỏ hẳn cây trồng này để chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn.

* Theo ông, nguyên nhân gì khiến sản xuất nông nghiệp chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng?

- Câu chuyện sản xuất theo phong trào thì không nên đổ lỗi hoàn toàn cho nông dân mà cần phải nhìn thực tế hơn. Chẳng hạn, vai trò của Nhà nước trong quy hoạch cũng chưa được thể hiện rõ nên có khi làm theo quy hoạch không chừng sẽ “chết”. Nhà nước chưa căn cứ trên nhu cầu thực tế của thị trường để điều chỉnh quy hoạch theo từng giai đoạn, giai đoạn nào cần phát triển cây nào, phát triển bao nhiêu. Trong đó, nông dân trồng quy mô lớn, sản phẩm đạt chuẩn bán được hàng nhưng hộ sản xuất nhỏ lẻ sản phẩm không đạt chuẩn vẫn bán được do thương lái, doanh nghiệp ham lợi chấp nhận mua hàng kém chất lượng. Chất lượng nông sản vàng thau lẫn lộn, đầu ra bấp bênh do nhiều vấn đề chứ không hoàn toàn chỉ là câu chuyện riêng của nông dân.

* Theo ông, sự khác biệt giữa sự chọn lựa thay đổi cây trồng, vật nuôi và vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng theo phong trào là gì?

- Thời nay, muốn trồng cây gì thì phải hiểu sản phẩm này sẽ bán ở đâu. Tôi lấy ví dụ, với trái chuối bán đi Trung Quốc, họ yêu cầu đóng gói cả nải lớn, chọn trái lớn, nhưng khi xuất đi Nhật Bản thì phải đóng gói 4 trái/phần và phân ra nhiều kích cỡ tùy việc cung cấp cho thị trường thôn quê hay thành thị. Nông dân càng hiểu chi tiết, cụ thể nhu cầu của thị trường thì mới làm ra được sản phẩm thị trường cần.

Nông dân thường chạy theo trồng loại này, loại kia để xuất đi Trung Quốc mà không để ý là thực tế Trung Quốc trồng được rất nhiều loại nông sản Việt Nam đang trồng và họ trồng tốt hơn mình. Nên vào vụ thu hoạch, Trung Quốc sẽ xuất ngược trở lại thị trường Việt Nam nhiều loại nông sản như: cam, khoai tây, ớt, tỏi...

Để không rơi vào vòng luẩn quẩn trồng - chặt - trồng, người nông dân phải hiểu được khi nào thị trường Trung Quốc cần nhập nông sản, nhập bao nhiêu và khi nào họ xuất ngược trở lại để chủ động điều chỉnh sản xuất.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản đã đánh giá trang trại “chuối - bò” ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An của ông Võ Quan Huy là “vòng lọc hoàn hảo” làm ra nông sản sạch.

Ở đây, ông Huy đầu tư trang trại nuôi 4 ngàn con bò Úc, trồng 200 hécta chuối xuất khẩu theo quy trình khép kín: phân bò được xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây chuối; cây chuối sau khi thu hoạch, thân và trái chuối dạt được chế biến thành thức ăn cho bò, tận dụng mọi phụ phẩm nông nghiệp nên không làm ô nhiễm môi trường. Trang trại chuối có hệ thống ròng rọc tự động để chuyển trái cây về kho, có hệ thống tưới tiêu hiện đại...

* Ông nhìn nhận ra sao về việc “giải cứu” nông sản?

- Câu chuyện giải cứu chuối từng diễn ra ở Đồng Nai dưới góc nhìn tình người thì rất nhân văn và trong điều kiện đó làm như vậy là cần thiết.

 Nhưng ai cũng hiểu dưới góc nhìn sản xuất mà dựa vào giải cứu là không nên. Để chấm dứt tình trạng giải cứu nên bắt đầu từ truyền thông cảnh báo nhu cầu thị trường cần bao nhiêu để đưa ra số liệu cụ thể là nông dân phải phát triển thêm bao nhiêu diện tích là đáp ứng nhu cầu này. Không nên cổ động theo kiểu giới thiệu 1 hécta chuối, tiêu, bưởi, sầu riêng lời tiền tỷ. Nhiều nông dân nói 1 hécta sầu riêng, bưởi đạt lợi nhuận tiền tỷ thì cũng có, nhưng cả trăm vườn sầu riêng thì chỉ có vài vườn đạt được mức đó với điều kiện vụ thu hoạch bán được giá cao. Chỉ chọn ra vài trường hợp cá biệt, làm nông dân ngộ nhận là rất tai hại.

* Hiện đang có sự kỳ vọng vào sản phẩm hữu cơ, như gạo hữu cơ bán cả trăm ngàn đồng/kg, cao hơn nhiều so với gạo bình thường. Nhưng hiện có bao nhiêu sản lượng sản phẩm hữu cơ  được tiêu thụ, sản xuất đại trà ai mua?

- Người nông dân cứ nhìn vào mức giá cao của sản phẩm bán ra để kỳ vọng. Cần có sự nghiên cứu, thống kê rõ ràng là có bao nhiêu người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm hữu cơ giá cao để sản xuất cho đúng.

* Trái cây VietGAP đủ chuẩn xuất khẩu vào Nhật Bản

* Ông luôn nhấn mạnh, sản xuất cho thị trường xuất khẩu thì câu chuyện quản trị là quan trọng nhất. Ông có thể nói rõ hơn về ý kiến này?

- Câu chuyện quản trị sẽ trả lời cho sản phẩm VietGAP có được chấp nhận tại thị trường xuất khẩu hay không? Tôi nói rằng sản phẩm đạt chuẩn VietGAP được chấp nhận vì tôi đang xuất khẩu chuối đạt chuẩn VietGAP đi Nhật Bản theo một số yêu cầu riêng của họ. Ngay cả khi làm GlobalGAP thì vẫn phải cộng những yêu cầu của họ chứ chỉ làm GAP không là không đủ.

Tôi đã xây dựng tiêu chuẩn sản xuất của Huy Long An, bán trong nước, bán đi Trung Quốc hay Nhật Bản tôi vẫn luôn giữ đúng chuẩn chất lượng đó, chỉ có sự khác biệt do những yêu cầu cụ thể của từng thị trường. Hàng đi Trung Quốc tôi cũng chọn phân khúc cao thay vì cạnh tranh ở phân khúc bình thường.

Nhiều năm nay, trang trại của tôi hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ; chuyển hướng sử dụng thuốc vi sinh và tôi đang tập trung xử lý để làm sạch nguồn đất để hướng đến được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ.

* Theo ông, sản phẩm trái cây Việt Nam có lợi thế gì khi so sánh với sản phẩm tương đồng của Trung Quốc?

- Tại sao kim ngạch xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc của chúng ta đang bị giảm? Ở đây, vai trò của Nhà nước là phải tuyên truyền, tác động liên tục để nông dân hiểu rằng bây giờ yêu cầu chất lượng của sản phẩm của Trung Quốc đã được nâng lên. Vì hiện đời sống người dân của nước họ đã được nâng cao nên yêu cầu thực phẩm chất lượng và sạch cũng nâng lên.

Nếu chúng ta vẫn giữ tư tưởng Trung Quốc là thị trường dễ tính thì không còn phù hợp. Bây giờ nông sản Việt muốn có đầu ra ổn định phải bán được cho doanh nghiệp Trung Quốc khó tính.

Muốn bán hàng đi Trung Quốc, phải tìm hiểu kỹ chuẩn mực của Trung Quốc, muốn bán đi Hàn Quốc thì phải hiểu rõ chuẩn mực của Hàn Quốc. Lợi thế của Việt Nam là sản xuất được quanh năm và phải tập trung khai thác được lợi thế này trong sản xuất nông sản cung cấp cho thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

* Câu chuyện doanh nghiệp và nông dân bao năm qua vẫn luẩn quẩn về sự phá vỡ cam kết, thiếu lòng tin giữa hai bên, theo ông cần làm gì để gỡ nút thắt này?

- Với vai trò là doanh nghiệp làm việc với nông dân, tuy chưa làm nhiều nhưng tôi thấy nông dân mình làm khá tốt. Cụ thể như khi hợp đồng liên kết bao tiêu chuối xuất khẩu với nông dân ở huyện Trảng Bom, tôi thấy nông dân làm rất tốt. Một vài nông dân có suy nghĩ chưa tốt thì tôi nói rõ với họ: anh làm theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đưa ra thì lúc nào cũng bán được hàng; anh vẫn giữ cách làm cũ thì đầu ra sẽ bấp bênh thôi.

Tôi buộc phải chấp nhận những trường hợp mình đầu tư nhưng nông dân không tin và không làm theo. Nhưng tôi nghĩ, nông dân khi đã tin thì họ sẽ làm. Và nếu giá phân bón, nguyên liệu đầu vào của mình hợp lý thì tại sao họ lại đi chọn sản phẩm khác, cách làm khác? Vậy nên, cần củng cố thế mạnh của mình trước đã.

“Tôi mất nhiều năm trời và rất tốn công để chuẩn hóa khâu sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu và ổn định theo đúng chuẩn chất lượng đã đề ra. Xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi, khó tránh khỏi việc gặp sự cố do nhiều nguyên nhân. Nhưng cách làm của tôi rất khác, khi khách hàng phản ảnh, tôi luôn nhìn ra cái sai của mình, chủ động xử lý chứ không phải lo “cãi cho huề”.

Xin cảm ơn ông!

Lê Quyên (thực hiện)

Tin xem nhiều