Báo Đồng Nai điện tử
En

Hành động quyết liệt để công nhân có đời sống ngày một tốt hơn

03:06, 12/06/2022

Sáng 12-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) cả nước bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang...

Sáng 12-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với công nhân lao động (CNLĐ) cả nước bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang. Tham gia đối thoại có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: chinhphu.vn
Tham dự buổi đối thoại, tại điểm cầu Trụ sở Khối nhà nước tỉnh Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, một số sở, ngành; đại diện cán bộ Công đoàn, công nhân lao động tiêu biểu các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
* Lắng nghe để thấu hiểu
 
Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến của người lao động. Hình thức đối thoại chính là để hiểu nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm. Thủ tướng đề nghị: “Chúng ta trao đổi, chia sẻ một cách thẳng thắn, chân thành, hết sức xây dựng, từ đó tìm ra giải pháp tốt nhất cho đời sống CNLĐ. Sau buổi đối thoại, các cơ quan, ban ngành sẽ tìm ra các giải pháp phù hợp với điều kiện hoàn cảnh đất nước, tình hình thực tiễn cũng như nguyện vọng của người lao động”.
 

Công nhân phấn khởi khi lương tối thiểu vùng tăng thêm 6%/tháng

Theo nghị định 38 mới được ban hành sáng 12-6, lương tối thiểu theo vùng trung bình tăng thêm 6% so với mức lương hiện nay (tương ứng tăng 180 - 260 ngàn đồng). Đối với về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ, Vùng II là 20.000 đồng/giờ, Vùng III là 17.500 đồng/giờ và Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Trước khi công nhân đặt câu hỏi đối thoại trực tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông báo tin vui với CNLĐ cả nước, đó là sáng 12-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38, quy định mức lương tối thiểu vùng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thông tin này ngay lập tức đã được CNLĐ cả nước đón nhận bằng những tiếng vỗ tay kéo dài liên tục, bởi đây là mong mỏi có từ lâu, đặc biệt trong điều kiện giá cả thị trường ngày càng đắt đỏ, cuộc sống công nhân thêm khó khăn.
 
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, đã nhận được hơn 10 ngàn câu hỏi của CNLĐ cả nước gửi đến Thủ tướng Chính phủ trong buổi đối thoại. Các ý kiến đều tập trung bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm nâng cao đời sống CNLĐ. Một trong những vấn đề có nhiều ý kiến là giải pháp nâng cao lương và thu nhập, nhà ở, cải thiện điều kiện làm việc, chất lượng bữa ăn ca, giá cả tiêu dùng tăng cao, chính sách bảo hiểm xã hội.
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành chia sẻ với công nhân, người lao động tại buổi đối thoại. Ảnh: chinhphu.vn
CNLĐ mong muốn sẽ cải thiện điều kiện khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho công nhân học tập nâng cao trình độ học vấn và tay nghề. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến mong muốn Chính phủ có giải pháp quyết liệt xử lý tội phạm tín dụng đen cho vay nặng lãi, đồng thời giúp CNLĐ tiếp cận được với những nguồn vốn vay ưu đãi một cách thuận lợi, tránh được các thiệt hại từ tín dụng đen hiện nay.
 
* Hành động vì CNLĐ
 
Các câu hỏi và kiến nghị của CNLĐ đặt ra tại buổi đối thoại đã được Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ ngành trả lời một cách thỏa đáng. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung cho biết, chậm nhất đến ngày 15-8 sẽ hoàn thành việc chi trả hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiên cứu rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu từ 20 năm, có thể xuống còn 10 năm. Bên cạnh đó, Bộ sẽ kiến nghị xử lý nghiêm doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện nghĩa vụ với người lao động.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng theo và các đại biểu Đồng Nai theo dõi buổi đối thoại qua màn hình
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng theo và các đại biểu Đồng Nai theo dõi buổi đối thoại qua màn hình
Còn đại diện Bộ Công an thì cho biết, đã và đang tiếp tục quyết liệt với hành vi cho vay nặng lãi. Cụ thể, trong 3 năm qua, Bộ Công an xử lý hơn 2.700 vụ, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, trong đó nhiều bị hại là công nhân. Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các tỉnh, thành kiểm tra hành chính, phát hiện tội phạm vi phạm để xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách, đồng thời rà soát các ngành nghề kinh doanh, mở cao điểm tấn công tội phạm liên quan tín dụng đen. Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang phối hợp với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho CNLĐ được tiếp cận vay vốn phù hợp và thuận tiện.
 
Đồng Nai là địa phương được mời nêu câu hỏi cuối cùng trước khi Thủ tưởng phát biểu kết thúc buổi đối thoại. Thay vì đặt câu hỏi, ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) đã chia sẻ với Thủ tướng suy nghĩ của mình, người có 28 năm làm công tác Công đoàn bảo vệ quyền và chăm lo cho CNLĐ. Ông Tú phấn khởi khi đời sống CNLĐ ngày càng được nâng lên, đặc biệt rất tự hào khi tay nghề của người lao động công ty không thua kém, thậm chí còn hơn các nước cùng gia công mặt hàng giày thể thao của Tập đoàn NIKE (Mỹ). Ông Tú tin tưởng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, CNLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục ngày càng phát triển và tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của mình.
Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú phát biểu tại buổi đối thoại
Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty TNHH Changshin Việt Nam Đặng Tuấn Tú phát biểu tại buổi đối thoại
Chia sẻ trước những câu hỏi, tâm tư tình cảm của CNLĐ nêu ra tại buổi đối thoại, Thủ tướng một lần nữa khẳng định “Đối thoại là hành động cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết” và thật đặc biệt khi ngày 12-6 cũng là 1 năm tròn Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Thủ tướng cho rằng, các ý kiến của CNLĐ cả nước nêu ra tại buổi đối thoại là “rất đúng, rất trúng, rất cần giải quyết ngay”. Thủ tướng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành phải tiếp tục lắng nghe CNLĐ, rà soát chính sách, bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện cơ chế chính sách, đáp ứng nguyện vọng…
 
Công Nghĩa
Tin xem nhiều