Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa múa rối vào trường mầm non: Dạy sáng tạo, học thú vị

09:11, 10/11/2006

Không chỉ cho trẻ mầm non bước đầu tiếp cận với văn học qua những câu chuyện kể, bắt đầu từ năm học này, trẻ còn được làm quen với các nhân vật rối ngộ nghĩnh và đầy hấp dẫn. Đây là nội dung của chuyên đề "Đưa múa rối vào trường mầm non" vừa được Sở GD-ĐT triển khai thí điểm.

Không chỉ cho trẻ mầm non bước đầu tiếp cận với văn học qua những câu chuyện kể, bắt đầu từ năm học này, trẻ còn được làm quen với các nhân vật rối ngộ nghĩnh và đầy hấp dẫn. Đây là nội dung của chuyên đề "Đưa múa rối vào trường mầm non" vừa được Sở GD-ĐT triển khai thí điểm.

 

Chuyên đề "Đưa múa rối vào trường mầm non" được Sở GD-ĐT triển khai thí điểm cho 89 giáo viên mầm non của 14 đơn vị trực thuộc. Sau 10 ngày tham gia lớp bồi dưỡng nghệ thuật múa rối do nghệ sĩ Văn Học (Hiệp hội múa rối quốc tế) trình bày, những giáo viên mầm non đã tự tay tạo nên những con rối. Giáo viên cũng kiêm luôn việc chuyển thể một câu chuyện kể mầm non thành kịch bản rối, đạo diễn, dàn dựng, trang trí sân khấu, tìm đạo cụ và trở thành một diễn viên tham gia biểu diễn. Buổi tổng kết lớp học cũng là buổi biểu diễn báo cáo đầy thú vị với hàng loạt vở diễn của các đơn vị như: Chú gà trống choai (Định Quán), Chiếc vòng chuông bạc (Xuân Lộc), Tay phải tay trái (Nhơn Trạch), Mẹ nòng nọc là ai (Cẩm Mỹ), Chàng rùa (Trảng Bom), Thỏ gấu thi tài (Biên Hòa), Đi hái nấm (Thống Nhất), Đeo chuông cho mèo (Long Khánh), Hoàng tử Sọ Dừa (Mẫu giáo Hướng Dương-Hoa Mai), Bó hoa tươi thắm (Công ty cao su), Chú nhái bén (Tân Phú), Mỗi người mỗi việc (Vĩnh Cửu), Thỏ trắng thông minh (Long Thành)... Theo nghệ sĩ Văn Học, những con rối hình thù ngộ nghĩnh, sặc sỡ sắc màu, điệu bộ hài hước khiến những câu chuyện kể vốn rất lôi cuốn trẻ con sẽ trở nên sinh động và có sức hấp dẫn hơn nhiều. Hơn nữa, xem một vở rối, trẻ sẽ cảm nhận được tính cách của nhân vật rõ hơn qua các hành động, lời nói. Điều này tác động trực tiếp đến việc hình thành nhân cách trẻ thơ. Tham gia một vai con Kiến trong vở rối "Chú gà trống choai", cô Nguyễn Trang Thảo (Trường mầm non La Ngà) không khỏi hào hứng khi kể về vở diễn của nhóm: "Câu chuyện "Chú gà trống choai" kể về tình bạn giữa hai nhân vật Gà trống choai và Kiến vàng. Trong một lần dạo chơi, do bất cẩn nên Kiến vàng rơi tõm  xuống ao. Gà trống choai cao to có thói khoác lác, hống hách nhưng thiếu dũng cảm đã bỏ mặc bạn Kiến vàng nhỏ nhắn giữa ao sâu. Chỉ đến khi Vịt bầu đi ngang nghe tiếng kêu cứu thì Kiến vàng mới được cứu sống. Câu chuyện chỉ có vậy và ở lớp mình đã kể nhiều lần với tranh ảnh minh họa. Nhưng khi được chuyển thể thành vở rối, dù chỉ có 3 nhân vật nhưng câu chuyện lại mang một cảm hứng khác. Lời kể được chuyển thành lời thoại cộng với cách bày trí cảnh quan sinh động giúp trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn nhiều".

Để có một vở rối, giáo viên phải tự tay thực hiện rất nhiều công đoạn: tạo hình cho con rối, tìm nguyên liệu, cắt dán, may, chuyển một câu chuyện kể thành kịch bản sân khấu, tập thoại tiếng nói theo tính cách nhân vật, điều khiển và biểu diễn con rối theo từng động tác... Điều này có nghĩa là giáo viên làm việc nhiều hơn, mất nhiều thời gian và đầu tư công sức vào giờ dạy hơn, thể hiện được khả năng sáng tạo, linh hoạt của người dạy. Nhưng bù lại, các nhu cầu giải trí, nhận thức, giao tiếp, tưởng tượng của trẻ thơ sẽ được thỏa mãn. "Cực nhưng hiệu quả, ngay cả người lớn khi xem diễn rối vẫn còn thích thú nói chi đến trẻ lứa tuổi mầm non. Đây là một chuyên đề rất thú vị và bổ ích đối với người dạy lẫn người học. Ban đầu giáo viên rất ngần ngại để làm một con rối nhưng qua tập huấn, thực chất nguyên vật liệu để làm con rối không phải là chuyện lớn. Giáo viên tận dụng những nguyên liệu phế thải như vải vụn, bông gòn, mút xốp, hạt nhựa, nút áo...là những thứ rất dễ tìm, lại rẻ. Giáo viên chịu khó chăm chút, khéo léo sáng tạo sẽ tạo nên những chú rối ngộ nghĩnh, kết hợp với kỹ thuật biểu diễn thì những nhân vật sẽ sống động và gần gũi với thế giới tuổi thơ" - cô Võ Thị Hằng Nga (Trường mẫu giáo Hòa Hưng, Long Thành) cho biết. 

Theo Sở GD-ĐT, việc sử dụng nghệ thuật múa rối lồng ghép trong các hoạt động của giáo dục mầm non không chỉ thực hiện việc giữ  gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn nâng cao các hoạt động, đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. Quan trọng hơn, đưa nghệ thuật múa rối vào nhà trường sẽ kích thích khả năng tư duy, giúp học sinh có được cảm xúc hồn nhiên, ngây thơ, tạo cho các em sự cảm nhận về tuổi thơ thần tiên.

Thu Trang

Tin xem nhiều