Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm mới Bảo tàng Đồng Nai

07:08, 09/08/2022

Với số lượng hơn 20 ngàn hiện vật quý, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang có nhiều thuận lợi để thúc đẩy hoạt động quảng bá văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.

Với số lượng hơn 20 ngàn hiện vật quý, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang có nhiều thuận lợi để thúc đẩy hoạt động quảng bá văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ ba từ trái qua) tham quan Phòng Trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ ba từ trái qua) tham quan Phòng Trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Tuy nhiên, tiềm năng đó hiện chưa được khai thác hiệu quả. Và câu hỏi “Làm thế nào để tăng sức hấp dẫn cho bảo tàng?” được các cấp, các ngành và người dân quan tâm.

* Vẫn trưng bày theo lối cũ

Bảo tàng Đồng Nai đang trưng bày toàn bộ phần lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội của người Đồng Nai kể từ khi xuất hiện với những chứng tích đầu tiên của nền văn hóa cổ cho đến ngày nay. Với hơn 20 ngàn hiện vật, Bảo tàng Đồng Nai chia làm nhiều phòng trưng bày với các nội dung: thiên nhiên đất nước con người Đồng Nai, động thực vật, văn hóa các tộc người, người Việt ở Đồng Nai, Đồng Nai thời tiền sử… đến thời kỳ khôi phục kinh tế sau năm 1975.

Bên cạnh đó, bảo tàng còn lưu giữ gần 2 ngàn đầu sách, 164 băng đĩa về các loại hình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng; hơn 2 ngàn hình ảnh về thành tựu các lĩnh vực, 300 đầu tư liệu chữ viết. Các phòng trưng bày của bảo tàng đang được duy trì hiện trạng trưng bày truyền thống, chưa có nhiều ứng dụng công nghệ số vào trưng bày hiện vật. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai đã mở cửa, đón hơn 8,5 ngàn lượt khách đến tham quan. Đây là con số khiêm tốn so với khối lượng hiện vật, hình ảnh, tư liệu mà bảo tàng đang lưu giữ.

Để tạo sức hút cho Bảo tàng Đồng Nai, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, Bảo tàng Đồng Nai phải có đề xuất, phải suy nghĩ cách làm mới mình. Bảo tàng Đồng Nai cần sự hỗ trợ và chỉ đạo của tỉnh như thế nào để đưa bảo tàng trở thành điểm đến, là niềm tự hào của người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

Đến tham quan Bảo tàng Đồng Nai mới đây, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết Bảo tàng Đồng Nai đang trưng bày nhiều hiện vật rất đa dạng, phong phú về thiên nhiên, lịch sử, truyền thống anh hùng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy nhiên, việc trưng bày tại bảo tàng hiện vẫn đang theo lối cũ, chưa được làm mới.

“Làm sao tiếp tục làm mới hơn những tư liệu trưng bày tại bảo tàng và thu hút nhiều hơn những công dân, đặc biệt là giới trẻ đến tham quan bảo tàng, để mỗi người dân của Đồng Nai cảm thấy tự hào, vinh dự và có trách nhiệm với vùng đất này nhiều hơn? Làm sao biến bảo tàng thành một điểm đến du lịch hấp dẫn để giới thiệu về vùng đất, con người Đồng Nai đến người dân và du khách” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

* Cần làm mới bảo tàng

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho hay, so với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Bảo tàng Đồng Nai hình thành rất sớm. Từ năm 1998, Đồng Nai đã trưng bày nhân kỷ niệm 300 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Vào thời điểm ấy, Bảo tàng Đồng Nai là một trong những điểm sáng khi các tỉnh bạn đến tham quan, học tập kinh nghiệm về cách làm bảo tàng. Trải qua thời gian 25 năm, việc chưa làm mới bảo tàng khiến cho hệ thống trưng bày đã lỗi thời, lạc hậu và xuống cấp. Đây là “cái lỗi” mà ngành VH-TTDL nhận thấy làm chậm.

“Hiện nay, ngành VH-TTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh phương án làm mới bảo tàng. Trong đó, ngành đang xin UBND tỉnh trưng bày lại bảo tàng và thực hiện lại một số dự án lớn như: số hóa hiện vật bảo tàng, số hóa di tích (vật thể và phi vật thể), ứng dụng khoa học công nghệ vào trưng bày và quảng bá bảo tàng. Các dự án này chúng tôi làm một lúc, trình UBND tỉnh xin chủ trương và sẽ báo cáo với Ban TVTU để cho phép một chủ trương lớn nhằm thực hiện đổi mới bảo tàng phù hợp với xu thế công nghệ 4.0” - ông Nguyễn Hồng Ân chia sẻ.

Cùng với các đề án lớn đang trình UBND tỉnh, thời gian qua, ngành VH-TTDL đã và đang từng bước đưa ứng dụng công nghệ vào xây dựng các bộ sưu tập, số hóa một số hiện vật, bảo vật quốc gia, số hóa di tích Văn miếu Trấn Biên trên tinh thần thực hiện tour tham quan thực tế ảo 360.

Cũng theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, trong định hướng năm 2023, ngành sẽ tiếp tục thực hiện các dự án, đồng thời chỉ đạo các huyện, thành phố tham mưu cho địa phương để thực hiện số hóa cho các điểm du lịch, các điểm đến của di tích. Đây là việc làm cần thiết, vừa thúc đẩy chuyển đổi số, vừa giúp người dân có thể tìm đến hiện vật bảo tàng, tham quan di tích trên nền tảng smart phone (điện thoại thông minh). Có như vậy, vốn di sản Đồng Nai mới được lan tỏa trong cộng đồng.

“Hiện nay, chúng ta đang phục vụ người dân và du khách đến tham quan bảo tàng, di tích một cách thụ động. Tôi hy vọng rằng, với những nỗ lực của tỉnh và của ngành, trong tương lại Bảo tàng Đồng Nai là điểm đến hấp dẫn, tour tham quan thu hút các nhà lữ hành, du lịch chú ý nhằm quảng bá và phát huy bản sắc văn hóa vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hơn 320 năm” - ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.   

Ly Na

Tin xem nhiều