Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả bước đầu của đề án sữa học đường

10:12, 28/12/2014

Năm 2014, đề án sữa học đường đã được triển khai tại 104 trường mầm non, 45 nhóm, lớp ngoài công lập, trong đó có hơn 39,2 ngàn trẻ với kinh phí gần 14,4 tỷ đồng...

Năm 2014, đề án sữa học đường đã được triển khai tại 104 trường mầm non, 45 nhóm, lớp ngoài công lập trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu và Trường mẫu giáo Đông Phương (huyện Trảng Bom) cho hơn 39,2 ngàn trẻ với kinh phí gần 14,4 tỷ đồng.

Trẻ mầm non Trường mầm non Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) trong giờ uống sữa học đường. Ảnh: H.Dung
Trẻ mầm non Trường mầm non Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc) trong giờ uống sữa học đường. Ảnh: H.Dung

Đề án dự kiến thực hiện từ tháng 4 nhưng đến tháng 9 mới được triển khai. Do đó, từ tháng 9 đến tháng 12, trẻ được uống sữa bù của tháng 4 và tháng 5. Tổng cộng, mỗi trẻ đã được uống 73 hộp sữa loại 180ml.

Trẻ ra lớp đông, thường xuyên hơn

Sau 4 tháng thực hiện, đề án nhận được nhiều phản hồi tích cực. Bà Vương Thị Ngân, chuyên viên phụ trách mầm non Phòng GD-ĐT huyện Định Quán, cho biết toàn huyện có 22 trường mầm non, 12 nhóm trẻ thực hiện đề án này. Đề án có tác động tích cực đến việc huy động trẻ ra lớp trên địa bàn huyện, từ 8,4 ngàn trẻ hồi đầu năm học, đến nay đã có 8,7 ngàn trẻ ra lớp.  Phụ huynh cũng cho con đến lớp thường xuyên hơn để đảm bảo quyền lợi.

Sơ Trần Thị Thoa, nhóm trưởng lớp mẫu giáo tư thục Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ), chia sẻ: Mỗi hộp sữa có giá 6 ngàn đồng, nhưng phụ huynh chỉ phải đóng 2,1 ngàn đồng/hộp, còn lại là do ngân sách Nhà nước và công ty sữa hỗ trợ. “Là nhóm trẻ tư thục nhưng cũng được thụ hưởng đề án này như các trường công lập nên chúng tôi và phụ huynh rất phấn khởi. Hiện tại nhóm có 67 trẻ, phần lớn là con của công nhân cao su, ít có điều kiện uống sữa thường xuyên nên cứ đến giờ là các cháu đua nhau uống sữa. Đầu tháng 9-2014, chúng tôi có tiến hành cân đo thể chất cho trẻ, có 6 trẻ bị suy dinh dưỡng về cân nặng nhưng đến nay chỉ còn 1 trẻ, không có trẻ nào bị suy dinh dưỡng về chiều cao” - sơ Trần Thị Thoa cho biết.

Cô Võ Thị Quỳnh Đào, nhóm trưởng nhóm trẻ tư thục Sắc Màu (huyện Xuân Lộc), cho hay sau 4 tháng triển khai, nhóm có thêm 9 trẻ ra lớp. Hàng tháng, các cô giáo đều tiến hành cân đo thể chất cho trẻ, kết quả cuối tháng 11-2014 có 11 trẻ tăng cân và 7 trẻ tăng chiều cao so với tháng trước.

Được đảm bảo quyền lợi

Dự kiến trong năm 2015, đề án sữa học đường được triển khai cho gần 138 ngàn trẻ tại tất cả các trường mầm non, nhóm lớp mầm non tư thục được cấp phép trong toàn tỉnh và gần 16 ngàn học sinh lớp 1 của các trường tiểu học thuộc 5 huyện đã thực hiện trong năm 2014 với tổng kinh phí trên 110 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50%, phụ huynh đóng góp 35% và công ty sữa hỗ trợ 15%.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở GD-ĐT vẫn đang làm công tác đấu thầu. Nếu đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) thì chỉ phải khảo sát cơ sở vật chất tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất; TX.Long Khánh và TP.Biên Hòa. Nhưng nếu đơn vị mới trúng thầu, phải tiến hành khảo sát cơ sở vật chất của cả 11 huyện, thị, thành phố, dẫn đến việc triển khai cho trẻ uống sữa khó đảm bảo thời gian như kế hoạch đã đề ra. Theo dự kiến, các đơn vị giải quyết cho trẻ uống sữa bù trong 1-2 tháng đầu của năm 2015.

Đồng Nai là tỉnh thứ ba trong cả nước sau Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đề án sữa học đường. Tổng kinh phí thực hiện đề án từ 2014-2020 là hơn 1.315 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 658,7 tỷ đồng; phụ huynh đóng góp  459,4 tỷ đồng; công ty sữa hỗ trợ 197,2 tỷ đồng. Đề án nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ mầm non, tiểu học. Mục tiêu đến năm 2020 là tập trung giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cân nặng, chiều cao, khống chế trẻ thừa cân, béo phì tại các trường mầm non, tiểu học và nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Hạnh Dung

 
 

 

Tin xem nhiều