Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên: Quyền lợi thiết thân

11:08, 31/08/2016

Rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên (HSSV) bị tai nạn bất ngờ, bị bệnh nặng đột xuất đã  được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị bệnh...

Rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên (HSSV) bị tai nạn bất ngờ, bị bệnh nặng đột xuất đã  được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị bệnh...

 Một học sinh bị sốt xuất huyết phải điều trị lọc máu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai với chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: P.Uyên
Một học sinh bị sốt xuất huyết phải điều trị lọc máu tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai với chi phí do quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Ảnh: P.Uyên

Để giảm bớt khó khăn trong việc tham gia BHYT ở các gia đình, ngoài phần hỗ trợ 30% của Nhà nước dành cho đối tượng HSSV, mới đây UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh hỗ trợ thêm 20%. Như vậy phụ huynh chỉ còn phải đóng 50% mức chi phí. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của HSSV.

* Quyền lợi thiết thân

Mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã giao chỉ tiêu cho các địa phương trong năm học 2016-2017 này phải phấn đấu bảo đảm 100% HSSV tham gia BHYT. Đồng thời các sở, ngành liên quan và các địa phương phải phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật BHYT đến người dân để hiểu về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT.

Em Nguyễn Lý Bảo Trâm khi học Trường tiểu học Phước Tân (TP.Biên Hòa) bị bệnh khá nặng phải điều trị dài ngày. Sau thời gian điều trị đã được quỹ BHYT chi trả 233 triệu đồng. Tương tự, em Nguyễn Thanh Bình (Trường THCS Hùng Vương, TP.Biên Hòa) bị tai nạn đột xuất được quỹ BHYT chi trả trên 134 triệu đồng; hay em Hứa Ngọc Minh Hiếu cũng là học sinh trường này bị bệnh và được BHYT chi trả 105 triệu đồng chi phí khám chữa bệnh. Theo phụ huynh những học sinh này, mức chi trả viện phí cao như thế nhưng nếu không tham gia BHYT, gia đình sẽ khó có thể lo đủ; hoặc dẫu có vay mượn đây đó cũng rất chật vật. Rõ ràng, tham gia BHYT đối với HSSV là hết sức cần thiết cho bản thân các em và gia đình. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng quan tâm đến việc tham gia BHYT cho con em mình.

Theo BHXH tỉnh, tính đến ngày 26-8-2016, toàn tỉnh có 507 ngàn HSSV, nhưng mới có gần 420 ngàn em tham gia BHYT (đạt tỷ lệ  87,8%). Như vậy, còn tới gần 88 ngàn HSSV chưa tham gia BHYT. Bên cạnh những địa phương tích cực vận động, có các giải pháp thực hiện tốt tỷ lệ HSSV tham gia BHYT rất cao, như: TP.Biên Hòa đạt 93,6%, huyện Thống Nhất 92,5%, Vĩnh Cửu 86,1%... vẫn còn những địa phương đạt tỷ lệ thấp, như: Tân Phú chỉ đạt 57,3%, Xuân Lộc 65,3%, Nhơn Trạch 66,4%...

* Cần đổi mới phương thức vận động

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ huynh chưa mặn mà tham gia BHYT cho con em mình. Trong khi đó, không ít nơi cho rằng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp là do địa phương còn nghèo. Thực tế, có những địa bàn kinh tế còn khó khăn nhưng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt khá cao, như: huyện Cẩm Mỹ người dân có mức sống không cao, nhưng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt trên 80%. Vấn đề cốt lõi là sự quan tâm cũng như phương thức vận động của chính quyền địa phương, nhà trường chưa thực sự hiệu quả.

Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cũng cho rằng các trường học cần tập trung tuyên truyền để thay đổi nhận thức của HSSV, phụ huynh về ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia BHYT. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung vào những nội dung: ý nghĩa của việc tham gia BHYT; giải thích cho người dân biết trong năm 2016, giá viện phí và dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng, nếu  người dân không có thẻ BHYT sẽ rất tốn kém khi đi khám, chữa bệnh.

Là một trong số ít trường ở TX.Long Khánh nhiều năm đạt tỷ lệ học sinh tham gia BHYT 100%, Trường THCS Lê A có cách làm rất hay. Ông Trần Văn Phương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong các buổi họp phụ huynh từ đầu năm học, giáo viên đã vận động cha mẹ tham gia BHYT cho con. Đối với số học sinh không tham gia, nhà trường tìm hiểu điều kiện kinh tế và phân ra 3 loại: hộ khá giả không muốn tham gia; hộ có điều kiện nhưng không tham gia và hộ nghèo không đủ điều kiện tham gia. Đối với đối tượng con em các hộ khá giả và có điều kiện, trường lập một đoàn vận động trong đó đích thân hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và một số cán bộ ban, ngành xã xuống nhà từng em để vận động, giải thích. Riêng con em hộ nghèo thì nhà trường linh động giải quyết cho đóng BHYT thành nhiều đợt, nếu nghèo quá thì nhà trường vận động ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, lớp hỗ trợ tặng thẻ BHYT.

Theo Phó giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, từ năm học 2014-2015 mức đóng BHYT đối với HSSV tăng gấp 1,5 lần so với trước đây, từ 3% mức lương cơ sở tăng lên 4,5%. Đây là một khó khăn lớn đối với công tác phát triển BHYT trong HSSV. Năm qua, ngành BHXH cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương, các phòng GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền vận động, hướng dẫn giải thích cho phụ huynh, HSSV, lãnh đạo nhà trường và cán bộ ngành giáo dục để cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn.

“Thực tế, mức phí BHYT có tăng lên nhưng qua đề xuất của BHXH tỉnh, năm học này UBND tỉnh cũng đã đồng ý hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho HSSV. Do đó, mức phí tham gia BHYT của phụ huynh hầu như không tăng so với mức cũ. Song, mục tiêu hướng tới chính là để bảo đảm quyền được tiếp cận y tế, được khám chữa bệnh, được chăm sóc khỏe cho HSSV cũng như giảm gánh nặng cho các gia đình khi con em gặp sự cố” - ông Thành nói.

Phương Uyên

 

 

 

Tin xem nhiều