Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng lụa Vạn Phúc

Bích Thuận
18:01, 05/04/2024

Làng Lụa Hà Đông thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, một địa chỉ không thể bỏ qua khi ghé về đất thủ đô ngàn năm văn hiến.

Các sản phẩm lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Ảnh: Thanh Phương
Các sản phẩm lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Ảnh: Thanh Phương

Ngay trước cổng làng, tảng đá màu trắng xám nguyên sơ nép mình dưới tán cây cổ thụ với dòng chữ “Làng lụa Vạn Phúc” mềm mại, uốn lượn như những dải lụa mềm. Dọc con đường chính và những tuyến đường ngang được trang trí bằng những cánh diều hoặc hàng ô che rực rỡ cùng nhiều guồng tơ được sắp đặt đẹp mắt như bao quát toàn cảnh của làng nghề có lịch sử lâu đời…

Làng nghề nổi tiếng

Dắt tay con gái theo các đường ô, đường diều, chị Trần Thị Thanh Minh đến từ Nam Định bộc bạch: “Thời còn đi học, chúng tôi nhớ câu ca dao nổi tiếng: Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định lụa hàng Hà Đông. Khi tốt nghiệp ra trường đi công tác, tôi thường đến thăm làng lụa và mua nhiều sản phẩm cho mình, con gái cùng gia đình”.

Theo UBND phường Vạn Phúc, cuối năm 2023, làng lụa Vạn Phúc trải qua Tuần văn hóa, du lịch, thương mại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (từ ngày 26-10 đến 2-11-2023). Đây là một hoạt động thiết thực kỷ niệm tròn 20 năm thành lập phường Vạn Phúc (30-10-2003 - 30-10-2023). Với chủ đề Vạn Phúc - sắc màu hội nhập, làng dệt lụa Vạn Phúc - Hà Đông thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan, thưởng lãm và mua sắm các sản phẩm từ lụa.

Du khách tấp nập trên những con đường trong làng lụa Vạn Phúc.
Du khách tấp nập trên những con đường trong làng lụa Vạn Phúc.

Theo các tài liệu lịch sử và lời kể của nhiều cụ cao niên, làng lụa Vạn Phúc trước có tên là Vạn Bảo. Do kị húy nhà Nguyễn nên làng đã được đổi tên thành Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và được người Pháp đánh giá là một trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và đến nay, lụa Vạn Phúc Hà Đông được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và hiện đang đi đầu trong ngành dệt Việt Nam. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp, bền bởi hoa văn trên lụa khá đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem, người dùng.

Gắn sản phẩm với phát triển du lịch

Với hơn 1 ngàn năm tuổi, làng lụa Vạn Phúc chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng với tình yêu nghề truyền thống, nhiều nghệ nhân của làng vẫn nỗ lực cần mẫn, sáng tạo để có nhiều mẫu lụa mới, phù hợp nhu cầu thị trường. Đây cũng chính là sự đa dạng mẫu mã sản phẩm của làng nghề gắn với phát triển du lịch truyền thống.

Trung bình mỗi năm, làng lụa Vạn Phúc sản xuất khoảng 2,5-3 triệu mét lụa các loại. Làng lụa Vạn Phúc còn trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô. Theo ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, các sản phẩm lụa truyền thống kết hợp hiện đại gắn với phát triển du lịch bền vững đang là hướng đi chủ đạo của các thành viên hiệp hội cũng như người dân nơi đây.

“Bên cạnh phát triển các sản phẩm, làng nghề cũng đã tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố Lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với Sở Du lịch thành phố về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng” - ông Hà nhấn mạnh.

Cổng và phiến đá vào làng lụa Vạn Phúc.
Cổng và phiến đá vào làng lụa Vạn Phúc.

Vạn Phúc là một trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam, mang vẻ đẹp cổ kính, nổi tiếng với các sản phẩm lụa dệt tơ tằm chất lượng và sở hữu nhiều điểm “check-in sống ảo” thu hút giới trẻ cùng khách du lịch. Làng đã được công nhận kỷ lục Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam trao tặng.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ, người đã gắn bó với dệt lụa hơn 30 năm qua, cho biết: “Sản phẩm lụa Vạn Phúc vẫn dùng nguyên liệu tự nhiên nên vừa óng, vừa mềm mại, khác xa các sản phẩm lụa trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, ngày này, sản phẩm lụa Vạn Phúc đa dạng hơn về chủng loại, mẫu mã, cách điệu sản phẩm”.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm, các công đoạn để làm nên một sản phẩm từ lụa Vạn Phúc có lịch sử lâu đời, tuân thủ mọi quy trình nên sản phẩm lụa Vạn Phúc khác biệt cả về chất liệu, giá cả và độ ưa chuộng của thị trường. Vì thế, để làng nghề dệt lụa Vạn Phúc phát triển xứng tầm, trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, còn nhiều vấn đề cần được cải thiện. Trong đó có kiểm soát tốt hơn nguồn gốc sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến công đoạn sản xuất và sản phẩm đầu ra để ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhái, hàng giả. Chú trọng tập huấn để các hộ kinh doanh, nhân viên bán hàng, tư vấn sản phẩm sao cho du khách vừa thưởng lãm sản phẩm truyền thống, vừa ấn tượng về một làng nghề hơn ngàn năm tuổi để đi rồi lại mong ngày trở lại.

Bích Thuận

Tin xem nhiều